3.000 tấn giá đỗ ngâm chất cấm: Tạm dừng hoạt động 6 cơ sở
UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk LắK) yêu cầu 6 cơ sở sản xuất giá đỗ bị phát hiện sử dụng chất cấm phải tạm dừng hoạt động.
Ngày 2/1, lãnh đạo UBND thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xác nhận, đã cho các phòng chuyên môn kiểm tra 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn liên quan việc sử dụng chất cấm trong sản xuất và yêu tạm dừng hoạt động của các cơ sở này đến khi có thông báo mới.
“Chúng tôi cho tạm dừng hoạt động của 6 cơ sở này do đang trong thời gian công an điều tra vụ việc. Thành phố giao cho các xã, phường chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi việc triển khai, chấp hành của các cơ sở này”, lãnh đạo UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho hay.
Trước đó ngày 31/12/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk báo cáo Bộ NN&PTNT và Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường về vụ việc sản xuất giá đỗ ủ chất cấm tại tỉnh này.
Theo đó, sau khi có thông tin về quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bắt tạm giam 4 bị can của 6 cơ sở dùng hoạt chất 6- Benzylaminopurine để ngâm ủ giá đỗ, ngày 27/12, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp để tổ chức làm việc tại các cơ sở làm giá đỗ và hệ thống cửa hàng Bách hóa Xanh.
Tại thời điểm đoàn đến làm việc, 6/6 cơ sở nêu trên vẫn đang hoạt động bình thường. Đại diện các cơ sở khai báo, cả 4 chủ cơ sở đều đã bị tạm giam. Tuy nhiên, cơ quan công an không yêu cầu ngừng hoạt động nên cơ sở vẫn tiếp tục sản xuất và phải ký cam kết không được sử dụng chất cấm.
"Vì vậy, khi đến làm việc với các cơ sở thì hoạt động làm giá đỗ đều diễn ra bình thường với sản lượng ít hơn so với những ngày chưa bị cơ quan công an kiểm tra. Có cơ sở hiện bán 1,5 tấn/ngày so với trước khi bị công an kiểm tra là 2 tấn/ngày, hoặc có cơ sở hiện bán 200-300kg/ngày so với trước khi bị công an kiểm tra là 400-500kg/ngày", văn bản nêu.
Được biết, 6 cơ sở làm giá đỗ thuộc 3 hộ kinh doanh và 1 doanh nghiệp. Trong đó, có 1 cơ sở của Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hoạt động "sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh" ngày 22/4/2024.
Còn lại, 5/6 cơ sở làm giá đỗ nói trên thuộc đối tượng cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý thực hiện theo Thông tư số 17 ngày 31/10/2018 của Bộ NN&PTNT.
Tháng 9/2024, UBND xã Ea Tu thành lập đoàn kiểm tra tại cơ sở sản xuất giá đỗ của Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo tại buôn Ko Tam. Tại thời điểm kiểm tra, ông Lâm Văn Đạo (34 tuổi, chủ cơ sở Lâm Đạo) xuất trình giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm, thủy sản an toàn.
Tuy nhiên, đoàn kiểm tra của UBND xã Ea Tu không lấy mẫu giá đỗ để tiến hành kiểm nghiệm nhưng đã lập biên bản đề nghị cơ sở Lâm Đạo không được sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia trong việc sản xuất giá đỗ và ông Lâm Văn Đạo đã ký vào biên bản này.
Tháng 12/2024, Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố 4 vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm vì đã sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine để ngâm, ủ giá đỗ.
Theo cơ quan công an, trong năm 2024, 6 cơ sở tại Đắk Lắk đã bán ra thị trường 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày 8-10 tấn. Số giá đỗ được bán chủ yếu cho chợ đầu mối Tân Hòa (thành phố Buôn Ma Thuột) để phân phối lại khắp tỉnh.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan công an đã thu giữ hơn 20 tấn giá đỗ đã được ủ hóa chất và 37 can nhựa chứa 135 lít hóa chất 6-Benzylaminopurine. Trong số này, có cơ sở Lâm Đạo ký hợp đồng bán 350-400kg giá đỗ mỗi ngày cho cửa hàng Bách Hóa Xanh.