Phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị được coi là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm.

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị được coi là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi cá lồng trên sông Đà phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đồng bộ cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Theo định nghĩa chuỗi giá trị sản xuất là chuỗi các hoạt động theo thứ tự và tại mỗi hoạt động sản phẩm thu được một số giá trị nào đó. Chuỗi sản xuất nông nghiệp bao gồm các hoạt động đầu vào - sản xuất - chế biến và thương mại. Trong suốt quá trình xây dựng chuỗi có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà cung cấp phân bón, giống cây trồng, vật nuôi các hộ nông dân, HTX sản xuất nông nghiệp, công ty chế biến và các kênh phân phối sản phẩm như chợ, siêu thị hoặc xuất khẩu nông sản.

Nhằm sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho người nông dân và đảm bảo quyền lợi cũng như trách nhiệm của các chủ thể tham gia chuỗi giá trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5/7/2018 về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Có thể nói, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP là hướng mở quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2793/QĐ-UBND, ngày 20/12/2018 về việc phê duyệt các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 226/2019/NQ-HĐND, ngày 11/12/2019 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.

Với việc ban hành Quyết định số 2793/QĐ-UBND và Nghị quyết số 226/2019/NQ-HĐND, tỉnh ta đã xây dựng được cơ chế, chính sách hiệu quả nhằm triển khai các chuỗi sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh đã lồng ghép các nội dung hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trong các kế hoạch, đề án, chương trình phát triển KT-XH của tỉnh. Các hoạt động hỗ trợ cũng như định mức hỗ trợ sản xuất theo chuỗi cho các chủ thể tham gia chuỗi được xây dựng đảm bảo theo các nội dung quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP.

Theo đồng chí Hà Ngọc Tuấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, các HTX nông nghiệp với vai trò chủ thể sản xuất có thể khẳng định là đóng vai trò then chốt trong các chuỗi giá trị nông sản. Với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, hiện nay đã tạo điều kiện thuận lợi để các HTX mạnh dạn chuyển đổi sản xuất theo chuỗi giá trị. Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị xây dựng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho các sản phẩm nông sản của các thành viên HTX trên địa bàn.

Đến hết năm 2023, trên toàn tỉnh có hơn 100 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn với các lĩnh vực sản xuất rau củ quả, thủy sản, chăn nuôi, chế biến sản phảm nông, lâm, thủy sản, trong đó có 4 chuỗi liên kết là sản phẩm chủ lực được ngân sách hỗ trợ. Riêng năm 2024, UBND tỉnh đã phân bổ trên 166 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia nhằm xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, đồng thời phê duyệt 12 dự án sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó, huyện Kim Bôi có 4 dự án gồm: chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ớt của HTX nông nghiệp xanh Kim Bôi; dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Bình Sơn; dự án phát triển chuỗi liên kết sản xuất ngô ngọt, dưa Queen; dự án phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây chế biến và bí Nhật. Huyện Lạc Sơn có dự án liên kết chuỗi sản phẩm gà ri bản địa thương phẩm trên địa bàn các xã: Vũ Bình, Quyết Thắng, Miền Đồi. Huyện Tân Lạc có 3 dự án gồm: liên kết sản xuất và tiêu thụ mía ăn tươi theo chuỗi giá trị sản xuất tại xã Mỹ Hòa; liên kết sản xuất và tiêu thụ rau củ quả an toàn theo chuỗi giá trị tại xã Quyết Chiến; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tiêu thụ ớt tại xã Mỹ Hòa. Huyện Cao Phong có 2 dự án: phát triển chuỗi liên kết sản xuất cam Cao Phong và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị chăn nuôi bò vàng sinh sản tại xã Thạch Yên. Huyện Đà Bắc có 2 dự án: chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá nheo Mỹ nuôi lồng trên lòng hồ Hòa Bình tại xã Tiền Phong, Vầy Nưa; chuỗi liên kết chăn nuôi lợn bản địa gắn với bao tiêu sản phẩm tại huyện Đà Bắc.

Xây dựng chuỗi giá trị sản xuất bền vững

Thực tế cho thấy, chuỗi giá trị sản xuất có ý nghĩa rất lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đối với tỉnh Hòa Bình, sản phẩm nông nghiệp ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước còn hướng tới xuất khẩu. Hiện nay, một số nông sản chủ lực của tỉnh đã được xuất khẩu như bưởi Diễn Ngọc Lương (Yên Thủy), bưởi đỏ Tân Lạc, cam Cao Phong… Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình, nhiều diện tích trồng trọt, chăn nuôi trong các chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh đã được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận an toàn thực phẩm, sản phẩm hữu cơ... mở rộng cơ hội tiếp cận các thị trường lớn. Đồng thời các doanh nghiệp, HTX ký hợp đồng cung ứng nông sản với hệ thống siêu thị nhà phân phối theo giá cố định đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Với việc áp dụng quy trình quản lý chất lượng đồng bộ, tỉnh ta đã xuất khẩu hơn 6 nghìn tấn sản phẩm chế biến từ nông sản sang các thị trường Nhật Bản, Anh quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc…

Tuy nhiên, thực tế sản xuất theo chuỗi giá trị cũng vấp phải những khó khăn không nhỏ trong khâu liên kết giữa các chuỗi giá trị, nhất là khâu tiêu thụ. Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX Nông nghiệp 3TFarm Cao Phong cho biết: Thực tế khâu thu gom, chế biến và tiêu thụ nông sản hiện nay còn thiếu tính bền vững, nhiều cấp trung gian. Với thị trường cam Cao Phong có thể thấy, nông dân chủ yếu bán cho tư thương. Như 3TFarm là HTX sản xuất cam có tiếng nhưng chúng tôi thường phải tự tìm các kênh bán hàng và quảng bá thương hiệu của mình. Cũng đã có sự hỗ trợ từ các sàn thương mại điện tử, song thực tế hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, tôi lo nhất là việc duy trì, phát triển và bảo vệ thương hiệu nông sản còn gặp nhiều khó khăn do tình trạng đội lốt sản phẩm, đánh cắp, làm nhái thương hiệu.

Với vai trò cầu nối để liên kết sản xuất, chuyển giao công nghệ và tiêu thụ sản phẩm, trong thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo kết nối liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Tại các diễn đàn, Liên minh HTX tỉnh trao đổi nhiều giải pháp nhằm phát triển các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp trong các HTX nông sản. Đồng chí Hà Ngọc Tuấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh khẳng định: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX thông qua bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng là một trong những giải pháp quan trọng mà các HTX đang hướng đến. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng có cơ chế, chính sách hỗ trợ thành lập lực lượng tư vấn hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp, đổi mới chương trình khuyến nông để hỗ trợ đào tạo cán bộ HTX. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp liên kết với HTX. Doanh nghiệp được xác định là đầu tàu của liên kết, vì thế để thúc đẩy HTX tham gia liên kết cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết thông qua HTX. Đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm sản xuất theo chuỗi, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việc phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông sản không chỉ tăng khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường mà còn tạo động lực phát triển bền vững cho kinh tế địa phương. Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông sản theo chuỗi giá trị, Sở tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng vùng. Có kế hoạch về nguồn lực vốn hỗ trợ theo giai đoạn, tránh tình trạng chỉ hỗ trợ được trong thời gian đầu. Đồng thời có chiến lược quảng bá, giới thiệu ưu điểm của vùng, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp cho các nhà đầu tư thấy rõ tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thu hút vốn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp hơn nữa. Tăng cường phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học hướng dẫn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp các hộ dân ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trong việc giám sát ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tránh việc hai bên phá vỡ hợp đồng và cam kết cung ứng, tiêu thụ trong sản xuất. Giám sát chặt chẽ chất lượng thị trường vật tư nông nghiệp và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Hỗ trợ chuyển giao khoa học, công nghệ và kết nối thị trường

Đỗ Thị Loan

Phó trưởng phòng Kinh tế thành phố Hòa Bình

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp. Chính vì vậy, thành phố Hòa Bình đã chủ động triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản, xây dựng các chuỗi giá trị. Trong đó, thành phố tập trung nguồn lực hỗ trợ chuyển giao khoa học, công nghệ; hỗ trợ bao bì, nhãn mác và kết nối giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.

Hiện nay, một số sản phẩm có thể phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị như cá lòng hồ sông Đà tại xã Hòa Bình; sản phẩm bí xanh, mướp đắng tại xã Độc Lập. Đây là những sản phẩm có tiềm năng và đã xây dựng được quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Do đó, để có thể sản xuất được theo chuỗi, người dân rất cần hỗ trợ về công nghệ để có thể phát triển các dòng sản phẩm sơ chế hoặc chế biến sâu.

Mong tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ để phát triển theo chuỗi giá trị

Bùi Thị Mơ

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Mơ Đức Hòa Bình

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ Mơ Đức Hòa Bình chuyên nuôi và chế biến các sản phẩm từ ốc nhồi, ốc lác được nuôi hữu cơ. Hiện nay, HTX có diện tích ao nuôi hơn 1,4 ha với 7 hộ thành viên. HTX đã xây dựng được quy trình nuôi ốc nhồi hoàn toàn tự nhiên và sản xuất một số sản phẩm chế biến từ ốc như chả ốc, ốc sơ chế đóng gói đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. HTX đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Lạc Sơn mở một gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện Lạc Sơn. Tại đây chúng tôi xây dựng một nhà hàng chuyên các món đặc sản từ ốc. Có thể nói, quy trình sản xuất của HTX đã khép kín từ con giống - sản xuất - chế biến đến thành phẩm. Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu, mở rộng sản xuất và tạo thêm việc làm cho người lao động, tôi mong muốn có thể tiếp cận được các nguồn hỗ trợ để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nông nghiệp tuần hoàn.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/196443/phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-theo-chuoi-gia-tri.htm
Zalo