Đối thoại cùng nông dân, hướng tới mục tiêu NetZero

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn 'Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói' với chủ đề: 'Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn'.

Ảnh minh họa: Đức Quang.

Ảnh minh họa: Đức Quang.

Diễn đàn còn có sự tham dự trực tiếp của hơn 200 nông dân tiêu biểu từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Diễn đàn cũng sẽ được kết nối đến hơn 10.000 điểm cầu là Hội Nông dân các cấp tỉnh, huyện, xã cả nước nhằm tuyên truyền, lan tỏa tới đông đảo cán bộ, hội viên nông dân cả nước.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Diễn đàn lần này là dịp để lắng nghe các đại biểu nông dân, hợp tác xã tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… phản ánh, đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thi hành Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua; việc quản lý, điều hành, thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, về các giải pháp hướng tới mục tiêu NetZero…

Tại Diễn đàn, đã có trên 1.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất, nguyện vọng được gửi đến Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TNMT Đỗ Đức Duy tập trung vào một số vấn đề về cơ chế, chính sách thi hành Luật Đất đai; cơ chế, chính sách về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; các vấn đề về cơ chế chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, mục tiêu giảm phát thải ròng, hấp thụ carbon; các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TNMT Đỗ Đức Duy khẳng định, khu vực nông thôn Việt Nam với hơn 62 triệu người dân đang sinh sống, giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Hội Nông dân Việt Nam đã hình thành tổ chức hội các cấp xuyên suốt từ trung ương đến địa phương với số lượng hội viên đông đảo.

Đánh giá cao hơn 20 nhóm câu hỏi, ý kiến phản ánh với tinh thần thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm cao của cán bộ hội nông dân, các hội viên nông dân xuất sắc, các hợp tác xã tiêu biểu, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp... Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, Diễn đàn đã thảo luận liên quan tới các giải pháp, chính sách khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển bền vững; các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan mật thiết đến nông nghiệp, nông thôn, trong đó có thời hạn cho thuê đất; gia hạn thời gian sử dụng đất, mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; phương thức thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, giúp tạo ra sự minh bạch trong tiếp cận đất đai theo cơ chế thị trường; chính sách hỗ trợ bằng hình thức đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm việc làm cho người có đất thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ.

Tiếp cận đất đai, thuê đất, chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tổ chức kinh tế là người sử dụng đất (gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh); chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo cho người sử dụng đất nông nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai. Cơ chế, chính sách giao khu vực biển, xác định ranh giới, diện tích khu vực biển cho sản xuất ngư nghiệp.

Về các cơ chế, chính sách, giải pháp về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn để thực hiện cam kết của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, Diễn đàn thảo luận các nội dung tiếp cận toàn dân để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi, trong đó tập trung quản lý thông qua quy hoạch vùng chăn nuôi, gắn với quy hoạch bảo vệ môi trường; phát triển các mô hình chăn nuôi - trồng trọt - nuôi trồng thủy sản phát thải thấp; tăng cường tiếp cận, phổ biến, áp dụng các mô hình, giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, chất thải chăn nuôi…

Để giải quyết các kiến nghị của nông dân, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã nêu 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để các đơn vị của Bộ thực hiện. Trong đó, nhấn mạnh đến việc chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp hội nông dân, hợp tác xã tích cực quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhận thức và hành động của toàn xã hội nói chung.

Bên cạnh đó tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực thi có hiệu quả hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó tập trung triển khai đầy đủ, toàn diện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Tài nguyên nước năm 2023, Luật Đất đai năm 2024, Luật TNMT biển và hải đảo và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đẩy mạnh chuyển đổi xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn; tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, các nguy cơ suy giảm, cạn kiệt tài nguyên và đa dạng sinh học. Đặc biệt, thúc đẩy phát triển, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; đề xuất chính sách thu hút các dự án đầu tư sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên trong nông nghiệp. Thường xuyên cập nhật, hướng dẫn người dân, cộng đồng các kế hoạch, phương án phòng ngừa thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu ở những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ quét, sạt lở đất, địa bàn trung du, miền núi. Thực hiện các giải pháp tổng thể về phòng, chống xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún vùng ĐBSCL; chủ động quy hoạch, di dời, tái định cư cho người dân ở các khu vực có nguy cơ rủi ro thiên tai cao.

Tối ưu hóa việc đưa các diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng trong thực tế; kiểm soát chặt hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát sỏi lòng sông, ven biển. Tập trung nguồn lực giải quyết hiệu quả các vấn đề môi trường nông thôn, đặc biệt là xử lý nước thải làng nghề…

Ông Hoàng Văn Thức.

Tại Diễn đàn, ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TNMT) cho biết, hiện công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và có thể chia thành các nhóm rác tái chế, rác hữu cơ, nhóm khác.

Trong đó khuyến khích địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa không có điều kiện thu gom... chúng ta có thể hướng dẫn thu gom, tái chế rác hữu cơ tại gia đình. Đối với khu đô thị thì cần tập trung thu gom, phân loại, khu nào có khu thu gom sẽ hướng dẫn gia đình thu gom và phân loại xử lý ngay.

Trong các mùa vụ thu hoạch lúa, nông dân tại các tỉnh hay đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường, Cục đã phối hợp với các địa phương nghiên cứu và có phương án thu gom để đầu tư vào xử lý thành tài nguyên phục vụ sản xuất các sản phẩm khác rất hiệu quả. Hiện nay nhiều tỉnh có mô hình xử lý chất thải rắn rất hiệu quả. Đơn cử như Hải Phòng có công nghệ xử lý chất thải rắn như cành cây rất hay, cần nhân rộng ra các địa phương khác cùng áp dụng.

K.lê - k.Huệ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doi-thoai-cung-nong-dan-huong-toi-muc-tieu-netzero-10295180.html
Zalo