Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nếu hoàn chỉnh, đủ điều kiện thông qua tại một kỳ họp
Những nội dung trong dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân cơ bản đã chín, đã rõ, được rà soát, hoàn chỉnh, sẽ đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp. Đây là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân tại phiên họp tổ chiều ngày 12/5.

Toàn cảnh buổi thảo luận tại Tổ 17
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự Phiên họp Tổ 17 (gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Ngãi và Cà Mau), thảo luận về các nội dung gồm: Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Ngăn chặn “nạn” buôn bán dữ liệu cá nhân, lừa đảo phổ biến, tràn lan trên không gian số

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại phiên họp Tổ 17
Phát biểu tại buổi họp Tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã cho ý kiến về một số nội dung trong các dự án Luật gồm: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trong đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đã dành nhiều quan tâm để thông tin và trao đổi với các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại Tổ 17
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được Bộ Công an nghiên cứu từ năm 2019, thậm chí việc nghiên cứu về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được thực hiện từ trước đó. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP Bảo vệ dữ liệu cá nhân và tiếp tục nghiên cứu để xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Sau 2 năm thực hiện Nghị định 13/2023, Chính phủ nhận thấy có thể nâng Nghị định lên thành luật và đã báo cáo Quốc hội, được Quốc hội bổ sung, đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Chính phủ cho rằng, đây là dự án luật nếu sớm được Quốc hội thông qua, có hiệu lực sớm sẽ tháo gỡ được nhiều vấn đề, nhất là ngăn chặn “nạn” buôn bán dữ liệu cá nhân, mua bán dữ liệu, tấn công, lừa đảo đang xảy ra khá phổ biến, tràn lan trên không gian số. Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Luật này tại một kỳ họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và đồng ý trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp với điều kiện phải bảo đảm chất lượng theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại phiên họp Tổ 17
Về bố cục dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đã thẩm tra, đề nghị soát hai Chương gồm: Chương 3 Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân và Chương 4 Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình sử dụng dữ liệu cá nhân để quy định cho phù hợp. Cũng có ý kiến cho rằng, nên nhập hai Chương lại thành một, đó là Chương Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý và sử dụng dữ liệu cá nhân để đỡ chồng chéo, trùng lắp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đồng tình với ý kiến đại biểu Quốc hội cần tiếp tục rà soát kỹ để bảo đảm sự thống nhất ngay trong các điều trong luật, giữa các điều trong luật này với các luật khác về chuyển đổi số, an toàn thông tin, an ninh mạng, dữ liệu… “Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nếu được rà soát, hoàn chỉnh thì cũng đủ điều kiện để chúng ta thông qua tại một kỳ họp. Vì tất cả những vấn đề trong dự thảo luật cũng đã chín rõ, đã rõ. Cơ bản chỉ là vấn đề kỹ thuật lập pháp”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.
Quy định mức xử phạt từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, liệu có phù hợp?
Cho ý kiến về dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại về sự cần thiết ban hành luật trên cả phương diện cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Dữ liệu cá nhân không chỉ liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu là cá nhân, mà còn là nguồn tài nguyên chính để thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng trên hầu hết các lĩnh vực thì nguy cơ lộ, mất dữ liệu cá nhân trong quá trình thu thập, chuyển giao, lưu trữ, khai thác sử dụng ngày càng cao nếu không có biện pháp bảo vệ tương xứng. Đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cũng cho rằng, trong dự thảo Luật có phần giải thích từ ngữ “dữ liệu cá nhân” bao gồm: dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm. “Đề nghị cần phân định rõ những dữ liệu nào là dữ liệu cá nhân cơ bản, dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Nên chăng thiết kế một Điều giao cho Chính phủ quy định rõ, liệt kê rõ để chúng ta dễ thực hiện trong triển khai luật”, đại biểu Vũ Thị Liên Hương đề nghị.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu.
Bên cạnh đó, đại biểu Vũ Thị Liên Hương cũng đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại thứ tự các Khoản trong Điều 43 cũng như các Điều trong dự thảo Luật, đảm bảo tính thống nhất với các luật có liên quan như: Bộ Luật dân sự, Luật Dữ liệu, Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn thông tin…
Đồng tình với đại biểu Vũ Thị Liên Hương, đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cũng cho rằng, dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa thể hiện rõ định nghĩa về dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Qua thẩm tra, có ý kiến cho rằng cần định nghĩa rõ, bởi từ chỗ hiểu được nội hàm thì mới có những quy định phù hợp với từng loại dữ liệu cá nhân. Chẳng hạn, đối với dữ liệu cá nhân nhạy cảm thì sẽ có những quy định chặt chẽ hơn, nhất là việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài. “Tôi mong Cơ quan soạn thảo có định nghĩa, giải thích từ ngữ để từ đó có những quy định phù hợp với tính chất từng loại dữ liệu cá nhân”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng, dư luận báo chí rất quan tâm đến nội dung khoản 2 Điều 4 về “Xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân”. Theo đó, dự thảo quy định: “Áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chính phủ quy định chi tiết quy định cụ thể về mức phạt, khung tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính”. Theo đại biểu, một số trang báo cho rằng, quy định xử phạt như vậy là quá nặng. Hiện nay chúng ta xử phạt vi phạm hành chính đều căn cứ vào hành vi và đưa ra một mức nào đó theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định. Dự thảo Luật quy định mức xử phạt như trên là rất cao so với các quy định về xử phạt vi phạm hành chính hiện nay. “Vấn đề là chỉ một lỗi nhỏ trong bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng bị phạt như vậy mà không xét đến tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, hậu quả, mức độ nghiêm trọng… Rõ ràng là không phù hợp với nguyên tắc xử lý chung. Rất mong Cơ quan soạn thảo giải trình hoặc xem xét việc quy định xử lý vi phạm cho phù hợp”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng mong muốn.

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu.
Còn theo đại biểu Ma Thị Thúy, đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, việc xử phạt vi phạm hành chính thường sẽ được Chính phủ quy định cụ thể bằng các Nghị định. Do vậy, đại biểu đặt câu hỏi, liệu có nên quy định mức xử phạt từ 1% đến 5% ngay trong dự thảo luật này hay không. “Nếu quy định xử phạt theo doanh thu năm liền trước, thì liệu có phù hợp với các tổ chức, doanh nghiệp mới thành lập hoặc tổ chức, doanh nghiệp có doanh thu thấp hoặc không có lợi nhuận?”, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nội dung này.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại buổi thảo luận:

Toàn cảnh buổi thảo luận tại Tổ 17

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại phiên họp Tổ 17

Đại biểu Hà Thị Nga, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang điều hành thảo luận Tổ 17

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại Tổ 17

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu.

Toàn cảnh buổi thảo luận tại Tổ 17