PHEV - hay nhưng đã đủ đua doanh số với xe xăng và xe điện?
Những mẫu PHEV đời mới được giới thiệu là vượt trội so với cả xe xăng lẫn xe điện, nhưng liệu đã sẵn sàng để đua doanh số?
Sự phát triển của công nghệ đã mở ra những "chương" mới cho ngành ôtô trong những năm gần đây. Hàng loạt hệ truyền động mới được nghiên cứu và phát triển như hybrid cắm sạc (PHEV), hybrid (HEV) hay thuần điện (EV), kỳ vọng sớm thay thế nhóm xe động cơ đốt trong (ICE).
Đặc biệt, nhóm PHEV, những mẫu xe lai có thể vừa đổ xăng, vừa cắm sạc nhận được nhiều sự quan tâm gần đây.
Chưa nổi trội trên toàn cầu
Thực tế, các mẫu xe năng lượng mới, đặc biệt là PHEV vẫn đang khá mới mẻ trên thị trường ôtô. Vì vậy, doanh số của nhóm này so với ôtô động cơ đốt trong vẫn còn khiêm tốn.
Theo Autovista, lượng ôtô bán ra toàn cầu năm 2024 đạt khoảng 88,2 triệu chiếc. Trong đó, xe PHEV có doanh số khoảng 6,49 triệu chiếc, xe điện đạt gần 11 triệu chiếc. Có thể thấy để đặt lên bàn cân, lượng xe PHEV bán ra thị trường chưa có con số ấn tượng so với các nhóm ôtô còn lại. Tại Việt Nam, đây cũng không phải là nhóm xe có doanh số quá tốt dù xuất hiện trên 2 cái tên mạnh là Kia Carnival hay Sorento PHEV.

Kia Sorento PHEV có doanh số chưa quá nổi trội. Ảnh: Kia.
Tại Việt Nam trong 1-2 tháng trở lại đây, nhóm ôtô PHEV trở thành "cơn sốt", tạo nhiều cuộc tranh cãi trên mạng xã hội xoay quanh 2 tân binh là BYD Sealion 6 và Jaecoo J7. Cả hai đều được giới thiệu với nhiều đặc điểm nổi trội so với cả xe xăng lẫn xe điện, với khả năng chạy điện không cần sạc hay đi xa hơn 1.000 km liên tục không cần đổ xăng cắm điện.
Nếu Sealion 6 là sản phẩm chiến lược, được trông chờ "cứu" lại hãng xe Trung Quốc tại Việt Nam thì J7 lại "tranh thủ" hưởng lợi từ hiệu ứng truyền thông của đối thủ, tạo ra cuộc cạnh tranh, ganh đua xem đâu là mẫu xe xứng tầm thay thế ôtô xăng.
Vậy, liệu PHEV, hay cụ thể là 2 tân binh nói trên có cơ hội để cạnh tranh sòng phẳng về doanh số với ôtô động cơ đốt trong hay thay thế cho xe thuần điện ở Việt Nam hay không?
PHEV hơn - thua gì xe điện?
Tại Việt Nam, những mẫu xe điện để có thể thu hút khách hàng cần đảm bảo được 3 yếu tố chính bao gồm giá rẻ, chi phí vận hành thấp và hạ tầng trạm sạc dày đặc, cảm giác lái êm ái. Thương hiệu nào đáp ứng tốt các tiêu chuẩn trên đều đã ghi nhận doanh số ổn định. VinFast tất nhiên là cái tên cần được nhắc đến, nếu không muốn nói là cái tên duy nhất thành công về mặt doanh số.
Làn sóng VF 3, VF 5 Plus hay thậm chí Wuling miniEV (dù doanh số không quá cao) vẫn cho thấy sức hấp dẫn của những chiếc ôtô thuần điện giá rẻ so với lời quảng cáo về công nghệ hay động cơ.


Xe điện giá rẻ, được đầu tư trạm sạc bài bản vẫn đang bán tốt tại Việt Nam. Ảnh: Phương Lâm.
PHEV rõ ràng có nhiều ưu điểm về mặt động cơ và công nghệ đáng tiền. Những mẫu xe PHEV có khả năng vận hành thuần điện tốt như xe điện, lại không bắt buộc phải cắm sạc. PHEV cũng là dòng xe được đánh giá cao về mức tiết kiệm nhiên liệu (ví dụ Jaecoo J7 1L/100 km). Và để sở hữu toàn bộ ưu điểm vận hành "đáng tiền" này, xe PHEV thường có mức giá cao hơn.
Điều này phần nào trở thành rào cản với các khách hàng khi đứng trước lựa chọn xe điện hay PHEV. Nếu muốn trải nghiệm hệ truyền động mới, đa số người dùng dễ lựa chọn xe điện hơn, thay vì mua PHEV có giá cao và khả năng vận hành tương tự.
Bên cạnh đó, xe thuần điện được nhiều thị trường lựa chọn nhờ ưu điểm không phát thải, bảo vệ môi trường. Đây lại là điểm yếu của những chiếc PHEV, được trang bị một động cơ xăng bên cạnh motor điện vì vậy vẫn có thể phát khí thải tương tự ôtô động cơ đốt trong.
PHEV có lẽ sẽ thu hút những khách hàng e ngại hệ truyền động thuần điện quá mới mẻ, không muốn bỏ thời gian để tìm hay sạc điện hay không có điều kiện sạc tại nhà. Tuy nhiên, đây cũng là tệp khách hàng của những mẫu xe hybrid (HEV) và xe xăng truyền thống.
Chưa thể thay thế xe xăng
Trước hết nếu bàn về giá, xe xăng hiện đã có mức giá quá tốt so với PHEV. Ví dụ những chiếc Mazda CX-5, Mitsubishi Xforce, Xpander hay Geely Coolray đang có giá dao động 500-600 triệu đồng. Nhìn qua Jaecoo J7, phiên bản chạy xăng của nó cũng sở hữu giá bán thân thiện hơn (729 triệu) so với bản hybrid cắm sạc đang được quảng cáo rầm rộ.
Vậy với nhóm khách hàng phổ thông vốn đang e ngại xe điện, ôtô động cơ đốt trong vẫn đang là lựa chọn có giá bán dễ tiếp cận nhất.
Về chi phí vận hành, PHEV chắc chắn tiết kiệm hơn xe xăng. Tuy nhiên nếu mong muốn được "hưởng" cảm giác tiết kiệm lâu dài, người mua phải chấp nhận "hy sinh" phần chi phí ban đầu không nhỏ, thường chênh lệch 100-200 triệu đồng.

Giá bán của xe PHEV cao hơn xe xăng hay hybrid.
Bên cạnh đó dù động cơ xăng trong xe PHEV được đánh giá khá "lành", khó hư hỏng, chúng vẫn cần được bảo dưỡng, thay nhớt như xe động cơ đốt trong.
Để tối ưu sức mạnh cho hệ động cơ lai, nhà sản xuất còn phải phát triển hộp số phức tạp hơn. Các linh kiện này đều được đánh giá khá bền bỉ nhưng nếu bất ngờ xảy ra sự cố, chi phí sửa chữa chắc chắn cao hơn xe xăng.
Về việc sạc điện, một số người cho rằng PHEV phù hợp với khách hàng mong muốn trải nghiệm động cơ điện nhưng ngại sạc. Tuy nhiên thực tế nếu cầm lái PHEV mà không cắm sạc, chúng sẽ chẳng khác gì những chiếc HEV vốn có giá bán thấp hơn, thậm chí tiết kiệm hơn.

Hộp số, động cơ PHEV phức tạp, nếu hư hỏng, chi phí sửa chữa đắt đỏ hơn xe xăng.
Theo quảng cáo của Omoda & Jaecoo Việt Nam, chiếc J7 PHEV có mức tiêu thụ nhiên liệu nếu được sạc pin đầy và đổ xăng khoảng 1L/100 km.
Khi không sạc pin, mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình sẽ tăng lên khoảng 4 lít/100 km. Con số này ngang, thậm chí nhỉnh hơn so với những mẫu HEV trên thị trường như Toyota Corolla Cross HEV (3,7-4,2 lít/100 km), Honda Civic HEV (4,56 lít/100 km), HR-V HEV (4,44 lít/100 km) hay Honda CR-V HEV (3,4 lít/100 km).
Món ăn chơi
Có thể thấy PHEV, đặc biệt xe từ Trung Quốc, hiện có thể là món "ăn chơi", một sản phẩm mang tính tương lai hơn khi đứng cạnh các dòng xe thuần điện hay xe xăng tại Việt Nam.
Nhìn vào câu chuyện giá bán, ở thời điểm mà những chiếc xe xăng như Mazda CX-5 hay Hyundai Tucson vẫn duy trì ở mức giá cao khoảng 900 triệu đến một tỷ đồng, PHEV Trung có thể có cơ hội cạnh tranh.
Còn ở thời điểm hiện tại, khi xe xăng cỡ C còn tuột giá về dưới mốc 700 triệu, khả năng PHEV đứng cạnh sòng phẳng, gần như bằng 0.
Nếu muốn thử hệ truyền động mới, số đông người dùng Việt sẽ chẳng ngại lựa chọn sản phẩm hybrid từ Nhật Bản như Toyota hay Honda vì niềm tin thay vì chạy theo những lời quảng cáo về phạm vi hoạt động của các hãng Trung Quốc.


Jaecoo J7 PHEV (trái) và BYD Sealion 6 (phải).
Còn nếu nhìn vào 2 cái tên mới đang gây ra cơn sốt trên mạng là BYD Sealion 6 và Jaecoo J7 PHEV, khả năng gia tăng doanh số của "hải cẩu lai" có lẽ sẽ nhỉnh hơn.
Hiện tại, Sealion 6 là sản phẩm được tập trung hơn, có thể coi là sản phẩm chiến lược của BYD tại Việt Nam. Mẫu xe này buộc phải bán chạy để giúp hãng ôtô Trung Quốc tồn tại ở thị trường Việt khi nhận thấy khả năng bán tốt xe điện là xa vời.
Ngược lại với Jaecoo J7, ở thời điểm vừa ra mắt, mẫu xe chưa được tập trung quảng bá nhiều. Khi đối thủ là BYD mở bán Sealion 6, Chery và Geleximco quyết định chạy các chiến dịch quảng bá, khuyến mại để thu hút truyền thông. Hành động này dường như mang tính xây dựng thương hiệu hơn là tiếp thị bán xe. Có lẽ bởi ngoài J7 PHEV, Chery vẫn còn quân bài chiến lược là SUV cỡ B chạy xăng Omoda C5.
Nhìn chung tương lai của cả nhóm PHEV, hay cụ thể là BYD Sealion 6 và Jaecoo J7 vẫn còn phụ thuộc vào mức độ đầu tư nghiêm túc từ các hãng, chiến lược giá, cũng như cách người tiêu dùng tiếp cận xu hướng di chuyển thân thiện với môi trường.