Nhạc sĩ 'Viết tiếp câu chuyện hòa bình' lên tiếng về ca từ gây khó hiểu
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung giải thích về từ gây khó hiểu trong bài hit 'Viết tiếp câu chuyện hòa bình'.
Tác giả - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vừa chia sẻ chuyện nhận nhiều thư, tin nhắn về bài hát Viết tiếp câu chuyện hòa bình.
Trong đó, không ít giáo viên dạy Ngữ văn, Âm nhạc thắc mắc câu hát: "Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hòa bình". Theo họ, cặp từ đối lập "ngày xưa - ngày nay" sẽ hay và hợp hơn "ngày xưa - ngày sau" trong bản gốc.
Nguyễn Văn Chung nói viết bài này trong tâm thế một người đang đứng trước tượng đài anh hùng liệt sĩ với mong muốn gắn kết quá khứ và hiện tại.
Theo nhạc sĩ, bậc cha ông ngày xưa chiến đấu, thậm chí ngã xuống, cho ước mơ đất nước được hòa bình, tự do.
Viết tiếp câu chuyện hòa bình - Duyên Quỳnh
"Cha ông ta sẵn sàng hy sinh ngay cả khi không chắc chắn ngày nào đất nước hòa bình. Điều đó càng khiến sự hy sinh của họ thêm cao đẹp, vĩ đại. Vì vậy, tôi dùng từ 'ngày sau' - thể hiện sự chưa xác định rõ ràng - thay vì 'ngày nay'. Câu hát này cũng tương tự cha mẹ chúng ta hay nói 'ngày xưa làm việc vất vả, sống tiết kiệm để các con ngày sau có cái ăn, cái mặc' vậy", anh phân tích.
Về khía cạnh kỹ thuật, từ "sau" với âm "s" giúp ca sĩ có "đất" để thả hơi, xử lý câu hát mềm mại và sâu sắc hơn.
Nguyễn Văn Chung vui và cảm ơn nhiều chia sẻ, góp ý về ca từ từ khán giả - cơ sở giúp anh viết các bài tiếp theo tốt hơn. Tuy nhiên, nhạc sĩ thừa nhận khó sửa lời vì sẽ gây ảnh hưởng nhiều bên, nhất là các đơn vị phát hành.
Viết tiếp câu chuyện hòa bình - một trong các nhạc phẩm nổi bật nhất Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa qua - do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác.
Bài hát có giai điệu hào hùng, ca từ giàu ý nghĩa. Theo Believe Vietnam - công ty phân phối nhạc số trên hơn 200 nền tảng nhạc trực tuyến quốc tế và trong nước, bài "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" hiện chạm mốc 3,1 tỷ lượt nghe xem trên tất cả nền tảng.