Phát triển, phục hồi diện tích trồng rừng - điều kiện tiên quyết để tăng trưởng tín chỉ carbon

Những năm qua, nhiều địa phương đã triển khai tích cực, hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Chính phủ. Nhờ đó, không chỉ rừng được bảo vệ, phát triển mà đời sống của bà con – những người đang đóng góp công sức bảo vệ rừng cũng được cải thiện hơn.

Thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đã đạt giá trị hơn 100 tỷ USD vào năm 2023. Và Việt Nam với diện tích rừng lên đến gần 15 triệu ha hoàn toàn có thể thu về nguồn tài chính lớn từ việc trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. Không chỉ giúp bảo vệ rừng, nguồn thu này còn tạo ra tài chính bền vững hỗ trợ cộng đồng sống gần rừng. Đồng thời, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải có các cơ chế, chính sách để các chủ rừng không chỉ đơn thuần là quản lý và sử dụng đất rừng, mà còn là bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ lá phổi của Trái đất và tạo ra tín chỉ carbon.

Lấy rừng để nuôi rừng

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo tạo động lực để người dân sống dựa vào rừng bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện hóa mục tiêu xã hội hóa nghề rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững.

Hiện nay, theo quy định pháp luật, có các loại dịch vụ môi trường rừng là: Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch; cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản.

 Phát triển rừng bền vững, bảo vệ lá phổi của Trái đất và tạo ra tín chỉ carbon

Phát triển rừng bền vững, bảo vệ lá phổi của Trái đất và tạo ra tín chỉ carbon

Nghị định 91/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/7/2024, cũng bổ sung thêm một số nội dung chi, như: Chi hỗ trợ các hoạt động trồng cây phân tán; hỗ trợ các hoạt động cập nhật, theo dõi diễn biến rừng; Chi các hoạt động nhằm mở rộng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng để có thể bố trí kinh phí để xây dựng các nội dung liên quan đến carbon rừng hoặc các đề xuất, nghiên cứu nhằm mở rộng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, các khoản chi trả lương và các khoản có tính chất lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong trường hợp ngân sách nhà nước không đảm bảo chi trả lương và các khoản có tính chất lương.

Kỳ vọng rằng sẽ sớm có khuôn khổ pháp lý rõ ràng, có hướng dẫn cụ thể chi tiết hơn để dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng sẽ sớm được áp dụng rộng rãi, giúp gia tăng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng.

Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam cũng thống kê đến hết năm 2023, cả nước có 238 ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, 102 Công ty lâm nghiệp, hơn 1.300 UBND cấp xã, hơn 370 chủ rừng khác là đơn vị công an, bộ đội, doanh nghiệp và trung tâm nghiên cứu, hơn 240.000chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng, thôn bản được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền dịch vụ môi trường đã được chi trả theo đúng quy định và nguồn thu đã tạo sự ủng hộ của người dân trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững tài nguyên rừng.

Tại Sơn La, có 560.000 ha rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Sau 15 năm thực hiện chính sách, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã huy động được nguồn lực xã hội hóa cho tỉnh Sơn La thông qua việc nhận ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của 88 đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, thu được trên 2.262 tỷ đồng để chi trả cho gần 40.000 các chủ rừng đang trực tiếp tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La (gấp từ 2 -3 lần nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho chương trình bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh hàng năm).

Mức chi trả cho công tác bảo vệ rừng tại một số lưu vực cao gấp 3 - 4 lần so với kinh phí khoán bảo vệ rừng từ ngân sách nhà nước và so với các chương trình dự án trước đây, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống người làm nghề rừng; hỗ trợ cho các tổ đội bảo vệ rừng trong tuần tra canh gác bảo vệ rừng.

Ông Vũ Đức Thuận, Bí thư huyện ủy Mường La, tỉnh Sơn La cho rằng: Đây là khoản tiền rất xứng đáng để chủ rừng, người dân, cộng đồng bản có nguồn kinh phí tái tạo, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng cũng như phát triển rừng. Thứ hai đây là nguồn thu để góp phần phát triển kinh tế gia đình cũng như đầu tư các sản phẩm công cộng phục vụ cho hạ tầng kinh tế của cộng đồng bản.

Tín chỉ carbon rừng thêm nguồn lực cho người giữ rừng

Giai đoạn 2021 – 2030, ước tính Việt Nam có thể tham gia trao đổi, thương mại từ 40 đến 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng (sau khi thực hiện nghĩa vụ đóng góp NDC). Thông qua thị trường carbon, với tổng diện tích rừng hơn 14,8 triệu ha, độ che phủ rừng đạt 42,02%, rừng cả nước có thể tạo nguồn thu lớn mỗi năm nếu xuất khẩu thành công, mang lại giá trị rất lớn phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và thu nhập cho người dân sống phụ thuộc vào rừng.

Nguồn tài chính được hưởng lợi từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng giúp người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng, qua đó góp giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng... Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu xã hội hóa nghề rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị, quan điểm lấy rừng để nuôi rừng, thể hiện qua các hoạt động thu dịch vụ môi trường rừng, trong đó có 5 loại dịch vụ môi trường rừng, mà hiện nay chúng ta đã thu được 4 rồi, còn 1 dịch vụ quan trọng là dịch vụ về tín chỉ carbon rừng.

Hiện tại, Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Thông tư 01/2022/TT-BTNMT là những văn bản pháp lý điều chỉnh trực tiếp hoạt động tổ chức và phát triển thị trường carbon. Theo Điều 8, Nghị định 06/2022/NĐ-CP, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là chủ rừng và thực hiện các biện pháp quản lý rừng bền vững, bảo vệ và nâng cao tỷ lệ che phủ, sinh khối và chất lượng rừng để tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính thì được tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế.

Mặt khác, theo Điều 61, Luật Lâm nghiệp, dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh được quy định là một loại dịch vụ môi trường rừng và được chi trả theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

 Tín chỉ carbon rừng thêm nguồn lực cho người giữ rừng

Tín chỉ carbon rừng thêm nguồn lực cho người giữ rừng

Cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được triển khai là một công cụ kinh tế giúp chủ rừng, người dân có thể nhận được các khoản chi trả khi họ cung cấp các loại dịch vụ từ rừng thông qua việc bảo vệ và duy trì chất lượng rừng.

Một minh chứng cụ thể về hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có thể thấy tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Nơi đây từng chứng kiến tình trạng phá rừng làm nương rẫy do áp lực sinh kế của người dân địa phương. Nhưng rồi, một sự thay đổi đáng kể đã xảy ra khi 906 hộ dân tộc Chăm và Ba Na nhận trách nhiệm quản lý và bảo vệ hơn 25.000 ha rừng tự nhiên ở vùng thượng nguồn sông Kỳ Lộ.

Nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nói chung và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nói riêng, không còn cảnh phá rừng, người dân tại xã Phú Mỡ giờ đây đã có thể sống dựa vào nguồn thu nhập ổn định từ việc bảo vệ rừng. Các hoạt động chặt phá rừng trái phép đã giảm đáng kể, thay vào đó là các nỗ lực trồng rừng và bảo vệ rừng lâu dài.

Trong quyết định phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng phê duyệt, ban hành tại Quy định số 895 ngày 24/8/2024 có mục tiêu nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên hiện có. Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm Nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, rừng được quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững theo 3 mục tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường bảo tồn đa dạng sinh học và phục vụ mục tiêu an ninh quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó đảm bảo liên kết theo chuỗi từ trồng rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng.

Tiềm năng tín chỉ carbon rừng là có nhưng không phải cứ có rừng là có tín chỉ carbon, mà còn cần nhiều điều kiện khắt khe, nghiêm ngặt từ đơn vị chứng nhận tín chỉ carbon. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể tạo ra tín chỉ carbon thông qua các hoạt động trồng rừng mới, phục hồi rừng, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên và rừng trồng và áp dụng các phương thức canh tác nông – lâm kết hợp.

Tín chỉ carbon không phải tất cả, mà là giá trị tăng thêm. Bởi vậy, mỗi địa phương, chủ đầu tư cần lựa chọn các biện pháp phù hợp với điều kiện của mình để tối ưu hóa các giá trị của rừng .

Nguyễn Thăng - Quốc Việt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phat-trien-phuc-hoi-dien-tich-trong-rung-dieu-kien-tien-quyet-de-tang-truong-tin-chi-carbon-post397083.html
Zalo