Ghi nhận về tinh giản tổ chức bộ máy
Để đánh giá đúng cuộc đổi mới, cải cách ở bất cứ lĩnh vực nào cũng cần có độ lùi về thời gian và có những trường hợp phải chờ đợi nhiều năm sau nữa. Đối với việc sắp xếp về tổ chức bộ máy lần này được xem là “cuộc cách mạng” thì đánh giá quá sớm sẽ không tránh khỏi sai lầm. Do vậy, “ghi nhận” là một nỗ lực và có thể thích hợp. Nó giúp chúng ta dần nhận ra điều đúng và sự bất hợp lý của vấn đề để tiếp tục bàn luận và có thể thay đổi cho phù hợp nhất.
Cơ sở phương pháp luận của học thuyết Marx về khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể sẽ giúp chúng ta có nhận thức đúng đắn về sự vật, hiện tượng. Đồng thời phải xem xét mục đích, mục tiêu của vấn đề sẽ bàn. Đối với cuộc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đang tổ chức thực hiện phải đạt được: Hiệu quả, hiệu lực, hiệu năng. Đây là những vấn đề lớn và bản thân nó phải có sự tác động trên thực tế với một độ thời gian đủ để cho mỗi cá nhân thấu hiểu. Do vậy, chúng ta chỉ ghi nhận những vấn đề đã và đang bộc lộ. Vài vấn đề sau đây có thể “kết luận” được.
Sự thống nhất trong nhận thức và quyết tâm cao
Trong nhiều năm qua, từ văn kiện của các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đến các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị cho thấy, sự nhận thức nhất quán việc phải tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Lần này, từ Trung ương đến cơ sở đều hiểu việc cần phải tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị với quyết tâm cao khi tiến hành. Có thể nhận thấy, một thái độ “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” được hiện thực hóa. Ở đây, tính gương mẫu của cơ quan Trung ương có sức thu hút và lan tỏa lớn.
Sự triển khai quyết liệt và nhanh
Ngay sau khi Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 25/11/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (đột xuất) được triển khai về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã “vừa chạy vừa xếp hàng” xây dựng các đề án sáp nhập, hợp nhất một số tổ chức (cơ quan) có cùng chức năng, nhiệm vụ; gom đầu mối bên trong tổ chức; kết thúc nhiệm vụ không ít đơn vị và giảm số lượng nhân sự. Quá trình chuẩn bị và tổ chức thực hiện thể hiện tinh thần của một “cuộc cách mạng”.
Chính sách hỗ trợ thỏa đáng
Cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và địa phương đã ban hành các chính sách, chế độ hợp lý và có phần thỏa đáng cho các đối tượng bị tác động trong tinh giảm. Ngoài những quy định chi hỗ trợ của Nhà nước, một số địa phương quyết định chi tăng thêm bằng nửa, thậm chí ngang bằng với khung chung. Qua các nguồn thông tin, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc đối tượng tinh giản đều đồng tình và hơn nữa có nguyện vọng được nghỉ để hưởng chế độ hiện hành. Rõ ràng, “cuộc cách mạng” về tinh gọn tổ chức bộ máy có những thành công nổi bật dù chỉ là khởi đầu và chắc chắn sẽ tác động sâu rộng trong đời sống xã hội theo thời gian của nó.
Tuy nhiên, một số cơ quan các cấp của tổ chức Đảng và Nhà nước cùng với biên chế được thông báo tinh giản ở mức cao đưa đến những nhận thức khác nhau. Không ít người nghi ngại việc “vừa chạy vừa xếp hàng” dẫn đến sự vội vã và thiếu những luận cứ khoa học của quyết định này. Một hệ thống tổ chức với nhân sự “đông như quân Nguyên” và đã tồn tại trong nhiều năm mà được sắp xếp “như trở bàn tay” chỉ có 2 cách lý giải: Một mặt, cách “tinh gọn” này chủ quan, duy ý chí và mặt khác, tổ chức được hình thành trước đây không xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống. Phải chăng việc thành lập các tổ chức là tùy tiện và do những động cơ chính trị, lợi ích cục bộ. Và những ngờ vực về con số 30% cán bộ, công chức ở dạng “Sáng cắp ô đi, tối vác về” là hiện thực. Dù đúng hay sai, những bàn luận này cũng rất cần thiết cho cơ quan ra quyết định và cấp thi hành tiếp tục cân nhắc trong khi tiến hành việc hệ trọng này.
Trong Đảng và xã hội đều nhận thức được tính tất yếu về tinh giản tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Vấn đề còn lại là việc sắp xếp ấy phải dựa trên những cơ sở khoa học, phù hợp với thực tế khách quan của chính trị đất nước và có lộ trình với những bước đi thích hợp. Dù bất cứ lĩnh vực nào, “cuộc cách mạng” đều đưa lại hệ quả to lớn cho xã hội. Sớm hiểu ra vấn đề sẽ giảm thiểu những hệ lụy xấu. Khi biết “mọi huân chương luôn có hai mặt”, chúng ta sẽ ứng xử hợp lý ngay khi phải đứng về mặt tối của nó.