Phía sau những con số

Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2023, có một con số rất ấn tượng, được nhiều tờ báo dẫn nguồn: Trong 5 năm (2019-2023), toàn tỉnh giảm được gần 6.600 hộ nghèo DTTS, vượt chỉ tiêu giảm 1.000 hộ nghèo mỗi năm theo kế hoạch. Với một tỉnh có tới 40 thành phần DTTS, chiếm gần 20% số dân, mặt bằng kinh tế - xã hội còn thua kém các tỉnh trong khu vực và cả nước thì con số nêu trên thật ngoạn mục, đáng để mừng vui.

Để lý giải cho kết quả giảm nghèo ngoạn mục ấy, các báo đều dẫn nguồn tin: 5 năm qua, Bình Phước đã bố trí hơn 675 tỷ đồng từ nguồn ngân sách ba cấp, vốn lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn vận động. Qua đó cho thấy chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã được các cấp, ngành, địa phương thực hiện linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Thấy tôi tấm tắc về con số nêu trên, một vị cán bộ HĐND huyện nghèo nhất tỉnh có vẻ trầm ngâm nói rằng con số thống kê là thế, nhưng cũng không hoàn toàn lạc quan đâu! Ông từng có nhiều năm công tác tại UBND huyện nên hiểu rất rõ việc giảm nghèo càng về sau càng khó; giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS càng khó hơn.

Nhìn vẻ mặt của tôi, ông dẫn giải:

- Nhà báo cứ tính đi, mỗi hộ DTTS nghèo được hỗ trợ một cặp bê giống, mà nhà báo đã nhìn thấy bê giống cấp cho hộ nghèo chưa? Nó còn rất bé, nếu không biết cách chăm sóc là rất dễ mắc bệnh và chết.

Ông còn nói nhiều về những bất cập trong rà soát, xác định chuẩn nghèo, cận nghèo hiện nay. Nghe ông nói, tôi chợt nhớ lần đi cơ sở gần đây tại thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập tôi đã vào thăm gia đình bà Thị X. Ngoài được hỗ trợ cặp bê giống theo chương trình giảm nghèo, gia đình bà còn được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 60 triệu đồng và được tư vấn mua một cặp trâu giống. Thật may là sau gần một năm chăm bẵm, một con đã mang bầu. Đúng như vị cán bộ HĐND huyện đã nói, hai con bê quá nhỏ, gia đình lại chăm sóc không đúng cách nên một con đã chết.

Nghe tôi hỏi về mức sống của gia đình sau khi thoát nghèo, bà Thị X phân bua: Từ khi mua hai con trâu và còn một con bê, gia đình phải sắp xếp một người chăm sóc chúng. Mùa nắng hạn năm ngoái còn phải mua cỏ, mua nước, chúng mới sống sót. Nuôi trâu, bò cần thời gian dài cho chúng, chúng mới đến kỳ sinh sản, cũng phải nuôi lớn mới bán được. Thế nhưng sau khi được hỗ trợ cặp bê, nhiều hộ, trong đó có gia đình bà được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, dù thực tế vẫn còn khó khăn!

Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đã thể hiện sự day dứt trước tình trạng thoát nghèo thì buồn mà trở lại hộ nghèo lại vui tại một số địa phương vùng sâu, vùng DTTS! Câu hỏi đặt ra là tại sao cùng một môi trường, cùng một chính sách, nhưng có hộ khi được tiếp sức bằng chương trình giảm nghèo và các chương trình hỗ trợ khác đã bứt phá để thoát nghèo, một thời gian sau trở thành hộ khá và có thể tham gia hỗ trợ công tác giảm nghèo tại địa phương. Trong khi nhiều hộ cứ mãi quẩn quanh trong vòng xoay thoát nghèo rồi lại tái nghèo. Hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, về đích nông thôn mới là điều mà lãnh đạo địa phương nào cũng mong đợi và nỗ lực thực hiện. Nhưng nghịch lý là nhiều hộ dân các xã về đích nông thôn mới hay hoàn thành mục tiêu giảm nghèo thấy hụt hẫng khi các khoản hỗ trợ bấy lâu nay không còn, là có thật.

Phía sau những con số, còn có điều phải ngẫm ngợi!

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/160055/phia-sau-nhung-con-so
Zalo