Trí tuệ nhân tạo, kỳ vọng mới trong xạ trị ung thư đầu cổ
Trong bối cảnh bệnh viện và y bác sĩ làm việc quá tải, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lập kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân ung thư đầu cổ tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đã mở ra một hướng đi đột phá, giúp rút ngắn thời gian điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Bác sĩ kiểm tra bệnh nhân trước khi xạ trị lần đầu.
Khi ai vào cuộc
Theo thống kê tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi tháng đơn vị tiếp nhận khoảng 350 ca, trong đó khoảng 1/3 là ung thư vòm hầu. Đây là con số đáng báo động, phản ánh xu hướng gia tăng tại thành phố.
Ông Lê Văn S (41 tuổi, ngụ quận Tân Phú) nhập viện ngày 29/11/2024 với chẩn đoán ung thư vòm hầu tái phát di căn gan và xương. Ông từng trải qua hóa trị kết hợp xạ trị, rồi lại tiếp tục điều trị bằng các phác đồ mới do bệnh tiến triển.
Với các ca như ông S, thời gian từ khi hội chẩn đến lúc có thể xạ trị thường kéo dài từ 5-10 ngày vì quy trình lập kế hoạch xạ trị phức tạp. Trước thực trạng trên, từ giữa năm 2024, Bệnh viện Ung bướu thành phố là đơn vị đầu tiên trên cả nước thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quy trình lập kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân ung thư đầu cổ thông qua phần mềm chuyên biệt Raysearch.
Kết quả sau sáu tháng triển khai cho thấy bước tiến vượt bậc, như: thời gian lập kế hoạch rút ngắn còn một đến ba ngày, thậm chí với các trường hợp xạ trị cấp cứu có thể hoàn tất trong ngày. Cụ thể, thay vì hai đến bốn giờ vẽ vùng tổn thương, AI chỉ cần hai đến bốn phút.
Việc tính liều xạ trị cũng diễn ra gần như đồng thời với độ chính xác cao và sự tương đồng lên tới 90% so với bác sĩ vẽ tay. Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Trưởng khoa Xạ trị bệnh viện cho biết: AI học từ kho dữ liệu được xây dựng bởi các chuyên gia hàng đầu thế giới.
Nhờ đó, hệ thống có thể tự động vẽ contour (vùng mô lành và mô đích), phân bố liều, điều chỉnh theo hình ảnh và các thông số lâm sàng của bệnh nhân. Ung thư đầu cổ là nhóm bệnh có diễn tiến nhanh, dễ di căn hạch cổ và di căn xa.
Đặc biệt, vùng đầu cổ tập trung nhiều cơ quan quan trọng như não, tủy sống, tuyến giáp, các dây thần kinh sọ nên việc xạ trị đòi hỏi độ chính xác cực cao, một sai sót nhỏ có thể gây tổn thương nặng cho bệnh nhân.
“Đây là lý do bệnh viện chọn vùng đầu cổ để ứng dụng AI đầu tiên. Vì các cấu trúc tương đối ổn định, AI dễ nhận diện và lập kế hoạch hơn so với các vùng có chuyển động như ngực hay bụng”, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng giải thích.
Đến nay, 60 ca ung thư đầu cổ đã được lập kế hoạch xạ trị bằng AI tại bệnh viện. Kết quả theo dõi cho thấy, hầu hết bệnh nhân ổn định lâm sàng, giảm đau, ăn uống tốt.
Như trường hợp ông Nguyễn Vũ Đ. (62 tuổi, ở Lâm Đồng) được chẩn đoán ung thư amidan giai đoạn 3, sau xạ trị đồng thời bằng phương pháp lập kế hoạch AI đã ổn định, không còn đau và không tái phát.
Giảm tải cho bác sĩ, lợi ích cho bệnh nhân
Ngoài chẩn đoán tốt, một lợi ích nổi bật khác của AI là giải phóng áp lực cho đội ngũ y tế.
Trong khi nhân lực xạ trị cần đào tạo chuyên sâu 5-7 năm, thì AI có thể hỗ trợ các khâu kỹ thuật, giúp bác sĩ có thêm thời gian chăm sóc người bệnh. Ngoài ra, với khả năng kết nối từ xa, hệ thống AI cho phép bác sĩ tại thành phố hỗ trợ lập kế hoạch cho các cơ sở y tế tuyến dưới, góp phần giảm khoảng cách chất lượng điều trị giữa các vùng miền, một hướng đi quan trọng trong xây dựng mạng lưới chỉ đạo tuyến.
Tuy vậy, việc ứng dụng AI trong y tế cũng đối diện nhiều thách thức: thiếu dữ liệu đa dạng trong đào tạo mô hình, yêu cầu cao về bảo mật thông tin cá nhân và đặc biệt là đòi hỏi y bác sĩ phải làm chủ công nghệ, tránh phụ thuộc tuyệt đối vào máy móc. Ung thư đầu cổ là nhóm bệnh lý ác tính phổ biến, bao gồm nhiều vị trí.
Yếu tố nguy cơ của ung thư đầu cổ bao gồm: yếu tố di truyền, thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh như ăn thực phẩm hun khói, dưa, cà muối, sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, đốt củi, dùng nhang đèn trong không gian kín, tiếp xúc khói bụi công nghiệp, khai thác mỏ, than đá…
Ngoài ra, vệ sinh răng miệng kém, sang chấn niêm mạc miệng kéo dài, tái nhiễm virus (đặc biệt là HPV) cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Do đó, nếu trong gia đình từng có người mắc ung thư đầu cổ, các thành viên còn lại nên chủ động tầm soát vì có thể mang yếu tố di truyền. Các bác sĩ cảnh báo: nam giới hút thuốc và uống rượu có nguy cơ mắc ung thư đầu cổ cao gấp 10-20 lần so với người không sử dụng.
Đáng tiếc, nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn do chủ quan trước các dấu hiệu sớm, như: nuốt đau, nuốt vướng kéo dài không dứt, nổi hạch cổ không đau kích thước lớn hơn 1 cm, vết loét miệng không lành sau hơn một tháng.
Bác sĩ Lâm Đức Hoàng nhấn mạnh: Khi có dấu hiệu bất thường ở vùng tai, mũi, họng, bệnh nhân nên đến cơ sở chuyên khoa ung bướu để nội soi, chẩn đoán và được tư vấn kịp thời. Phát hiện sớm vẫn là “vũ khí vàng” trong điều trị ung thư.
Sau khi điều trị, bệnh nhân cần tái khám định kỳ ba tháng/lần trong một, hai năm đầu để theo dõi tái phát hoặc biến chứng. Với tốc độ phát triển của y học và công nghệ số, AI được kỳ vọng sẽ trở thành “trợ thủ” đắc lực cho bác sĩ trong kỷ nguyên y tế thông minh.
Đề tài “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lập kế hoạch xạ trị ung thư đầu cổ” tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh vừa được vinh danh tại Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam lần V năm 2024, minh chứng cho tính khả thi và hiệu quả thực tiễn của giải pháp này.