Phát triển vắcxin EV71: Bước tiến mới trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh
Ngày 22/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur đã tổ chức Hội thảo khoa học 'Phát triển và ứng dụng vắcxin EV71: Tăng cường đáp ứng y tế công cộng với bệnh tay chân miệng (TCM)'.

Trẻ nhiễm bệnh tay chân miệng tại thành phố Hồ Chí Minh. (Khánh Ly/Vietnam+)
Ngày 22/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur đã tổ chức Hội thảo khoa học "Phát triển và ứng dụng vắcxin EV71: Tăng cường đáp ứng y tế công cộng với bệnh tay chân miệng (TCM)”, thu hút sự tham gia của hàng trăm chuyên gia y tế, nhà nghiên cứu và đại diện tổ chức y tế trong nước và quốc tế. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực kiểm soát bệnh tay chân miệng – căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt với trẻ em dưới 5 tuổi, vốn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và từng gây ra nhiều ca tử vong tại Việt Nam.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 12 -18/5, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 916 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 40,1% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2025 đến nay là 6.711 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận Bình Tân, Huyện Nhà Bè và Quận 11.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nhóm B, có khả năng tử vong nhanh nếu không phát hiện và xử lý kịp. Bệnh lưu hành quanh năm, đặc biệt tăng cao vào các tháng 4-6 và tháng 9-10 trong năm. Các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp ghi nhận tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất khu vực phía Nam năm 2024. Hiện các biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn mang tính không đặc hiệu, như "4 sạch": ăn sạch, uống sạch, ở sạch và chơi sạch. Trong khi đó, vắcxin vẫn là giải pháp chiến lược còn bỏ ngỏ.
Tại hội thảo Thạc sĩ, bác sĩ Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng với vắcxin EV71 đã được tiến hành tại Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) trong 3 năm và kết thúc vào tháng 11.2024. Đây là thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng và chỉ ngừa được bệnh tay chân miệng do virus EV71 gây ra, không phòng ngừa được các chủng virus khác. Bác sĩ Quang nhấn mạnh: "Vắcxin EV71 là bước tiến lớn trong phòng bệnh tay chân miệng. Kết quả ban đầu cho thấy loại vắcxin này đáp ứng tính an toàn và hiệu quả cao, kỳ vọng sẽ giúp giảm số ca mắc bệnh và tử vong do bệnh gây ra".
Đại diện Công ty Enimmune (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết đã thử nghiệm lâm sàng vắcxin EV71 tại Đài Loan và Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy vắcxin an toàn, hiệu quả cao trong phòng ngừa tay chân miệng do chủng virus EV71 gây ra. Vắcxin này đã được cấp phép lưu hành tại Đài Loan từ năm 2023. Riêng tại Việt Nam, đây là lần thứ 2 Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Công ty Enimmune thử nghiệm lâm sàng.

Các chuyên gia chia sẻ về vắcxin EV71. (Khánh Ly/Vietnam+)
Hội thảo "Phát triển và ứng dụng vắcxin EV71: Tăng cường đáp ứng y tế công cộng với bệnh Tay chân miệng” không chỉ là diễn đàn chia sẻ kiến thức chuyên môn mà còn là cơ hội để kết nối các bên liên quan, từ nhà sản xuất, nhà khoa học đến cơ quan quản lý y tế. Với sự ra đời của vắcxin EV71, Việt Nam đang tiến gần hơn đến mục tiêu giảm gánh nặng bệnh tay chân miệng, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về một khu vực Đông Nam Á an toàn hơn trước các dịch bệnh truyền nhiễm./.