Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn
Ngành công nghiệp bán dẫn trong nước cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện đáp ứng chưa tới 20%.
Ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn không chỉ là yêu cầu cấp thiết để bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu, mà còn là bước đi chiến lược nhằm xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.

GS Deng Wen Ling, Tham tán khoa học và công nghệ, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo
Tại hội thảo "Phát triển nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam và toàn cầu thông qua liên kết giáo dục và doanh nghiệp" ngày 19-4 tại Hà Nội, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ tập đoàn FPT, nhận định Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong cuộc cách mạng bán dẫn toàn cầu, nhưng thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh ngành bán dẫn toàn cầu dự kiến đạt quy mô 1.000 tỉ USD vào năm 2030, Việt Nam cần đào tạo 50.000–100.000 kỹ sư để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, khẳng định Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Chính phủ đã ban hành hai quyết định chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Ông Thịnh nhấn mạnh đây là thời điểm vàng để sinh viên định hướng nghề nghiệp theo ngành bán dẫn. Mức lương hấp dẫn và triển vọng nghề nghiệp bền vững đang mở ra cơ hội lớn cho người trẻ. Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia gửi gắm thông điệp: "Đi để trở về", khuyến khích sinh viên tích lũy kinh nghiệm quốc tế để quay về góp phần xây dựng nền công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam.

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, khẳng định Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng nhấn mạnh vai trò thiết yếu của mối liên kết giữa trường đại học – doanh nghiệp – chính phủ trong phát triển nhân lực ngành bán dẫn. Các diễn giả đồng thuận rằng Việt Nam cần những chương trình đào tạo thực tiễn, gắn kết với trung tâm công nghệ lớn như Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Hàn Quốc để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển.
GS Deng Wen Ling, Tham tán khoa học và công nghệ, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm từ Đài Loan (Trung Quốc), nơi chiếm 80 – 90% sản lượng chip toàn cầu. Mô hình hợp tác nhà trường – doanh nghiệp tại Đài Loan (Trung Quốc), kết hợp với các sáng kiến như Taiwan Rain Challenge và Televon Vision 130, đang mở đường cho Việt Nam tham khảo và tiếp cận công nghệ lõi.
Theo GS Deng Wen Ling, Đài Loan (Trung Quốc) đang ưu tiên mạnh mẽ ngành bán dẫn thông qua các học bổng quốc tế và chương trình hợp tác. Bà nhấn mạnh đây là ngành phức tạp nhưng giàu tiềm năng, mở ra cơ hội lớn cả trong kỹ thuật, tài chính và kinh doanh.
Ông Vũ Anh Tú nhấn mạnh để Việt Nam làm chủ công nghệ, điều kiện tiên quyết là làm chủ được ngành bán dẫn, đồng thời khuyến khích sinh viên lựa chọn các ngành học chiến lược như vi mạch, tự động hóa, vật liệu bán dẫn. Ông cũng khẳng định tầm quan trọng của mô hình đào tạo gắn với thực tế doanh nghiệp nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thị trường lao động.
Tại sự kiện, các chuyên gia cũng đem tới nhiều thông tin hữu ích về học bổng cũng như chương trình hợp tác đào tạo quốc tế giữa Asia University, Đài Loan và Trường Đại học FPT. Asia University Vietnam là chương trình đào tạo cử nhân ngành Công nghệ bán dẫn theo mô hình 2+2 (2 năm tại Việt Nam, 2 năm tại Đài Loan (Trung Quốc)), với định hướng đào tạo công dân toàn cầu.
Theo TS Jenho Peter Ou, đại diện Asia University Đài Loan (Trung Quốc) cho biết sinh viên sẽ học tại thành phố Taichung - trung tâm công nghệ gần TSMC, MediaTek và các viện nghiên cứu hàng đầu.
Trong bối cảnh áp lực của sự thiếu hụt nhân lực trên toàn cầu gia tăng trong khi trình độ kỹ sư Việt Nam ngày được cải tiến, các kỹ sư của Việt Nam đang được các công ty ở Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản hay Hàn Quốc… săn đón cho các vị trí công việc dài hạn.
Những năm gần đây, số lượng kỹ sư từ Việt Nam ra nước ngoài làm việc cho các công ty nằm trong top 15 các công ty vi mạch bán dẫn lớn nhất toàn cầu, gia tăng đáng kể.