Mỹ không còn làm khó Thổ Nhĩ Kỳ vì 'Rồng lửa' S-400 mua từ Nga?

Sau nhiều năm, những rắc rối xoay quanh việc Thổ Nhĩ Kỳ – một quốc gia thành viên NATO – mua các khẩu đội phòng không S-400 Triumf từ Nga dường như đã đi đến hồi kết khi có thông tin rằng Mỹ không còn làm khó Ankara vì vấn đề này nữa.

Truyền thông địa phương hôm 27/11 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yaşar Güler cho hay, Mỹ không còn bất kỳ phản đối nào liên quan đến các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 mà nước này mua từ Nga.

"Trong các cuộc họp gần đây với người Mỹ, chúng tôi đã từ chối những gì họ muốn từ chúng tôi liên quan đến S-400. Bây giờ, người Mỹ không còn bất kỳ phản đối nào về vấn đề này", ông Güler được dẫn lời nói với trang T24 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi chương trình tiêm kích tàng hình F-35 thế hệ thứ 5 của Mỹ vào năm 2019 khi Ankara bắt đầu tiếp nhận các linh kiện cho hệ thống phòng không S-400 Triumf từ Nga, khiến các đồng minh NATO lo ngại.

Các phương tiện quân sự, thiết bị và các bộ phận của hệ thống phòng không S-400 được dỡ xuống từ một máy bay vận tải của Nga tại sân bay quân sự Murted ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 7/2019. Ảnh: Turkiye Today

Các phương tiện quân sự, thiết bị và các bộ phận của hệ thống phòng không S-400 được dỡ xuống từ một máy bay vận tải của Nga tại sân bay quân sự Murted ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 7/2019. Ảnh: Turkiye Today

Hệ thống S-400 được thiết kế để theo dõi và có khả năng vô hiệu hóa máy bay phương Tây, bao gồm cả máy bay tàng hình như F-35. Washington lập luận rằng việc tích hợp một hệ thống như vậy vào cơ sở hạ tầng quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm lộ dữ liệu nhạy cảm của F-35 cho tình báo Nga, làm suy yếu lợi thế công nghệ của Mỹ và các đồng minh.

Bất chấp những nỗ lực của Ankara nhằm đảm bảo rằng S-400 sẽ không được liên kết với các hệ thống quân sự khác, sự ngờ vực trong liên minh đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình, điều này cũng làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau nhiều năm căng thẳng kể từ đó, hồi tháng 7 năm nay, một số phương tiện truyền thông đã đưa tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể quay trở lại chương trình F-35 nếu họ để "Rồng lửa" S-400 ngủ yên trong kho hoặc chuyển giao chúng cho bên thứ ba. Cựu Đại sứ Mỹ tại Ankara Jeff Flake cũng đã nêu ý tưởng tương tự.

Trong một diễn biến khác có liên quan, trên nền tảng X/Twitter, trang Clash Report hôm 27/11 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Güler cho biết quốc gia liên lục địa Á-Âu này đã gửi yêu cầu mua 6 chiếc tiêm kích F-35A được sản xuất riêng cho Thổ Nhĩ Kỳ.

"Hiện tại chúng tôi có 6 máy bay phản lực F-35 tại Mỹ. Bây giờ họ (người Mỹ) thấy chúng tôi đã phát triển tiêm kích KAAN của riêng mình, lập trường của họ đã thay đổi và họ đang bày tỏ mong muốn chuyển giao chúng (tiêm kích F-35). Chúng tôi đã nộp lại đề xuất mua F-35", ông Güler được Clash Report dẫn lời cho biết trên X/Twitter.

Nếu thông tin do Clash Report đưa được xác nhận, một kết luận có thể được đưa ra: Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý với đề xuất của Mỹ về việc "đóng băng" S-400, từ đó "mở ra cánh cửa" để Ankara mua 6 chiếc F-35A. Tuy nhiên, chưa có xác nhận chính thức nào về một động thái như vậy.

Hồi tháng 10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cực lực phản đối bất kỳ kế hoạch nào của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chuyển giao quyền kiểm soát hệ thống S-400 cho Mỹ.

Ông Lavrov chỉ ra rằng "giấy chứng nhận người dùng cuối" (EUC) – một phần không thể thiếu trong các hợp đồng cung cấp vũ khí – không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ bán những khẩu đội S-400 đã mua mà không có sự đồng ý của Moscow.

Minh Đức (Theo TASS, Bulgarian Military)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/my-khong-con-lam-kho-tho-nhi-ky-vi-rong-lua-s-400-mua-tu-nga-20424112715031541.htm
Zalo