Phát huy hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng
Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 có hiệu lực từ ngày 1-7-2019, đã góp phần tạo cơ sở pháp lý khả thi trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng tại Khánh Hòa. Tỉnh vừa đề xuất tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật để có cơ chế phòng ngừa tham nhũng hiệu quả hơn nữa.
Thực hiện nghiêm túc
Ông Lý Nguyễn Nguyên Vũ - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, 5 năm qua, sở đã ban hành 30 văn bản chỉ đạo các phòng, trung tâm thuộc sở xây dựng, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ liên quan đến PCTN; triển khai 4 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về PCTN. Đồng thời, chỉ đạo chấp hành nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công; tổ chức cán bộ; giải quyết thủ tục hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo... Nhằm góp phần nâng cao nhận thức về PCTN, tiêu cực trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, trong 2 năm 2023 - 2024, sở đã tham mưu cho Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức 2 cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu quy định của Luật PCTN, thu hút hơn 19.500 người tham gia.
Tại TP. Nha Trang, việc thực hiện Luật PCTN cũng mang lại nhiều chuyển biến, nhất là về xây dựng thể chế; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; xây dựng, thực hiện tiêu chuẩn, chế độ, định mức; kiểm soát sử dụng tài sản công; cải cách hành chính... Trong 5 năm, thành phố ban hành 92 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác PCTN; cử gần 370 lượt người tham gia bồi dưỡng, tập huấn pháp luật về PCTN, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập; tổ chức 8 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định về PCTN tại 13 đơn vị và 6 đoàn kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại 94 đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác 90 người; kiểm điểm, chấn chỉnh 9 trường hợp thiếu sót trong kê khai tài sản, thu nhập… Năm 2023, chỉ số cải cách hành chính của thành phố được xếp hạng tốt sau nhiều năm xếp hạng khá.
Thực hiện Luật PCTN, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN; đẩy mạnh phòng ngừa tham nhũng, phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án về tham nhũng; tăng cường cải cách hành chính và thực hiện dịch vụ công trực tuyến; thúc đẩy chuyển đổi số; hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt... Hệ thống phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về kinh tế - xã hội tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh tiếp nhận và xử lý kịp thời 33 đơn tố cáo hành vi tham nhũng. Việc xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng đã tạo cơ chế ràng buộc, giám sát, góp phần hạn chế tiêu cực, bỏ lọt vụ việc tham nhũng trong hoạt động công vụ. Các đơn vị, địa phương phối hợp tổ chức 921 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, tiêu cực cho hơn 26.000 lượt người. Đồng thời, thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn; chuyển đổi vị trí công tác; ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ; chú trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát. 100% đơn vị thực hiện công khai, minh bạch theo Luật PCTN. Các cơ quan tiến hành tố tụng tích cực điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng...
Đề xuất tiếp tục hoàn thiện pháp luật
Ông Trương Thanh Phong - Phó Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, Luật PCTN năm 2018 và các văn bản liên quan đã góp phần tạo cơ sở pháp lý khả thi trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được nâng lên; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án về tham nhũng được tăng cường. Công tác phòng ngừa được gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường dân chủ ở cơ sở. Người dân tích cực hơn trong giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước… Tuy nhiên, công tác PCTN vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn, nhất là với tham nhũng vặt. Quy định về công khai, minh bạch còn thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện; chưa làm rõ nguyên tắc, hình thức, nội dung, thời gian, trách nhiệm thực hiện. Quy định về trình tự, thủ tục, nội dung thực hiện trách nhiệm giải trình chưa rõ, chưa khả thi. Quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong đơn vị chưa cụ thể. Quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập; thiếu quy định về xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý…
Vừa qua, Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan đến PCTN còn bất cập; nhất là kiểm soát tài sản thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích. Đồng thời, kiến nghị rà soát, bổ sung, hoàn thiện Luật PCTN và văn bản liên quan đến điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng; cơ chế giám sát, tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vi phạm về nhận, tặng quà; kiểm soát hoạt động, thu nhập ngoài công vụ của người có chức vụ, quyền hạn… Bên cạnh đó, đề xuất tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan có chức năng PCTN và công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiểm soát quyền lực; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý, ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt…
Từ năm 2019 đến 2024, toàn tỉnh thực hiện 154 cuộc thanh tra trách nhiệm về PCTN, tiêu cực tại 162 đơn vị, địa phương; kiểm tra 370 lượt đơn vị về thực hiện các quy định về công khai, minh bạch; kiểm tra, thanh tra 17 cuộc về thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, chưa phát hiện sai phạm. Tỉnh cũng triển khai 217 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, qua đó phát hiện 11 trường hợp vi phạm; kiểm tra 350 đơn vị về thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, qua đó phát hiện 27 trường hợp vi phạm. Toàn tỉnh có hơn 12.700 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; 1.895 trường hợp chuyển đổi vị trí công tác...