Phiên họp thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2024
Ngày 6/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024; triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Phiên họp được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
![Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Sơn La.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_452_51412998/cb3e9aaea2e04bbe12f1.jpg)
Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Sơn La.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La có đồng chí Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.
![Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Sơn La.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_452_51412998/042356b36efd87a3deec.jpg)
Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Sơn La.
Năm 2024, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, tăng 15 bậc so với 2022 và xếp ở vị trí thứ 5/11 tại Đông Nam Á. Luật Viễn thông, Luật Dữ liệu được xây dựng và sửa đổi đã giải quyết được nhiều điểm nghẽn tồn tại từ lâu, tạo không gian, động lực phát triển mới cho nền kinh tế. Chất lượng thông tin di động tăng, tốc độ tải băng rộng di động tăng 14 bậc, xếp hạng 37/110 quốc gia trên thế giới. Tỷ trọng kinh tế số năm 2024 đạt 152 tỷ USD, bằng 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm, nhanh nhất Đông Nam Á. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Marvell - thiết kế chip; NVIDIA - nghiên cứu phát triển; SK Hynix - sản xuất bộ nhớ. Thương mại điện tử bán lẻ đạt doanh thu 25 tỷ USD, tăng khoảng 20%. Việt Nam cũng thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Hạ tầng số và các nền tảng số được quan tâm đầu tư; cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đây mạnh triển khai; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu có bước phát triển. Từ tháng 10/2024, Việt Nam đã chính thức thương mại hóa dịch vụ viễn thông 5G. Tốc độ Internet của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 37, tăng 7 bậc so với năm 2023.
Cơ sở dữ liệu về dân cư được đẩy mạnh, số lượng tài khoản VNeID đã kích hoạt đạt trên 55,25 triệu, vượt mục tiêu 40 triệu tài khoản người dùng theo Đề án 06; có 90% người dân tham gia bảo hiểm có sổ sức khỏe điện tử; 100% học sinh, sinh viên có hồ sơ học tập số. Hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho công dân đủ điều kiện; kích hoạt trên 60 triệu tài khoản định danh điện tử; cung cấp 40 tiện ích trên ứng dụng VnelD, tăng 27 tiện ích so với năm 2023; làm sạch 35,1 triệu dữ liệu giấy phép lái xe; đối soát thông tin sinh trắc của 56,8 triệu hồ sơ khách hàng ngành ngân hàng.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện phát triển hạ tầng số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối chia sẻ thông tin, hình thành dữ liệu lớn, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số…
Năm 2025, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tập trung chỉ đạo triển khai chuyển đổi số toàn diện các ngành, lĩnh vực góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8-10% trong năm 2025. Mục tiêu đưa tỷ trọng kinh tế số/GDP đạt 20,5%, vượt 0,5% so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06; sự đồng lòng, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương trong cả nước tập trung số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu quốc gia; cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia; khẩn trương hoàn thành việc đồng bộ, tích hợp dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khắc phục những vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; đồng thời ưu tiên nguồn lực, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số với tinh thần “Không nói không, không nói khó, chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã làm phải có sản phẩm, hiệu quả cụ thể”.