Phát triển kinh tế xanh từ rừng
Thái Nguyên là địa phương có diện tích rừng lớn, độ che phủ rừng cao, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế rừng. Đây cũng là hướng đi phù hợp, không chỉ giúp người dân trên địa bàn tỉnh nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn tạo lập nền kinh tế xanh bền vững, thân thiện với môi trường.
Rừng xanh no ấm
Đến xã Động Đạt (Phú Lương), chúng tôi được thỏa mắt ngắm nhìn những rừng keo, đồi măng Lục Trúc xanh mướt. Dẫn chúng tôi đi thăm khu sản xuất của đơn vị, ông Bùi Đức Cường, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Phú Lương, chia sẻ: HTX xã có 12 thành viên, liên kết với 40 hộ dân trồng 40ha măng Lục Trúc và hàng trăm héc-ta keo lai. Với giá bán 80 nghìn đồng/kg, 1ha măng Lục Trúc cho thu lãi 150 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Điều phấn khởi là măng Lục Trúc của đơn vị đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 14,6ha măng Lục Trúc được công nhận chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Anh Nguyễn Đức Tú, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương, cho biết: Là địa phương có tiềm năng phát triển sản xuất lâm nghiệp, thời gian qua, một số hộ dân, HTX đã trồng rừng theo dự án phát triển lâm nghiệp bền vững, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn. Năm 2024, trên địa bàn huyện có hơn 7.900ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Không chỉ Phú Lương, hiện nay, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đã chú trọng phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững. Để hỗ trợ các hộ dân, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy tối đa giá trị kinh tế rừng. Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã tập trung tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, có hơn 20.600ha rừng được khoán bảo vệ cho các tổ chức, gia đình, cá nhân với kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân miền núi gắn bó với rừng.
Ngoài ra, toàn tỉnh có 61 cộng đồng dân cư vùng đệm các khu rừng đặc dụng được hỗ trợ với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, bản/năm. Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực phát triển sản xuất, hỗ trợ vật liệu xây dựng cho thôn, bản.
Đa dụng hệ sinh thái rừng
Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2030, nhằm thực hiện có hiệu quả phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, đối với lĩnh vực lâm nghiệp, tỉnh phấn đấu duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức từ 46% trở lên. Với diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp là 172.000ha, tỉnh đã đẩy mạnh công tác phát triển rừng để hình thành các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung; ưu tiên phát triển rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn hơn 15.600ha, đạt 279,1% kế hoạch; diện tích được cấp chứng chỉ rừng FSC lũy kế trên 11.360ha, đạt 811,9% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh cũng khuyến khích phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến sản phẩm hàng hóa thương mại gắn kết với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo chuỗi giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường trong nước, quốc tế; đa dạng hóa sản phẩm.
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 20 công ty, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu một số mặt hàng lâm sản của tỉnh ra thị trường thế giới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... chủ yếu là ván ép, sản phẩm thô, nguyên liệu trung gian, sơ chế theo phương pháp thủ công truyền thống.
Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên bắt đầu chú trọng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng từ rừng. Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh và Vườn quốc gia Tam Đảo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Theo đó, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức công khai Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, giai đoạn 2022-2030. Dự kiến năm 2025, Ban sẽ lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo phương thức cho thuê môi trường rừng phù hợp với Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được UBND tỉnh phê duyệt.
Còn đối với Vườn quốc gia Tam Đảo, năm 2024, đơn vị đã tổ chức khai thác tuyến đi bộ tham quan cảnh rừng tự nhiên là tuyến suối Kẹm, xã La Bằng, Đại Từ, với số lượng khách du lịch khoảng 8.500 người, doanh thu đạt 122,5 triệu đồng, chủ yếu thu từ bán vé cho các đoàn học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập và nghiên cứu tại Vườn.
Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, cho biết: Phát huy giá trị đa dụng của rừng, thời gian tới, ngành Kiểm lâm tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của rừng để phát triển du lịch sinh thái. Cùng với đó là thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; điều tra diện tích, trữ lượng rừng, trữ lượng các-bon rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, góp phần phát triển kinh tế xanh bền vững.
Năm 2024, toàn tỉnh duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 46%; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 735 tỷ đồng, đạt 100,68% kế hoạch. Một số chỉ tiêu đã hoàn thành vượt mức kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đề ra như: Phát triển rừng gỗ lớn đạt 279% kế hoạch, Đề án trồng một tỷ cây xanh đạt 174% kế hoạch, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt gần 812% kế hoạch…