Phạt tù với người tham gia giao thông gây tai nạn chết người

Người tham gia giao thông đường bộ phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Trường hợp tham gia giao thông gây tai nạn dẫn đến chết người sẽ bị xử lý hình sự.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, 11 tháng của năm 2024 toàn quốc xảy ra hơn 21.000 vụ tai nạn giao thông, làm tử vong hơn 10.000 người, bị thương hơn 16.000 người.

Trong đó nổi bật nhất là vụ việc xảy ra mới đây tại tuyến đường thuộc phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang, xảy ra vụ tai nạn do tài xế điều khiển ô tô đang di chuyển trên đường thì bất ngờ gặp xe máy do một người đàn ông đi chiều ngược lại đang sang đường, tài xế ô tô đánh lái tránh xe máy nên đã lao thẳng vào nhà dân và khiến một cháu bé tử vong.

Cuối tháng 11, theo thông tin từ Công an thành phố Phan Thiết, tại khu vực đường Nguyễn Thông (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa hai xe máy do người nước ngoài điều khiển làm hai người đàn ông tử vong, một người phụ nữ bị thương.

Trước đó, tại thôn Đồng Cầu (xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ giữa xe ô tô đầu kéo với xe ô tô chở khách khiến 5 người đi trên xe ô tô khách tử vong tại chỗ, 1 người tử vong tại bệnh viện, 3 người bị thương.

Phạt tù với người tham gia giao thông gây tai nạn chết người

Phạt tù với người tham gia giao thông gây tai nạn chết người

Luật sư Đinh Thị Chúc, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì nếu tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm chết người thì bị xử lý về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, bị phạt tiền từ 30 triệu - 100 triệu đồng.

Ngoài ra, phải chịu hình phạt tù từ phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù với mức cao nhất từ 7 năm đến 15 năm tùy thuộc vào số lượng người chết (trường hợp làm người chất thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; làm chết 2 người thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm; làm chết 3 người trở lên thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm). Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Căn cứ Bộ Luật Dân sự 2015 và Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực ngày 1/1/2023 thi trường hợp người tham gia giao thông gây chết người mà nguyên nhân xuất phát từ hành vi vi phạm của người gây tai nạn và không thuộc trường hợp bất khả kháng thì người gây thiệt hại được coi là xâm phạm đến tính mạng của người bị thiệt hại, có căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 584, Điều 591 Bộ Luật Dân sự 2015. Theo đó, người gây tai nạn phải chịu các chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng có người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết và khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thân do tính mạng bị xâm phạm.

Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự không thuộc trường hợp tội danh khởi tố theo yêu cầu của bị hại, tức là dù có hay không yêu cầu khởi tố của gia đình người bị tai nạn hoặc họ đã có yêu cầu khởi tố nhưng đã rút yêu cầu thì cơ quan chức năng vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm.

Nếu người gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người đã chủ động bồi thường thiệt hại thì có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”, cơ quan chức năng sẽ cân nhắc các tình tiết trong hồ sơ vụ án để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu đủ căn cứ.

Khi xảy ra tai nạn, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Nếu có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn của người điều khiển phương tiện là hành vi vi phạm, có thể bị xử lý theo khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự hiện hành với khung hình phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Những hành vi bỏ trốn hay bỏ rơi người bị nạn sau khi xảy ra TNGT là hành vi không chỉ coi thường pháp luật, mà vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, bị xã hội lên án và phải chịu mức hình phạt thích đáng để răn đe và cảnh tỉnh.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Luật sư Đinh Thị Chúc, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:

Thu Hằng/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/phat-tu-voi-nguoi-tham-gia-giao-thong-gay-tai-nan-chet-nguoi-post1145459.vov
Zalo