Tại sao ngày càng nhiều người Israel làm gián điệp cho nước ngoài?
Sau vụ hai công dân Israel bị bắt vì làm gián điệp cho một nước Trung Đông, báo Jerusalem Post vừa có bài viết liên quan đến việc ngày càng có nhiều người Israel bị mua chuộc làm gián điệp cho nước ngoài.

Các thành viên thuộc Cơ quan An ninh Nội địa Israel (Shinbet). Ảnh: Shohat
Theo bài báo này, những đối tượng vừa bị bắt cũng như một loạt trường hợp công dân Israel làm gián điệp cho nước ngoài trước đây là ngoại lệ của quy tắc: “Người Israel không làm việc cho kẻ thù”.
Ngày 21/5, lực lượng an ninh Israel thông báo đã bắt giữ thêm hai công dân là Roi Mizrahi và Almog Atias, cùng 25 tuổi, sống ở thành phố Nesher gần Haifa. Hai người này bị nghi thực hiện nhiều nhiệm vụ theo chỉ đạo của các đặc vụ nước ngoài. Một trong các nhiệm vụ là lắp đặt một camera giám sát tại Kfar Ahim nhằm cung cấp thông tin hình ảnh cho phía nước ngoài về khu vực gần nhà riêng của Bộ trưởng Quốc phòng Yisrael Katz. Nhiệm vụ này đã thất bại.
Thông báo này được đưa ra chỉ hai ngày sau vụ bắt giữ Moshe Atias 18 tuổi sống ở Yavne, bị tình nghi thu thập tin tình báo tại khoa tim mạch của một bệnh viện ở miền Trung Israel, nơi cựu Thủ tướng Naftali Bennett từng điều trị tháng trước.
Theo báo cáo được Shinbet (Cơ quan An ninh Nội địa Israel) công bố hồi tháng 1, số vụ gián điệp năm 2024 đã tăng 400% so với năm trước đó.
Thanh tra Maor Goren, lãnh đạo đơn vị an ninh thuộc lực lượng cảnh sát Lahav 433 chuyên xử lý tội phạm nghiêm trọng, cho biết vụ bắt giữ Mizrahi và Atias là trường hợp thứ 20 trong năm qua do đơn vị của ông phối hợp cùng Shin Bet điều tra liên quan đến người Israel bị nghi làm gián điệp cho một quốc gia đối thủ của Israel ở Trung Đông.
Không còn những cuộc tuyển chọn kỹ lưỡng hay các cuộc gặp bí mật ở nước ngoài. Các đặc vụ nước ngoài giờ đây chọn phương thức gián điệp rẻ tiền và nhanh chóng – kém tinh vi hơn, nhưng lại bất ngờ hiệu quả. Họ hoạt động giống những kẻ săn mồi trên không gian mạng hơn là điệp viên thời Chiến tranh Lạnh.
Chỉ với vài cuộc điện thoại, các đặc vụ nước ngoài phát tán tin nhắn tuyển dụng hàng loạt qua Telegram, email và các nền tảng mạng xã hội khác, chào mời người Israel làm nhiệm vụ đơn giản để đổi lấy tiền nhanh. Có rất nhiều người Israel đang gặp khó khăn tài chính. Ông Goren cho biết Mizrahi mắc nợ vì cờ bạc, nên sẵn sàng chấp nhận đề nghị.
Theo ông Goren, các nhiệm vụ đầu tiên thường tạo cảm giác vô hại. Các nghi phạm nhanh chóng nhận ra họ đang làm việc cho ai và biện minh cho hành động của mình bằng câu: “Có làm hại ai đâu”. Nhưng rồi các nhiệm vụ leo thang. Mizrahi sau đó được yêu cầu vận chuyển một túi chất nổ từ địa điểm này đến địa điểm khác.
Hồi tháng 12, 7 người dân tại Haifa là những người nhập cư từ Azerbaijan đã bị bắt trong một vụ được cho là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Họ bị cáo buộc thực hiện hàng trăm nhiệm vụ cho các đặc vụ nước ngoài trong suốt 2 năm, bao gồm cả việc theo dõi các địa điểm nhạy cảm sau này trở thành mục tiêu trong các vụ tấn công tên lửa và thiết bị bay không người lái nhằm vào Israel.
Mô hình mới này không còn tập trung vào đào tạo điệp viên tinh nhuệ, mà thay vào đó là "lấy số lượng bù chất lượng". Tung lưới đủ rộng, rồi sẽ có người sa lưới.
Ông Goren cho biết, dù nhiều người đã từ chối và báo cảnh sát khi bị tiếp cận, thì số lượng người đồng ý vẫn đáng lo ngại. Khác với suy nghĩ thông thường, những người nhận lời không xuất phát từ lòng căm ghét nhà nước Israel. Họ không phải là người ủng hộ Hezbollah hay các phần tử cực đoan. Phần lớn đơn giản là vì quá túng quẫn về tài chính. Các nghi phạm bị bắt thuộc mọi tầng lớp xã hội Israel: người nhập cư từ Liên Xô cũ, người Do Thái cực đoan, người Arab ở Đông Jerusalem, lính đào ngũ và cả trẻ vị thành niên. Theo ông Goren, không có một hồ sơ cụ thể nào, chỉ có điểm chung là tình trạng tài chính bấp bênh.
Theo Tiến sĩ Michal Yaari, chuyên gia về an ninh và xã hội Israel, hiện tượng này không chỉ là vấn đề an ninh, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về bất bình đẳng xã hội tại Israel. Khi một người sẵn sàng bán thông tin nhạy cảm chỉ vì vài nghìn shekel, đó không chỉ là sa ngã cá nhân mà là biểu hiện của rạn nứt xã hội sâu sắc.
Trong khi đó, Giáo sư Eyal Zisser - chuyên gia Trung Đông tại Đại học Tel Aviv - đặt câu hỏi: “Bài toán đặt ra không chỉ là ngăn chặn từng vụ việc, mà là nhận diện và hàn gắn những điểm yếu mà nước ngoài đang khai thác – như khủng hoảng kinh tế, phân hóa dân tộc và mất niềm tin vào thể chế. Những điểm yếu này, nếu không được giải quyết, sẽ tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động gián điệp nước ngoài”.