Phát triển văn hóa đọc và kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Phạm Minh Tuấn cho rằng văn hóa đọc là một phần trong tiến trình xây dựng 'quyền lực mềm' của quốc gia.
Sau hơn một thập kỷ tổ chức, từ Ngày Sách Việt Nam đến Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam như hiện nay, chúng ta có thể khẳng định đây là một trong những sự kiện văn hóa tiêu biểu có sức lan tỏa rộng khắp, góp phần nuôi dưỡng và khơi dậy tình yêu sách, xây dựng thói quen đọc sách trong các tầng lớp Nhân dân. Sự kiện không chỉ khẳng định vai trò, giá trị của sách trong đời sống xã hội mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển văn hóa đọc - một yếu tố nền tảng, then chốt cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc để tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để hiểu hơn về dấu ấn của Ngày Sách và Văn hóa đọc, Tạp chí Tri Thức - Znews đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Minh Tuấn - Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.
Truyền lửa tri thức
- Thưa ông, sau hơn 10 năm triển khai, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã ghi những dấu ấn nào trong đời sống người dân?
- Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là “Ngày Sách Việt Nam”. Quyết định này là cột mốc đánh dấu sự quan tâm sâu sắc và nhất quán của Nhà nước trong việc xây dựng một xã hội học tập, khuyến khích phong trào đọc sách, tôn vinh những người làm sách, cũng như thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản nước nhà. Sự kiện không chỉ tôn vinh tri thức mà còn góp phần xây dựng xã hội học tập, khơi dậy tinh thần ham học hỏi, sáng tạo trong mọi tầng lớp Nhân dân.
Việc mở rộng thành “Ngày Sách và Văn hóa đọc” (từ năm 2022) thể hiện tầm nhìn dài hạn, phù hợp với kỷ nguyên mới - nơi văn hóa đọc trở thành cầu nối giữa tri thức truyền thống và công nghệ hiện đại, gắn với phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Qua hơn 10 năm, từ một ngày lễ văn hóa có quy mô còn khiêm tốn, đến nay Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, trở thành ngày hội của những người yêu sách, những người làm công tác xuất bản, phát hành và toàn thể Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Các hoạt động hưởng ứng ngày sách không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn mà còn lan rộng về các địa phương, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo - nơi mà trước đây, điều kiện tiếp cận sách còn nhiều hạn chế.

PGS.TS Phạm Minh Tuấn phát biểu trong buổi tặng quà cho trẻ em tại Thái nguyên nhân dịp Tết 2025. Ảnh: Việt Linh.
Điều đáng mừng là phong trào đọc sách trong học sinh, sinh viên, thanh niên đã được khơi dậy rõ nét. Nhiều thư viện trường học được cải thiện, nhiều mô hình “thư viện thân thiện”, “xe sách lưu động”, “tủ sách lớp học”, “tủ sách cộng đồng” đã được triển khai trên diện rộng. Các cuộc thi giới thiệu sách, sáng tác về sách, các diễn đàn, tọa đàm, giao lưu với tác giả... đã giúp sách đến gần hơn với độc giả, trở thành một phần thiết yếu trong đời sống tinh thần của Nhân dân.
Đặc biệt, thông qua các mô hình đường sách, tiêu biểu là đường sách TP.HCM, đường sách TP Thủ Đức, văn hóa đọc đã được lan rộng đến toàn dân.
Bên cạnh đó, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành và cơ quan quản lý nhà nước cũng đã không ngừng đổi mới cách tổ chức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đa dạng hóa hình thức tiếp cận sách: từ sách giấy đến sách nói, sách điện tử, thư viện số... Chính điều này đã làm cho văn hóa đọc không chỉ gắn với không gian vật lý, mà còn thích ứng với bối cảnh số hóa và nhu cầu tiếp cận thông tin nhanh, đa chiều của xã hội hiện đại.
- Trong nhiều năm qua, Ngày Sách và Văn hóa đọc đã nhận được sự hưởng ứng từ nhiều tỉnh thành, địa phương. Theo ông, đâu là những yếu tố cốt lõi làm nên sức sống lâu bền của Ngày sách và Văn hóa đọc?
- Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã trở thành một "thương hiệu văn hóa" có sức sống lâu bền nhờ sự quan tâm của các cấp và sức lan tỏa trong xã hội.
Về mặt chính sách, trong suốt thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương lớn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của văn hóa đọc. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2030”, trong đó xác định rõ các mục tiêu cụ thể như: tăng tỷ lệ dân số đọc sách thường xuyên, xây dựng các mô hình phát triển văn hóa đọc bền vững, ứng dụng công nghệ vào phổ cập sách và tri thức. Ban Tuyên giáo (hiện nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương) có nhiều văn bản chỉ đạo phù hợp, kịp thời nhằm phát triển văn hóa đọc. Mới đây nhất, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, đề nghị “tiếp tục đẩy mạnh tổ chức và tuyên truyền Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” với những nội dung cụ thể.
Các bộ chuyên trách cũng luôn quan tâm tới hoạt động khuyến đọc. Đơn cử, mới đây, thông qua hệ thống SMS, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi lời nhắn đến toàn dân chung tay tham gia hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Quốc gia. Các hệ thống thư viện là đơn vị thuộc Bộ cũng tích cực tham gia tổ chức sự kiện đọc sách.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cùng ông Trần Đình Ba - Phó giám đốc - Phó tổng biên tập phụ trách Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - nhận giải A Giải thưởng Sách Quốc gia. Ảnh: Việt Linh.
Một minh chứng quan trọng khác cho sự phát triển của phong trào đọc và chất lượng xuất bản là thành công của Giải thưởng Sách Quốc gia - tiền thân là Giải thưởng Sách Việt Nam. Đây là giải thưởng có uy tín, được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh những tác phẩm giá trị, những tác giả, nhà xuất bản có đóng góp xuất sắc. Qua mỗi năm, giải thưởng ngày càng mở rộng quy mô, đa dạng thể loại, phản ánh chiều sâu trí tuệ, bản sắc văn hóa và tinh thần dân tộc. Nhiều tác phẩm được trao giải đã trở thành tài liệu quý trong nghiên cứu, học tập và là niềm tự hào của ngành xuất bản nước nhà.
Tinh thần của Ngày Sách và Văn hóa đọc đã lan tỏa trong nhiều tổ chức, đơn vị. Ngày càng có nhiều địa phương, cơ quan, trường học, doanh nghiệp hưởng ứng tích cực bằng các hoạt động như triển lãm sách, giao lưu tác giả, phát động phong trào đọc sách. Đặc biệt, trong kỷ nguyên mới của chuyển đổi số, sự kiện đã vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống, lan tỏa mạnh mẽ qua nền tảng số, giúp tiếp cận đa dạng đối tượng, nhất là giới trẻ.
- Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo phát triển như vũ bão hiện nay, Ngày Sách và Văn hóa đọc cần làm gì để tiếp tục giữ được vị thế của mình, đặc biệt là với thế hệ trẻ vốn ngày càng tiếp cận thông tin qua nền tảng số?
Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin dồi dào, đồng thời đặt ra thách thức về chất lượng, định hướng và khả năng chọn lọc thông tin. Trong bối cảnh đó, phát triển văn hóa đọc cần được đặt trong mối quan hệ hài hòa giữa giá trị cốt lõi của tri thức và nhu cầu tiếp cận linh hoạt, tiện lợi của người dùng.
PGS.TS Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam
- Trong năm vừa qua chúng ta có thể thấy được một điểm sáng trong ngành xuất bản, xuất bản phẩm điện tử tăng vọt 120,7%, đạt 4.050 đầu sách, nâng tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử lên 8,9% trong cơ cấu xuất bản. Từ đó, có thể thấy chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, các hoạt động thuộc khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc cũng đang từng bước thay đổi để tiếp tục giữ được vị thế và sức hút, đặc biệt với thế hệ trẻ - nhóm độc giả đang có xu hướng tiếp cận thông tin chủ yếu qua nền tảng số.
Ngày Sách và Văn hóa đọc cần được tổ chức bài bản hơn, sáng tạo hơn, gắn với các sự kiện lớn của đất nước, đồng thời tạo điều kiện cho sự tham gia rộng rãi của cộng đồng. Mục tiêu không chỉ là một ngày hội, mà là một phong trào mang tính lan tỏa sâu sắc, lâu dài, định hướng xã hội hướng tới những giá trị bền vững, chân - thiện - mỹ.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà thông tin trở nên dồi dào chưa từng có, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức rất lớn về chất lượng, định hướng và khả năng chọn lọc thông tin. Trong bối cảnh đó, phát triển văn hóa đọc cần được đặt trong mối quan hệ hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa giá trị cốt lõi của tri thức và nhu cầu tiếp cận linh hoạt, tiện lợi của người dùng.
Để văn hóa đọc đi vào chiều sâu
- Ngày Sách và Văn hóa đọc giờ đây được nhìn nhận như một phần của chiến lược phát triển văn hóa đọc quốc gia. Điều này có ý nghĩa như thế nào với phong trào khuyến đọc?
- Ý nghĩa của sự kiện thể hiện ở chỗ nó tạo ra được một chuỗi tác động đồng thời: nuôi dưỡng niềm yêu sách trong cộng đồng, khơi gợi cảm xúc và trí tưởng tượng nơi trẻ em, tạo động lực đổi mới từ phía các đơn vị làm sách, thư viện, nhà trường, và đặc biệt là thúc đẩy sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với văn hóa đọc.
Khi Đề án phát triển văn hóa đọc cộng đồng đến năm 2030 được phê duyệt (Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), trong đó xác định đọc sách là một phần trọng yếu trong sự nghiệp giáo dục và phát triển con người toàn diện, Ngày Sách và Văn hóa đọc được nhìn nhận như một phương tiện triển khai hữu hiệu, cụ thể hóa tinh thần của chính sách vào đời sống. Tại đây, sách là chất xúc tác tạo nên những kết nối giữa người với người, giữa thế hệ này với thế hệ khác, giữa giá trị truyền thống và tinh hoa hiện đại.

Các học sinh hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc 2025 tại Phố sách Hà Nội 19/12. Ảnh: Việt Hà
Những tác phẩm từng được vinh danh tại Giải Sách Quốc gia 2024 như Người thầy (Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh), Mùa Hè không tên (Nguyễn Nhật Ánh), Lịch sử Việt Nam bằng hình… khi được giới thiệu, trưng bày và tôn vinh tại Ngày Sách và Văn hóa đọc, đã gợi mở những cách tiếp cận mới cho lớp độc giả trẻ, giúp họ thẩm thấu sâu hơn những giá trị văn hóa, nhân văn ẩn chứa trong mỗi trang sách.
- Theo ông, đâu là những thay đổi cần thiết để nâng cao văn hóa đọc?
- Trước hết, cần nhận thức rõ rằng phát triển văn hóa đọc không thể là một nhiệm vụ đơn lẻ hay ngắn hạn, mà phải là một chiến lược tổng thể, mang tính lâu dài, bền vững, có sự kết nối chặt chẽ với các mục tiêu phát triển văn hóa - giáo dục - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Văn hóa đọc chính là "tấm khiên tinh thần" giúp người dân có khả năng chọn lọc, kiểm chứng, đối chiếu và hình thành hệ giá trị cá nhân vững chắc trên cơ sở tri thức đúng đắn.
PGS.TS Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam
Trong thời gian tới, văn hóa đọc cần được phát triển gắn với chuyển đổi mô hình tiếp cận tri thức từ “truyền thụ một chiều” sang “kích hoạt tư duy độc lập, phản biện và sáng tạo”, đặc biệt trong môi trường giáo dục. Điều này đòi hỏi phải tích cực đưa văn hóa đọc vào nhà trường không chỉ bằng hình thức phong trào, mà cần lồng ghép vào nội dung giảng dạy, phát triển năng lực đọc hiểu, phân tích, đánh giá cho học sinh ngay từ bậc tiểu học, trung học.
Đồng thời, cần phát huy vai trò của văn hóa đọc trong xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống văn minh, hiện đại cho công dân Việt Nam trong thời đại số. Chúng ta đang đối diện với sự xâm nhập và chi phối mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, thông tin đa chiều - trong đó có không ít nội dung độc hại, lệch chuẩn. Văn hóa đọc chính là "tấm khiên tinh thần" giúp người dân có khả năng chọn lọc, kiểm chứng, đối chiếu và hình thành hệ giá trị cá nhân vững chắc trên cơ sở tri thức đúng đắn.
Mặt khác, cần xác định rằng phát triển văn hóa đọc cũng là một phần trong tiến trình xây dựng và lan tỏa “quyền lực mềm” của quốc gia, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay. Một nền văn hóa đọc phát triển không chỉ giúp nâng cao dân trí trong nước, mà còn tạo ra các tác phẩm, các sản phẩm tri thức có khả năng chinh phục bạn đọc quốc tế - từ đó nâng cao vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
- Từ góc độ quản lý nhà nước, nhiệm vụ quan trọng để nâng cao văn hóa đọc là gì?
- Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, một nhiệm vụ không thể thiếu là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn hóa đọc, bao gồm các chỉ số cụ thể như: tỷ lệ dân số đọc sách thường xuyên, số lượng thư viện và đầu sách, tình hình xuất bản theo thể loại, mức độ tiếp cận sách ở các nhóm dân cư khác nhau… Những chỉ số này sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá, hoạch định chính sách và đo lường hiệu quả của các chương trình phát triển văn hóa đọc theo hướng khoa học và bền vững.
Song song đó, cần chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện, xuất bản, phát hành và truyền thông về sách. Đây là những "hạt nhân" có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa giá trị sách đến cộng đồng. Đầu tư cho con người chính là đầu tư cho tương lai văn hóa đọc của đất nước.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng: để văn hóa đọc thực sự đi vào chiều sâu và trở thành nền tảng của tri thức xã hội, cần có một liên minh trách nhiệm giữa Nhà nước - nhà trường - gia đình - xã hội - doanh nghiệp. Mỗi một chủ thể đều có vai trò không thể thay thế. Nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo chính sách, định hướng phát triển; các trường học và gia đình là nơi trực tiếp gieo mầm thói quen đọc; các tổ chức xã hội và doanh nghiệp có thể đồng hành trong việc tổ chức sự kiện, tài trợ tủ sách, lan tỏa mô hình đọc hiệu quả.