Phép thử đối với liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Việc đề xuất ngân sách bị 'tuýt còi' đã nới rộng sự khác biệt vốn đã lớn giữa 3 đảng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Phán quyết “gây chấn động” của Tòa Hiến pháp Liên bang Đức đã vô hiệu hóa phần cốt lõi trong chương trình nghị sự lập pháp của Chính phủ Đức, khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu chao đảo.

Để vượt qua các biện pháp hạn chế thâm hụt được đặt ra, gọi là “phanh nợ” (debt brake), vốn khiến Chính phủ Đức không có nhiều dư địa để chi tiêu nhiều hơn số tiền họ thu được từ thuế, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đã dựa vào một mạng lưới “quỹ đặc biệt” ngoài ngân sách.

Nhưng Tòa Hiến pháp – một trong những tòa án tối cao ở Đức – hôm 15/11 đã “tuýt còi” đối với khoản quỹ được chuyển đổi dành cho các dự án xanh, đặt ra câu hỏi về khả năng Chính phủ của ông Scholz tiếp cận tổng số 869 tỷ Euro nằm ngoài ngân sách liên bang trong 29 “quỹ đặc biệt”. Phán quyết của Tòa án buộc Chính phủ vừa phải đóng băng các khoản chi tiêu mới vừa tạm dừng phê duyệt ngân sách năm tới.

Hơn một tuần sau phán quyết, cuộc vật lộn của Chính phủ Đức nhằm đưa ra ngân sách sửa đổi không chỉ tạo động lực cho phe đối lập mà còn gây ra làn sóng đấu đá nội bộ mới trong liên minh “đèn giao thông” cầm quyền.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan

Phán quyết của Tòa Hiến pháp đã nới rộng sự khác biệt về chính sách vốn đã lớn giữa 3 đảng trong liên minh – bao gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) ủng hộ doanh nghiệp của Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner và Đảng Xanh (Greens) của Phó Thủ tướng Robert Habeck và Ngoại trưởng Annalena Baerbock.

Giờ đây, những khác biệt đó càng đe dọa nhiều hơn khả năng điều hành chính phủ của liên minh “đèn giao thông” (gọi theo màu sắc truyền thống của 3 đảng), và thậm chí còn làm dấy lên nguy cơ về một sự tan rã.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và các Bộ trưởng Tài chính, Ngoại giao và Kinh tế trong cuộc họp Nội các tại Phủ Thủ tướng ở Berlin, ngày 15/11/2023. Ảnh: AP/Toronto City News

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và các Bộ trưởng Tài chính, Ngoại giao và Kinh tế trong cuộc họp Nội các tại Phủ Thủ tướng ở Berlin, ngày 15/11/2023. Ảnh: AP/Toronto City News

Bầu không khí rất u ám khi ông Habeck xuất hiện tại một hội nghị của Đảng Xanh ở Karlsruhe hôm 23/11. Nhiều người trong số hơn 800 đại biểu tỏ ra thất vọng về những khoản cắt giảm đau đớn mà Đảng Xanh hiện đang phải đối mặt theo sau phán quyết.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan về ngân sách sẽ buộc Phó Thủ tướng Habeck – người đồng thời là Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức, phải thu hẹp lại chương trình nghị sự xanh đầy tham vọng của mình. Nhưng ông đã cố gắng xoa dịu sự thất vọng lan rộng trong phòng.

Ông Habeck từ lâu đã phản đối “phanh nợ”, một giới hạn được quy định trong Hiến pháp Đức đối với các khoản vay mới ròng – vốn được Đảng FDP trong liên minh cầm quyền cũng như phe đối lập bảo thủ ủng hộ.

“Với phanh nợ, chúng ta đã tự nguyện trói tay sau lưng và bước vào một trận đấu quyền anh”, ông Habeck nói với các đại biểu tham dự hội nghị. “Đây có phải là cách chúng ta muốn giành chiến thắng? Những đối thủ khác đang gia cố găng tay của mình, trong khi chúng ta thậm chí còn không có tay”.

Ông Habeck cũng chỉ trích lãnh đạo phe đối lập bảo thủ Friedrich Merz, người đã nhiều lần gặp ông Scholz trong vài tuần qua để tìm ra sự đồng thuận trong toàn nền chính trị về một chính sách về di cư nghiêm ngặt hơn. Nhiều thành viên Đảng Xanh lo ngại rằng điều này có thể mở đường cho một liên minh lớn khác, một liên minh giữa Đảng SPD của ông Scholz và khối bảo thủ do CDU lãnh đạo, theo đó sẽ đẩy Đảng Xanh trở lại phe đối lập.

Tỉ lệ ủng hộ lao dốc

Bài phát biểu đầy cảm xúc của ông Habeck có thể đã ngăn chặn một cuộc nổi dậy trong nhóm cơ sở của Đảng Xanh đang thúc đẩy việc từ bỏ liên minh với Đảng SPD của ông Scholz. Nhưng nó cũng không thể xóa bỏ sự thật rằng sự ủng hộ của cử tri dành cho liên minh “đèn giao thông” đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại.

Điều này đã xảy ra trước khi Tòa Hiến pháp Liên bang ra phán quyết nhằm ngăn chặn việc chính phủ sử dụng quá mức các quỹ khổng lồ ngoài ngân sách để tài trợ cho cuộc đại tu cơ bản xương sống công nghiệp của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Một cuộc thăm dò hàng tuần do Viện Nghiên cứu Các câu trả lời Xã hội mới (INSA) của Đức thực hiện cho tờ Bild am Sonntag cho thấy, 73% số người được hỏi không hài lòng với chính phủ liên bang.

Tỉ lệ ủng hộ dành cho 3 đảng trong liên minh cầm quyền lần lượt là 16% cho SPD, 12% cho Đảng Xanh và 6% cho FDP.

“Tỉ lệ ủng hộ liên minh giảm xuống còn 34%, ít hơn 18 điểm phần trăm so với cuộc bầu cử liên bang năm 2021”, người đứng đầu INSA Hermann Binkert cho biết. “Hiện tại, có vẻ như SPD hoặc Đảng Xanh sẽ không thể lãnh đạo chính phủ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2025”.

Đảng đối lập bảo thủ CDU/CSU vẫn là đảng ghi điểm mạnh nhất với tỉ lệ ủng hộ không thay đổi là 30%, trong khi đảng cực hữu AfD giành được 22% ủng hộ.

Các tua-bin gió và các nhà máy điện chạy bằng than nâu của công ty điện lực RWE, một trong những công ty điện lực lớn nhất châu Âu, ở Neurath, gần Cologne, Đức, ngày 18/3/2022. Ảnh: Inquirer

Các tua-bin gió và các nhà máy điện chạy bằng than nâu của công ty điện lực RWE, một trong những công ty điện lực lớn nhất châu Âu, ở Neurath, gần Cologne, Đức, ngày 18/3/2022. Ảnh: Inquirer

Nhưng điều đáng lo ngại hơn đối với SPD và Đảng Xanh – hai đảng muốn nới lỏng “phanh nợ”, là 61% người Đức muốn “phanh nợ” được giữ nguyên, và chỉ 35% đồng ý với mức nợ cao hơn, theo đài truyền hình công cộng ZDF.

Đảng Xanh được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những diễn biến gần đây. Đảng Xanh, có nguồn gốc từ các phong trào hòa bình và môi trường ở Đức 40 năm trước, lần đầu tiên phải đối mặt với thực tế bi thảm theo sau cuộc xung đột Nga-Ukraine là không thực hiện được các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu của mình.

Đức buộc phải hồi sinh và mở rộng các nhà máy điện than để xoa dịu tình trạng khủng hoảng năng lượng sau khi lãnh đạo Đảng Xanh và SPD nhất quyết đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này.

Đảng FDP cấp tiến cũng đang phải đối mặt với một thử thách nội bộ. Hơn 500 thành viên của đảng này đã lên tiếng ủng hộ một cuộc khảo sát của đảng về việc liệu có nên ở lại liên minh hay không. Quy chế của đảng quy định rằng một khi câu hỏi này nhận được đủ số chữ ký, tất cả khoảng 75.000 thành viên FDP phải được hỏi về vấn đề được đề cập.

Tuy nhiên, theo người phát ngôn của đảng, yêu cầu chính thức vẫn chưa được trụ sở đảng đệ trình. Nhưng động thái trên của các thành viên FDP cho thấy sự rạn nứt trong đảng mà trước đây chưa từng thấy.

Những cuộc đàm phán không ngừng nghỉ

So với cuộc đấu đá nội bộ trong Đảng Xanh và Đảng FDP, thì Đảng SPD đã tìm cách tạo ra một mặt trận thống nhất. Không có quan chức đảng nào công khai đặt câu hỏi về sự lãnh đạo của ông Scholz, người thuộc thành phần thực dụng và thân thiện với doanh nghiệp hơn trong đảng trung tả.

Nhưng Thủ tướng Scholz và những người thân cận của ông bị kẹt trong các cuộc đàm phán gần như không ngừng nghỉ đằng sau cánh cửa đóng kín để cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng ngân sách.

Rủi ro đang rất lớn đối với ông Scholz vì kết quả của các cuộc đàm phán về cơ bản sẽ định hình nửa cuối nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên của ông, và xác định liệu ông có cơ hội tiếp tục nắm quyền sau năm 2025 khi cuộc bầu cử liên bang tiếp theo dự kiến diễn ra hay không.

Đồ họa: Bloomberg

Đồ họa: Bloomberg

Trong một tuyên bố bằng video được công bố hôm 24/11, ông Scholz cam kết rằng viện trợ tài chính để giảm bớt gánh nặng do giá năng lượng cao không bị đe dọa và chính phủ sẽ không chuyển hướng khỏi các sáng kiến bao gồm duy trì hỗ trợ cho Ukraine cũng như hiện đại hóa và phủ xanh nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Ông tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi tất cả những mục tiêu này”.

Tuy nhiên, các thành viên thuộc phe thiên tả của SPD như đồng lãnh đạo đảng Saskia Esken và Tổng Thư ký Kevin Kuehnert đã gia tăng áp lực trong những ngày qua bằng cách loại trừ dứt khoát việc cắt giảm chi tiêu phúc lợi xã hội và kêu gọi đình chỉ “phanh nợ” cho cả năm nay và năm tới để đảm bảo các khoản đầu tư theo kế hoạch cho công cuộc bảo vệ khí hậu và chuyển đổi công nghiệp.

Không chỉ một số ít “những cái đầu nóng muốn phá vỡ liên minh”, bà Ursula Muench, Giám đốc Học viện Giáo dục Chính trị ở Tutzing, cho biết. Theo bà, điều này hiện tại không mang tính đe dọa, nhưng chắc chắn nó có thể sẽ thay đổi trong tương lai.

Minh Đức (Theo Bloomberg, Reuters, Politico EU)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phep-thu-doi-voi-lien-minh-cam-quyen-cua-thu-tuong-duc-olaf-scholz-a637976.html
Zalo