Ðà Lạt: Phá rừng trái pháp luật gia tăng

Mặc dù số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, diện tích rừng bị xâm hại trên địa bàn Đà Lạt đã giảm qua từng năm gần đây, tuy nhiên, trong năm 2024 này đang có dấu hiệu tăng nhanh, nhất là tình trạng phá rừng trái pháp luật.

Trồng cây phân định đất nông, lâm tại Đà Lạt

Trồng cây phân định đất nông, lâm tại Đà Lạt

TĂNG TRÊN 260% DIỆN TÍCH RỪNG BỊ THIỆT HẠI

Theo ngành chức năng Đà Lạt, trong tổng diện tích đất tự nhiên của Đà Lạt 39.439 ha hiện nay có 19.927 ha rừng phòng hộ và 4.404 ha rừng sản xuất. Tính đến cuối năm 2023, độ che phủ rừng của thành phố đạt tỷ lệ 50,92% (đạt thấp hơn kế hoạch 53%).

Trên địa bàn TP Đà Lạt hiện có 6 đơn vị chủ rừng nhà nước, bao gồm Ban Quản lý rừng Lâm Viên, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Nung, Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, Viện Nghiên cứu Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà; ngoài ra còn có Học viện Lục quân được giao hơn 200 ha phục vụ nhiệm vụ quốc phòng.

Hiện nay các đơn vị chủ rừng đã giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích 16.559 ha cho 388 hộ và 3 tổ chức từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Có 92 doanh nghiệp thuê đất lâm nghiệp, thuê rừng để đầu tư dự án với tổng diện tích là 4.623,81 ha, trong đó 58 dự án du lịch sinh thái với diện tích 2.456,74 ha; có 2 dự án nuôi cá nước lạnh với 8,98 ha; có 3 dự án nông lâm kết hợp với diện tích 268,16 ha; 4 dự án trồng rừng và quản lý, bảo vệ rừng với diện tích 245,41 ha; 24 dự án mục đích khác với diện tích 1.644,52 ha.

Tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 03, ngày 10/12/2021 của Thành ủy Đà Lạt về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn TP Đà Lạt giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tổ chức giữa tháng 11 vừa qua, ngành chức năng Đà Lạt cho biết các vụ phá rừng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn Đà Lạt tăng nhanh trong năm 2024.

Cụ thể, tính đến ngày 11/11/2024, thành phố đã có 35 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, khối lượng lâm sản thiệt hại 74,02 m3, diện tích rừng thiệt hại 3.920 m2; so với cùng kỳ năm 2023, số vụ vi phạm tăng 16 vụ (tăng 84%), khối lượng lâm sản thiệt hại tăng 62,126 m3 (tăng 430%) diện tích rừng bị thiệt hại tăng 2.840 m2 (tăng 263%.).

Trước đó, trong năm 2023, Đà Lạt có 21 vụ vi phạm được phát hiện, xử lý, thiệt hại chỉ 0,01 ha rừng và 17,4 m3 gỗ tròn. Con số này so với năm 2022 giảm 7 vụ, tỷ lệ giảm 25%; diện tích rừng thiệt hại giảm 1,266 ha, tỷ lệ giảm 91%; khối lượng gỗ tròn thiệt hại giảm 164,480 m3, tỷ lệ giảm 90%.

Vì đâu, các vụ phá rừng tăng nhanh trong năm 2024? Ngành chức năng Đà Lạt chỉ ra rằng, đó là việc một số cán bộ, công chức chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; một số cán bộ tiểu khu, kiểm lâm còn lơ là trong theo dõi diễn biến rừng; việc ký cam kết không lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng còn chậm, chưa đạt hiệu quả theo yêu cầu đề ra.

Cùng đó, tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm, san gạt đất lâm nghiệp trái pháp luật có giảm nhưng số vụ chưa phát hiện đối tượng vi phạm còn nhiều, nhất là các hành vi phá rừng, khai thác rừng trái phép, ken cây, khoan đổ hóa chất làm chết cây rừng, một số vụ vi phạm còn chậm phát hiện dẫn đến ngăn chặn, xử lý kém hiệu quả. Tình trạng sử dụng xe cơ giới san ủi, cải tạo san gạt các nương rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp phân lô bán nền còn xảy ra nhưng chưa được xử lý triệt để; công tác trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh để nâng cao độ che phủ của rừng chưa được các đơn vị chủ rừng quan tâm đúng mức.

Cũng theo ngành chức năng, mặc dù đa số các vụ việc vi phạm được phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời nhưng số vụ vi phạm còn xảy ra nhiều, đặc biệt do đối tượng vi phạm chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn, thiếu đất canh tác, khai thác gỗ để dựng nhà, chòi trại; một số đối tượng là dân di cư tự do; các hộ dân đã canh tác trong rừng lấn chiếm mở rộng vườn rẫy.

Một số đơn vị, doanh nghiệp được thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án đã được phê duyệt nhưng triển khai chậm, không triển khai hoặc triển khai không đảm bảo tiến độ; một số dự án chưa xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng, chưa bố trí đủ lực lượng thường trực, đảm bảo về số lượng, chất lượng cũng như thiếu trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; chủ dự án chưa phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong quản lý, bảo vệ rừng.

PHẤN ĐẤU GIẢM SỐ VỤ VI PHẠM

Mục tiêu của Đà Lạt trong thời gian đến là bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có, đưa đất lâm nghiệp vào sử dụng đúng mục đích, phát triển và sử dụng rừng bền vững, từng bước nâng cao chất lượng rừng, tăng độ che phủ hàng năm.

Trước mắt, ngành chức năng thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời, phấn đấu giảm 10-15% về số vụ vi phạm, 15-20% mức độ thiệt hại về diện tích rừng bị phá, khối lượng lâm sản bị thiệt hại, diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm năm sau giảm dần so với năm trước.

Thành phố sẽ thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp trong kiểm tra, lập hồ sơ, kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm, san ủi đất lâm nghiệp.

Nhiều giải pháp đã được Đà Lạt đưa ra trong dịp này, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị từ thành phố đến các phường, xã. Cần xác định nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải được quan tâm, chú trọng thực hiện thường xuyên; đồng bộ các biện pháp, giải pháp để công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đạt hiệu quả cao hơn, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và khí hậu đặc trưng của TP Đà Lạt.

Đà Lạt cũng cho biết sẽ kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp kéo dài do thiếu sự tuần tra, kiểm tra dẫn đến chậm phát hiện, xử lý hoặc xử lý thiếu kiên quyết, triệt để.

Thành phố cũng tiếp tục vận động các hộ dân đang sinh sống và sản xuất nông nghiệp trong rừng và ven rừng ký cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất rừng, đất lâm nghiệp trái phép; tăng cường kiểm tra ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, lấn chiếm đất rừng và đất lâm nghiệp trái phép, đặc biệt đối với các vụ việc nổi cộm về phá rừng, khai thác rừng trái phép, tình trạng tái lấn chiếm đất lâm nghiệp sau cưỡng chế, giải tỏa; thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm tra rừng để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, triệt để nhằm từng bước kiểm soát, giảm số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại đối với rừng.

Đà Lạt cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị chủ rừng, các dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; kiểm tra công tác giao khoán bảo vệ rừng, nghiệm thu giao khoán bảo vệ rừng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng; kiểm tra, giám sát các đơn vị chủ rừng thực hiện tốt công tác lâm sinh trồng rừng, chăm sóc rừng theo kế hoạch đã được phê duyệt; kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án liên quan đến đất rừng và đất lâm nghiệp, công tác quản lý, bảo vệ rừng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư được giao, cho thuê rừng, đề xuất UBND tỉnh và cơ quan chức năng xử lý đối với những đơn vị vi phạm các quy định trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, để xảy ra vi phạm trên diện tích được giao, cho thuê hoặc không chấp hành các thủ tục, quy định của nhà nước về thuê đất, thuê rừng.

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202411/a-lat-pha-rung-trai-phap-luat-gia-tang-69a1ec8/
Zalo