Phía sau việc Ukraine thúc giục G7 giảm mạnh trần giá dầu Nga

Ukraine đang thúc giục G7 giảm mức trần giá dầu của Nga xuống còn 30 USD một thùng, nhằm siết chặt các biện pháp tài chính đối với Điện Kremlin khi cuộc xung đột tại nước này kéo dài sang năm thứ ba.

Ảnh: Internet.

Ảnh: Internet.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andriy Sybiha đã trình bày tại Brussels hôm 20/5, nói rằng mức trần hiện tại là quá dễ dãi khi giá toàn cầu đã giảm và giá dầu của Nga giao dịch dưới mức trần. Ông này cho rằng: "Theo quan điểm của chúng tôi, mức giá trần hợp lý là 30 USD".

Lời kêu gọi này được đưa ra ngay sau khi EU và Anh áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhất nhắm vào "đội tàu ngầm" và các công ty tài chính của Nga giúp Moscow tránh các biện pháp trước đó. Thực tế, EU đang thỏa luận về mức giá trần 50 USD, nhưng rõ ràng Ukraine muốn cắt giảm sâu hơn thế.

Được biêt, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đang hụt hơi, giảm xuống còn 13,2 tỷ USD vào tháng 4, mức thấp nhất trong gần hai năm. Giá dầu thô Urals trung bình là 55,64 USD, thấp hơn nhiều so với mức trần hiện tại và hiện đang ở mức không bền vững. Bộ Tài chính Nga đã phải điều chỉnh giảm kỳ vọng về doanh thu từ dầu khí và tăng gấp ba lần dự báo thâm hụt ngân sách năm 2025.

Tuy nhiên, việc hạ mức giá trần thậm chí còn khó khăn hơn. Mặc dù về mặt kỹ thuật, cơ chế này chỉ cho phép dầu của Nga sử dụng dịch vụ bảo hiểm và tài chính của phương Tây dưới mức giá đã định, nhưng việc thực thi luôn là một vấn đề khó khăn.

Việc hạ mức trần xuống còn 30 USD có thể làm tăng áp lực, nhưng cũng có thể đẩy nhiều thùng dầu hơn vào "vùng xám" của thương mại toàn cầu.

Tổng thống Ukraine Zelensky kỳ vọng tổn thất kinh tế lớn hơn sẽ buộc Moscow phải ngồi vào bàn đàm phán.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy việc hạn chế đội tàu ngầm của Nga có thể hiệu quả hơn là chỉ hạ mức trần giá dầu: "Mặc dù tất cả các lệnh trừng phạt đều làm giảm giá trị hiện tại trong lợi nhuận của Nga, chúng tôi nhận thấy rằng mức trần càng khắc khe và việc thực thi càng nghiêm thì các lệnh trừng phạt càng ít gây hại - trái ngược với quan điểm thông thường dựa trên định lý Hotelling. Tuy nhiên, các chính sách nhằm giảm quy mô đội tàu ngầm có thể làm tăng hiệu quả của lệnh trừng phạt".

Một báo cáo vào tháng 4 của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho thấy đội tàu ngầm của Nga đang bị thu hẹp. Theo báo cáo, tàu chở dầu ngầm đã vận chuyển 65% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga vào tháng 4, giảm so với mức 81% vào tháng 1.

Đầu tháng này, Nga dự kiến doanh thu từ dầu khí sẽ giảm 24% trong năm nay so với ước tính trước đó, sau đợt giá dầu lao dốc bắt đầu vào đầu tháng 4 và khiến giá dầu thô Urals chủ lực của nước này xuống gần mức 50 USD một thùng.

Thu nhập từ dầu khí – trụ cột chính trong doanh thu ngân sách của Nga – hiện được dự kiến chiếm 3,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giảm so với mức 5,1% GDP dự kiến cho đến khi giá dầu giảm vào tháng 4.

Theo truyền thông nhà nước Nga, các biện pháp trừng phạt của phương Tây với ngành dầu khí Nga bị coi là "bất hợp pháp", "đơn phương" và là một phần của "cuộc chiến kinh tế" do phương Tây phát động nhằm làm suy yếu Nga. Moscow cho rằng các lệnh trừng phạt này không chỉ không hiệu quả mà còn gây tổn hại đến chính các nền kinh tế Châu Âu, dẫn đến khủng hoảng năng lượng và lạm phát cao.

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả tương xứng, nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt này chỉ làm gia tăng căng thẳng và cản trở nỗ lực hòa bình.

Nga cũng cáo buộc EU đang sử dụng các lệnh trừng phạt như một công cụ để áp đặt ý chí chính trị và kinh tế lên các quốc gia khác, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối các biện pháp mà họ cho là vi phạm luật pháp quốc tế.

Bình An

Tổng hợp

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/phia-sau-viec-ukraine-thuc-giuc-g7-giam-manh-tran-gia-dau-nga-727764.html
Zalo