Phiêu lưu ký tại Toulouse (Pháp) của nam sinh ngành Khoa học dữ liệu
Nuôi dưỡng niềm đam mê với Khoa học Công nghệ từ lâu, chàng trai Nguyễn Văn Phú đã thực hiện được ước mơ của mình khi đang theo học chương trình trao đổi ngành Kỹ thuật Thông tin và Khoa học Máy tính tại Viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia (Cộng hòa Pháp). Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của cậu sinh viên ngành Khoa học dữ liệu để hiểu thêm về chuyến phiêu lưu tại miền Tây Nam nước Pháp.

Phú tham gia hoạt động ngoài trời tại Pháp.
Quá trình chuẩn bị cho việc học chuyển tiếp tại nước ngoài đối với bạn có khó khăn không? Bạn cảm thấy thế nào về sự hỗ trợ từ USTH?
Mình đã chuẩn bị tinh thần bắt đầu từ việc tự tìm hiểu về chương trình trao đổi từ 3 tháng trước khi có thông tin từ thầy cô. Ngoài việc chủ động tìm hiểu, mình cũng được các thầy cô và đặc biệt là Phòng Hợp tác quốc tế theo sát hỗ trợ rất nhiệt tình từ các thủ tục giấy tờ liên quan. Mình thấy quy trình dễ dàng hơn khi có được sự hỗ trợ tận tâm từ mọi người.
Bạn có thể chia sẻ về chi phí học tập tại trường đối tác ở châu Âu không? Chi phí học tập tại trường đối tác có nhỉnh hơn so với chi phí học tập ở VN không?
Với INSA Toulouse, một nhánh của Viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia Pháp tại Toulouse, nơi chuyên đào tạo kỹ sư thuộc nhóm khoa học – kĩ thuật ứng dụng hay với khối INSA (Viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia Pháp) nói chung, chi phí của một trường thuộc hệ công với mức học phí hàng năm khá cao khoảng 3000eu/ kì học. Đối với mức học phí như vậy chưa kể chi phí sinh hoạt, cá nhân mình thấy đó là mức chi tiêu khá lớn so với ở Việt Nam. Tuy nhiên, là một sinh viên USTH, mình không cần phải lo cho mức học phí đó do những đặc quyền trong chương trình trao đổi sinh viên giữa 2 trường USTH và INSA Toulouse đem lại.
Trong quá trình học tập tại trường đối tác, bạn có gặp khó khăn gì không? Bạn có thể chia sẻ bí quyết của mình để nhanh chóng hòa nhập với việc học tập và cuộc sống hàng ngày không?
Mình nhận thấy tính tự học rất quan trọng và được đề cao tại bậc giáo dục Đại học. Trong suốt quá trình học, ngôn ngữ mình sử dụng nhiều nhất là tiếng Pháp. Các tài liệu học tập cũng chiếm đến 50% là tiếng Pháp nên quá trình học tập có chút khó khăn về mặt ngôn ngữ. Tuy nhiên, các thầy cô bên trường đối tác Viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia Pháp Toulouse rất nhiệt tình giúp đỡ và cung cấp những tài liệu học tương tự bằng tiếng Anh, giúp mình nắm bắt được chương trình học tốt hơn. Về môi trường học tập, mình thấy nhà trường cung cấp cho sinh viên nhiều không gian xanh, rất nhiều hoạt động sôi nổi cho sinh viên và cơ sở vật chất khá hiện đại. Ngoài ra, nhà trường cũng quan tâm đến đời sống tinh thần sinh viên.
Bản thân mình thích nghi khá nhanh vì đã chuẩn bị sẵn tinh thần, chỉ coi những điều khác lạ đến với mình là trải nghiệm mới chứ không coi chúng là điều cản trở.
Bạn cảm thấy thế nào về chương trình học chuyển tiếp tại các trường đối tác? Liệu chương trình học có "ngộp thở" không?
Mình thấy chương trình học tại đây có sự chênh lệch do mình đăng ký học năm 2 của trình độ Master. Do sự chênh lệch trình độ nên mình đã phải cố gắng rất nhiều để vừa cố gắng thích nghi với môi trường mới cũng như cường độ học tập dày đặc. Đây là một thử thách lớn mà mình đặt mục tiêu vượt qua.

Phú và cuộc sống hàng ngày tại Pháp.
Điều tất yếu khi học chuyển tiếp tại nước ngoài là phải hòa nhịp với một lối sống hoàn toàn mới mẻ. Bạn có thể chia sẻ những trải nghiệm văn hóa đáng nhớ của mình không?
Mình thấy khá bất ngờ vì cách sử dụng ngôn ngữ theo từng vùng hay cách chào thân mật của họ. Cũng như miền Bắc nước mình gọi con lợn còn miền Nam gọi con heo, các vùng của Pháp tiếp giáp với Tây Ban Nha gọi pain au chocolat (bánh sô cô la) là chocolatine. Yếu tố ngôn ngữ này cũng khiến mình khá bất ngờ vì bản sắc của các vùng rất “đậm” và riêng biệt. Tương tự như vậy, chào hỏi bằng cách hôn lên má tại mỗi vùng cũng khác nhau ở mỗi vùng.
Trong suốt khoảng thời gian 5 tháng học trao đổi, không chỉ đảm bảo việc học tập tại trường đối tác, mình cũng không bỏ lỡ thời gian để tham gia nhiều cuộc thi về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI tại USTH và giành nhiều giải thưởng lớn, có thể kể đến Top 3 Finalist – INNO-INSPIRATION USTH 2024, Top 3 Finalist – INNO-INSPIRATION USTH 2024, Top 10 Finalist - Hub Challenge 2024, Top 5 Finalist in the Idea Category - Green Industrial AI Challenge 2024. Mình là thành viên chủ chốt của các dự án, có vai trò đề xuất và triển khai ý tưởng cũng như là người đứng ra pitching truyền lửa và thông điệp tới giám khảo trong các cuộc thi. Một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất của mình là mặc dù lệch múi giờ 6 tiếng giữa Việt Nam và Pháp, có những ngày mình dậy lúc 2 giờ sáng để chuẩn bị pitching và trình bày ý tưởng cho các cuộc thi đang diễn ra cách 10.000km. Không những vậy, mình cũng luôn tự trau dồi kiến thức bằng cách thi và lấy chứng chỉ của một số khóa học để rèn kỹ năng chuyên môn.
Ngoài việc học tập, mình cũng rất thích đi siêu thị mua nguyên liệu để nấu ăn tại nhà. Chủ nhà của mình là người Việt nên hai cô cháu thường dành thời gian cùng nhau để trổ tài nấu nướng, đặc biệt là ẩm thực quê nhà. Vào thời gian rảnh, mình cũng dành thời gian để nghỉ ngơi và khám phá thành phố. Vào ngày rằm và mùng 1 âm lịch, mình đã tự đạp xe đi chùa cách chỗ mình ở 20km.

Phú tham gia các sân chơi trí tuệ tại USTH dù đang học tập tại Pháp.
Bạn có lời khuyên gì cho các bạn sinh viên học trao đổi sắp tới?
Hãy mang một tinh thần thoải mái và một ý chí thật vững vàng!