Phim truyền hình Việt Nam ngày càng 'mất thị phần' trong lòng khán giả?

Nhìn vào những con số thực tế, có thể thấy phim truyền hình Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức để giành lại tình cảm từ khán giả.

Trong suốt những năm đầu thập niên 2000, phim truyền hình Việt Nam từng là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với khán giả đại chúng. Những cái tên đình đám như Cảnh sát hình sự, Phía trước là bầu trời, Người phán xử, Quỳnh búp bê, Về nhà đi con đều từng tạo nên những cơn sốt màn ảnh nhỏ, góp phần làm nên ký ức văn hóa cho một thế hệ người xem.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, phim truyền hình Việt Nam đang dần đánh mất sức hút, nhường chỗ cho các nội dung giải trí khác.

Theo báo cáo từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, năm 2024 ghi nhận lượng người xem phim truyền hình trên các kênh sóng quốc gia giảm gần 30% so với năm 2019. Trên nền tảng VTVGo, lượng truy cập để xem các phim phát sóng giờ vàng cũng giảm trung bình 18% mỗi năm kể từ năm 2020. Trên mạng xã hội, các phim truyền hình Việt hiếm khi lọt top trending hoặc trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi như trước đây.

Trong khi đó, theo dữ liệu từ Statista, thời gian trung bình mỗi người Việt Nam dành cho việc xem nội dung trên các nền tảng OTT (Over-The-Top) như Netflix, VieON, FPT Play, TV360... tăng từ 56 phút/ngày vào năm 2020 lên đến 104 phút/ngày vào cuối năm 2023. Điều này cho thấy rõ ràng sự chuyển dịch mạnh mẽ về hành vi tiêu dùng nội dung, đặc biệt ở thế hệ trẻ.

Sự bùng nổ của các nền tảng xem phim trực tuyến đã mang đến lựa chọn phong phú cho khán giả.

Sự bùng nổ của các nền tảng xem phim trực tuyến đã mang đến lựa chọn phong phú cho khán giả.

Rõ ràng, sự bùng nổ của các nền tảng xem phim trực tuyến mang đến lựa chọn phong phú cho khán giả, nhưng cũng đồng thời làm loãng sự chú ý dành cho phim truyền hình phát sóng truyền thống.

Việt Nam hiện có hơn 20 nền tảng OTT trong và ngoài nước đang hoạt động tích cực. Một khảo sát của Decision Lab (2023) cho thấy 64% người dùng tại Việt Nam thường xuyên sử dụng từ 3 nền tảng OTT trở lên để giải trí mỗi tuần.

Mỗi nền tảng lại có hệ sinh thái nội dung riêng, từ phim điện ảnh bom tấn, series quốc tế, cho đến nội dung bản địa được đầu tư chỉn chu.

Trong bối cảnh đó, phim truyền hình Việt – vốn thường xuyên phát sóng theo khung giờ cố định, nội dung trải dài hàng chục tập – dễ dàng bị mất chỗ đứng khi khán giả quen với việc lựa chọn theo sở thích cá nhân và xem theo nhịp sống của riêng mình.

Thêm vào đó, mô hình nội dung ngắn đang chiếm ưu thế trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube Shorts khiến người xem ngày càng thiếu kiên nhẫn với các dòng phim dài hơi. Một báo cáo của We Are Social 2024 ghi nhận người Việt xem nội dung dạng video ngắn trung bình 39 phút/ngày, vượt xa thời lượng xem truyền hình truyền thống.

Không chỉ bị “làm loãng sự chú ý” từ các app giải trí, một nguyên nhân không thể bỏ qua là chính chất lượng phim truyền hình Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được kỳ vọng của khán giả.

Về kịch bản, nhiều phim bị đánh giá là lê thê, thiếu kịch tính hoặc lặp lại mô-típ cũ. Việc chạy theo công thức drama hóa mọi tình huống mà thiếu đi chiều sâu tâm lý hoặc thông điệp nhân văn khiến người xem cảm thấy nhàm chán. Năm 2023, trong số hơn 60 bộ phim truyền hình phát sóng trên VTV, có tới 40% bị người xem phản hồi tiêu cực về nội dung (theo thống kê nội bộ của VTV).

Phim "Đi giữa trời rực rỡ" gây sốt ở những tập đầu nhưng càng về sau càng "đuối sức".

Phim "Đi giữa trời rực rỡ" gây sốt ở những tập đầu nhưng càng về sau càng "đuối sức".

Lấy ví dụ, bộ phim Đi giữa trời rực rỡ thực sự ấn tượng khi đạt hơn 11 tỉ lượt xem sau 58 tập nhưng lại là bộ phim gây nhiều tranh cãi về kịch bản. Càng về những tập cuối, phim càng bị chê quá “lê thê”, tình huống phi logic, thậm chí bị cho là yếu kém trong khâu xây dựng kịch bản.

Sự non kém trong khâu kịch bản của phim truyền hình Việt từng được đạo diễn Trịnh Lê Phong nhìn nhận: “Hiện khó khăn nhất của phim truyền hình Việt là vấn đề kinh phí. Ở những nước có nền truyền hình phát triển, kinh phí để sản xuất một bộ phim truyền hình cao gấp nhiều lần so với chúng ta. Kinh phí cao thì mới có thể yêu cầu cao ở các công đoạn liên quan".

Nhà biên kịch phim Quách Thùy Nhung cũng nhận định: “Phim truyền hình Việt sẽ rất hay, chất lượng ổn định nếu được đầu tư đầy đủ".

Trong khi đó, biên kịch Phạm Đình Hải cho rằng các biên kịch của phim truyền hình Việt chưa bám sát được thực tế cuộc sống nên gây ra tình trạng phim dở.

Chỉ cần bám sát hiện thực cuộc sống, các nhà làm phim sẽ vẫn luôn có những thứ mới mẻ mang đến cho người xem. Cái gọi là xu hướng, thị hiếu... từ trước đến giờ về mặt bản chất không có nhiều thay đổi. Chẳng hạn, khán giả luôn yêu thích một nhân vật có sự tương đồng nhất định với bản thân, hoặc gần gũi với mơ ước về tương lai của họ.

Xã hội phát triển, khán giả cũng thay đổi, nhưng xu hướng yêu thích đó chưa bao giờ thay đổi. Chúng ta chỉ cần hiểu rõ khán giả của mình, thì luôn có những đề tài hợp thị hiếu và hấp dẫn người xem", nhà biên kịch nói,

Ngoài ra, đội ngũ diễn viên – yếu tố vốn từng là điểm mạnh của phim Việt – nay lại gặp khó do thiếu hụt nhân sự chuyên nghiệp và đào tạo bài bản. Sự lạm dụng diễn viên trẻ, nổi tiếng trên mạng xã hội nhưng thiếu kinh nghiệm diễn xuất khiến nhiều bộ phim bị mất điểm. Một cuộc khảo sát do Vietnam Report thực hiện năm 2023 cho thấy 62% khán giả cho rằng "diễn xuất gượng gạo" là lý do khiến họ không tiếp tục theo dõi một bộ phim Việt.

Việc các diễn viên có tiếng liên tục xuất hiện trong nhiều dự án phim với cùng mô-típ nhân vật, cùng nét diễn cũng khiến khán giả không khỏi “ngán”.

Đơn cử, Mạnh Trường được xem là “nam thần” của màn ảnh nhỏ Việt Nam, nhưng khi anh xuất hiện ở Chúng ta của 8 năm sau, anh lại bị chê là “cưa sừng làm nghé” khi cứ mãi thể hiện hình ảnh soái ca ngôn tình.

Hay như Thu Quỳnh – người từng gây sốt với những phân cảnh “hắc hóa” trong Quỳnh búp bê, Về nhà đi con nay lại đang khiến người xem “bội thực” vì những cảnh trợn mắt, nghiến răng ở Cuộc chiến không giới tuyến, Cha tôi người ở lại…

Diễn xuất của Thu Quỳnh gây nhiều tranh cãi trong "Cha tôi người ở lại".

Diễn xuất của Thu Quỳnh gây nhiều tranh cãi trong "Cha tôi người ở lại".

Trong khi đó, các nền tảng OTT quốc tế đang ngày càng đẩy mạnh nội dung châu Á chất lượng cao với các bộ phim Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... được đầu tư công phu từ hình ảnh, diễn viên đến chiến lược truyền thông. Sự so sánh là không thể tránh khỏi, và đáng tiếc, phim Việt đang tụt lại khá xa.

Trước tình hình này, rõ ràng phim truyền hình Việt Nam cần một sự thay đổi lớn để thích nghi và giữ chân khán giả. Phim truyền hình Việt Nam có thể đang mất sức hút, nhưng không có nghĩa là mất cơ hội nếu có sự thay đổi tích cực.

Lê Chi

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/phim-truyen-hinh-viet-nam-ngay-cang-mat-thi-phan-trong-long-khan-gia-ar940515.html
Zalo