Chọn kịch bản CPI bình quân tăng khoảng 4,15% để quyết liệt triển khai các giải pháp thực hiện
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá chiều 6/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị chọn kịch bản CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,15% so với năm 2024 để quyết liệt triển khai các giải pháp thực hiện.
Chiều 6/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo để đánh giá công tác quản lý, điều hành giá năm 2024 và định hướng năm 2025.
Thực hiện niêm yết và bán theo giá niêm yết
Tại Cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 tối thiểu phải đạt 8%, lượng tiền để cung vào nền kinh tế sẽ lớn hơn nhiều so với năm 2024, động lực tăng trưởng được khơi dậy, do vậy điều này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá, đặc biệt là giá tiêu dùng.
Năm 2025, Bộ Tài chính giả định biến động giá một số mặt hàng thiết yếu tác động đến CPI theo 3 kịch bản. Cụ thể, kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 3,83% so với năm 2024. Kịch bản 2, dự báo CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,15% so với năm 2024. Kịch bản 3, dự báo CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,5% so với năm 2024.
Đối với các kịch bản mà Bộ Tài chính đề xuất, Phó Thủ tướng đề nghị chọn kịch bản CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,15% so với năm 2024 (kịch bản thứ 2) để quyết liệt triển khai các giải pháp thực hiện.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu, các bộ, ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao xây dựng kịch bản điều hành giá của mặt hàng quản lý theo từng quý, gửi cho Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê để tổng hợp, tham mưu cho Chính phủ các biện pháp điều hành khả thi nhất.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị yêu cầu thực hiện ngay và nghiêm túc Luật Giá để giữ môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh trường hợp thao túng giá, chiếm dụng, nâng giá.
Nhấn mạnh "phải thực hiện niêm yết và bán theo giá niêm yết” là rất quan trọng, Phó Thủ tướng dẫn chứng về câu chuyện bát phở lên đến 1 triệu đồng, hay những trường hợp bị tước giấy phép kinh doanh do có vi phạm về bán hàng, với yêu cầu phải làm nghiêm. Từ dẫn chứng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu, phải công khai giá, bán theo giá niêm yết chính để bảo vệ người tiêu dùng và xác định hành vi bán hàng của người bán một cách minh bạch, khách quan.
Đa dạng về nguồn cung, không để đứt gãy chuỗi cung ứng
Lưu ý công tác quản lý điều hành giá trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương phải theo dõi sát diễn biến của thị trường trong nước và thế giới, nhất là diễn biến cung - cầu các loại hàng hóa chiến lược, thiết yếu đối với sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân để xây dựng các kịch bản, giải pháp một cách linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với những biến động. Trên cơ sở đó, phải quản lý chặt chẽ, chủ động, đa dạng về nguồn cung, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là đối với mặt hàng xăng, dầu, điện.
Với những mặt hàng do Nhà nước quản lý, các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng các biện pháp điều hành giá theo lộ trình thị trường với mức độ và thời điểm phù hợp, phải quản lý một cách chặt chẽ và điều hành theo đúng kịch bản.
Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp gắn kết sản xuất với phân phối, tiêu dùng; phối hợp chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa một cách hợp lý, nhịp nhàng để thúc đẩy tăng trưởng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường theo quy định của pháp luật để có biện pháp điều hành kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.
Ngoài các nhiệm vụ trên, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá, nhất là diễn biến giá các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến đời sống của người dân…