Chống nắng quá kỹ, người phụ nữ thiếu vitamin D trầm trọng dẫn đến gãy xương
Chống nắng một cách cực đoan đã dẫn đến hậu quả khó lường cho người phụ nữ.
Một vụ việc hy hữu nhưng mang đầy tính cảnh báo về sức khỏe vừa gây xôn xao cộng đồng mạng Trung Quốc: một phụ nữ 48 tuổi ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị gãy xương chỉ vì... trở mình trên giường. Nguyên nhân sâu xa lại đến từ thói quen né tránh ánh nắng mặt trời một cách cực đoan kéo dài suốt hàng chục năm.
Thông tin được bác sĩ Long Shuang, công tác tại khoa cấp cứu Bệnh viện Y học cổ truyền XinDu, chia sẻ vào ngày 14/5. Theo bác sĩ Long, người phụ nữ – chưa tiết lộ danh tính – đã nhập viện sau khi cảm thấy đau đớn bất thường chỉ vì một cử động nhỏ khi ngủ. Kết quả kiểm tra cho thấy cô bị gãy xương do loãng xương nghiêm trọng, hệ quả từ việc thiếu hụt vitamin D trầm trọng do không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài.

Ảnh: Ying Tang/Nur Getty Images.
Từ nhỏ, người phụ nữ này đã gần như tuyệt đối tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Cô hiếm khi mặc áo ngắn tay, luôn dùng kem chống nắng, và chưa bao giờ để da chạm nắng. Tuy chưa rõ gia đình cô có từng lo ngại về lối sống này hay không, nhưng hậu quả rõ ràng đã vượt xa mức tưởng tượng.
Vitamin D – yếu tố quan trọng giúp cơ thể hấp thụ canxi và duy trì sức khỏe xương – chủ yếu được tổng hợp khi da tiếp xúc với tia UVB trong ánh nắng. Việc hạn chế hoàn toàn ánh sáng mặt trời, dù với mục đích làm đẹp hay bảo vệ da, đang khiến nhiều người đối mặt với những hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng như loãng xương, hệ miễn dịch suy yếu và nguy cơ gãy xương cao.

Ảnh: Shutterstock.
Vụ việc làm dấy lên những tranh luận gay gắt trên mạng xã hội. Một người dùng mạng bình luận: “Không thể tin được – chỉ vì lăn qua lăn lại mà gãy xương? Đúng là quá sức tưởng tượng”. Một người khác đặt câu hỏi: “Cô ấy có ăn kiêng khắc nghiệt nữa không? Dù thế nào, ai cũng cần tiếp xúc với ánh nắng mỗi ngày".
Không chỉ riêng trường hợp này, xu hướng "chống nắng toàn diện" đang trở thành trào lưu phổ biến trong giới nữ tại Trung Quốc. Nhiều người mặc áo hoodie chống tia UV, dùng găng tay, khẩu trang làm mát, thậm chí đội mũ rộng vành khi ra đường – tất cả chỉ để bảo vệ làn da khỏi sạm đen. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc này nếu kéo dài có thể để lại hậu quả khó lường.
Jiang Xiaobing, Trưởng khoa phẫu thuật chỉnh hình cột sống tại Bệnh viện trực thuộc Đại học Y Quảng Châu thứ hai, đã cảnh báo trong một video lan truyền trên mạng: “Từ tuổi 30, chúng ta bắt đầu mất dần mật độ xương với tốc độ từ 0,5 đến 1% mỗi năm. Việc thiếu ánh nắng, thiếu vitamin D, cùng với lối sống ít vận động, hút thuốc, uống rượu là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng xương yếu”.

Ảnh: Shutterstock
Ông nhấn mạnh, để duy trì sức khỏe xương, mỗi người cần bổ sung đầy đủ canxi, vận động đều đặn và tiếp xúc hợp lý với ánh nắng. Phụ nữ sau mãn kinh đặc biệt cần lưu ý, vì đây là nhóm đối tượng dễ bị loãng xương nhất.
Sau vụ việc, nhiều người không khỏi đặt câu hỏi về định hướng thẩm mỹ trong xã hội hiện đại. “Thật buồn khi thấy nhiều phụ nữ đánh đổi sức khỏe chỉ để giữ làn da trắng”, một người dùng mạng bình luận, phản ánh quan điểm đang dần phổ biến trong dư luận.
Câu chuyện đau lòng này không chỉ là lời cảnh tỉnh về việc chăm sóc xương khớp mà còn mở ra một cuộc đối thoại rộng hơn: Liệu chuẩn mực vẻ đẹp có đáng để đánh đổi sức khỏe? Và đâu là ranh giới giữa việc bảo vệ làn da và tự gây hại cho chính mình?