Phát triển mạnh các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

Theo UBND tỉnh Bến Tre, địa phương tập trung nhiều giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành tôm trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín và khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Bến Tre. Ảnh tư liệu: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Bến Tre. Ảnh tư liệu: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Tỉnh xác định, khoa học công nghệ là nền tảng của quá trình phát triển và là khâu đột phá để nâng cao năng suất, sản lượng cũng như giá trị ngành tôm.

Tỉnh chủ trương phát triển ngành tôm theo hướng hợp tác liên kết chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ, gắn với xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả tối ưu cho sản phẩm thủy sản.

Đăc biệt, Bến Tre hình thành và phát triển mạnh các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao nâng cao giá trị gia tăng với đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi, an sinh xã hội. Mặt khác, tỉnh chú trọng đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giảm giá thành sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội, tỉnh định hướng phát triển nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh ở những khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Đồng thời, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện đồng bộ để sản xuất tạo khối lượng sản phẩm lớn, tập trung cung cấp cho chế biến xuất khẩu và tiêu thụ trong nước gắn với truy xuất nguồn gốc; cải tiến quy trình nuôi tôm quảng canh, tôm rừng tôm lúa theo hướng sinh thái, hữu cơ trong vùng quy hoạch để nâng cao năng suất vừa tạo sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao, vừa bảo vệ môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, Bến Tre phát triển ngành tôm gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm tôm theo từng đối tượng phương thức nuôi. Tỉnh đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và theo thứ tự ưu tiên để đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn; đa dạng hóa hình thức đầu tư và thu hút nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế đặc biệt là doanh nghiệp vào phát triển ngành tôm.

Để đạt mục tiêu đề ra, Bến Tre khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất dựa trên các hộ, cơ sở nuôi phân tán, nhỏ lẻ hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, với mục tiêu mỗi huyện thành lập 1 hợp tác xã nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao đạt 100 tỷ đồng trên mỗi hợp tác xã.

Tỉnh tập trung nguồn lực để phát triển sản xuất 3 vùng tập trung, gồm 100 ha tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, 300 ha tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại và 100 ha tại xã Giao Thạnh, Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Tỉnh vận động, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, biện pháp quản lý tiên tiến, thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi tập trung; thay thế dần từ sử dụng hóa chất sang chế phẩm sinh học; hạn chế đi đến không sử dụng thuốc, kháng sinh trong nuôi tôm nước lợ.

Cùng đó, tỉnh đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm nước lợ tập trung; ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ kênh thống cấp, thoát đối với các vùng nuôi tập trung tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Ông Nguyễn Văn Buội cho hay, Bến Tre là tỉnh đứng thứ 5 về phát triển nuôi tôm nước lợ của cả nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, với diện tích nuôi trồng thủy sản tiềm năng 50.000 ha và đã khai thác được diện tích nuôi thủy sản khoảng 47.800 ha; trong đó nuôi tôm nước lợ đạt 36.000 ha.

Theo nhu cầu phát triển, người nuôi đã chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt, truy xuất nguồn gốc, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; có sự liên kết, hợp tác giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; sản phẩm tôm xuất khẩu đảm bảo chất lượng và có tính cạnh tranh, tạo dựng được uy tín trên thị trường thế giới.

Một trong những cột mốc đánh dấu sự phát triển về loại hình nuôi tôm nước lợ đó là sự chuyển đổi nhanh từ hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Với diện tích ban đầu từ 550 ha và năm 2018, đến cuối năm 2024 toàn tỉnh đạt 3.610 ha, năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha mặt nước.

Lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu/vụ nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sản lượng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 90.250 tấn, chiếm trên 58% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh.

Ưu điểm của mô hình này là đầu tư kín, cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, nuôi mật độ cao, quản lý tốt được thức ăn và môi trường, nâng cao tỷ lệ sống, nuôi tôm lên cỡ lớn, tạo điều kiện tăng năng suất sản lượng trên một đơn vị diện tích và đặc biệt là thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi.

Ông Lê Văn Sấm, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cho biết, sau hơn 5 năm chuyển sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao, hiệu quả kinh tế gia đình rất tốt. Đến nay, gia đình phát triển tổng diện tích nuôi tôm công nghệ cao đạt 45 ha. Với diện tích trên, mỗi năm thu hoạch khoảng 500 - 700 tấn tôm nguyên liệu, lợi nhuận khoảng 40 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hoạt động sản xuất con giống trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao về chất lượng. Đến nay, tỉnh có 56 trại sản xuất ương dưỡng giống tôm với tổng công suất thiết kế ước tính khoảng 6 tỷ con giống/năm; trong đó, có 3 trại sản xuất giống quy mô lớn như Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Việt Úc Bến Tre, Công ty TNHH Toàn Cầu.

Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ chứng nhận BAP, ASC với diện tích 136 ha đối với nuôi tôm thâm canh, ứng dụng công nghệ cao và kết nối tiêu thụ với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu (Chuỗi cung ứng thủy sản Minh Phú và Công ty TNHH chế biến thủy sản Việt Hải).

Thời gian qua, cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tôm nước lợ của tỉnh dần được hoàn chỉnh tại các vùng nuôi tập trung. Hiện tỉnh đang triển khai 3 dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản huyện Bình Đại, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao huyện Bình Đại, dự án hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao huyện Ba Tri với tổng mức đầu tư 327 tỷ đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, ước đến cuối năm 2024, tổng sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh đạt 329.000 tấn. Năng suất mô hình nuôi ngày càng được cải thiện và nâng cao; trong đó, tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt 10 - 12 tấn/ha/vụ; tôm sú thâm canh 6 - 8 tấn/ha/vụ, tôm công nghệ cao 60 - 80 tấn/ha, nuôi tôm quảng canh, tôm lúa từ 150 - 200 kg/ha/năm.

Công Trí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/phat-trien-manh-cac-vung-nuoi-tom-ung-dung-cong-nghe-cao-20241216160347884.htm
Zalo