Khát khao tăng 'vị ngọt' trái dừa Việt

Ngày xưa, cây dừa được trồng làm bờ kè chống xói lở hai bên bờ sông, kênh rạch. Nay, dừa đã trở thành cây công nghiệp chủ lực quốc gia, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu và góp phần ổn định đời sống người nông dân. Có thể nói, tại xứ xở dừa này, gần như tất cả mọi sản phẩm có nguồn gốc từ dừa đều có giá trị...

Đặc biệt, năm 2024, câu chuyện xuất khẩu dừa một lần nữa khẳng định giá trị và tiềm năng kinh tế của trái ngọt đặc trưng tại các tỉnh miền Tây này.

Đó là chia sẻ của ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam với VnBusiness. Đây cũng là niềm vui, niềm tự hào của những người con sinh ra và lớn lên và gắn bó cùng hình ảnh của cây dừa, tại vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long.

Trái ngọt quý giá, là “của để dành”

Là người con sinh ra và lớn lên tại tỉnh Bến Tre, chứng kiến nhiều dấu mốc thăng trầm của cây dừa, để rồi ngày hôm nay nhìn lại, ông Khoa cũng như nhiều người con xứ dừa khác không thể giấu được những cảm xúc vui mừng, bởi nếu như trước đây là tình trạng bỏ hoang vườn dừa, hoặc bán không có người mua, thì ngày hôm nay, người trồng dừa trông ngóng từng ngày để được hái bán.

Theo lời kể của ông Khoa, để đảm bảo cho trái dừa vừa đủ độ ngon ngọt, trung bình cứ 21 - 25 ngày, mỗi cây dừa có thể cho hái một lần.

“Mỗi buồng dừa cho từ 10 - 15 quả, tính ra người trồng dừa có thể thu về khoảng 90 - 100 nghìn/lần thu hoạch/cây, thậm chí hơn. Nếu một nhà vườn có hàng trăm gốc dừa, và nếu bà con chăm sóc tốt có thể thu về cả chục triệu đồng mỗi lần hái. Đây thực sự là "của để dành" giá trị với người dân xứ dừa” – ông Khoa bày tỏ.

Diện tích trồng dừa của Việt Nam tính đến nay đạt khoảng 191.000 ha.

Diện tích trồng dừa của Việt Nam tính đến nay đạt khoảng 191.000 ha.

Cũng nhờ giá trị của cây dừa đã giúp tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động, trong đó có những người thợ chuyên đi thu hái dừa thuê. Nhiều người dân ở các vùng sâu, vùng xa như Châu Đốc, Long Xuyên, Chợ Mới (An Giang), Bạc Liêu, Sóc Trăng,... chuyên làm công việc hái dừa. Họ làm không hết việc, với thu nhập khá cao từ 500 – 700 nghìn đồng/ngày.

Với những thương lái thu mua dừa, từng trải qua biết bao thăng trầm, thậm chí muốn bỏ nghề vì thua lỗ và không có đầu ra, từ 2 – 3 năm trở lại đây, khi trái dừa được xuất khẩu và tăng giá mỗi ngày giúp họ có thu nhập cao và thực sự được “sống với nghề”.

Ngoài ra, bên cạnh việc thu hái dừa tươi xuất khẩu, từ lâu, tại các địa phương đã có rất nhiều cơ sở chế biến sản phẩm từ dừa. Tính đến nay đã có đến trên 100 sản phẩm xuất khẩu từ dừa: Thạch dừa, nước dừa, mặt nạ dừa, dầu dừa, kẹo dừa, than dừa, hàng thủ công mỹ nghề từ dừa… Các doanh nghiệp chế biến… đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

Đặc biệt, tại xứ xở dừa này, gần như tất cả mọi sản phẩm có nguồn gốc từ dừa đều có thể trở nên giá trị hơn thông qua bàn tay của những nghệ nhân. Trái dừa khô sau khi lấy nước cô đặc làm dầu, cơm dừa được sơ chế thành nguyên liệu cho nhiều mặt hàng khác. Thứ còn lại là gáo dừa và sơ dừa cũng không phải là “rác” bỏ đi. Bến Tre có đến hàng chục doanh nghiệp thu mua gáo dừa, chỉ sơ dừa. “Gáo dừa cái nào đẹp thì chuyển cho các làng nghề. Còn xấu quá bán cho các doanh nghiệp thu mua về để làm than hoạt tính. Sơ dừa bán cho các doanh nghiệp sơ chế chỉ sơ dừa xuất khẩu” – ông Khoa giải thích.

Việt Nam có diện tích và sản lượng dừa đứng thứ 6 thế giới, năng suất đứng hạng 3 và giá trị kim ngạch xuất khẩu đứng hạng 4.

Việt Nam có diện tích và sản lượng dừa đứng thứ 6 thế giới, năng suất đứng hạng 3 và giá trị kim ngạch xuất khẩu đứng hạng 4.

Cũng nhờ giá trị trái dừa Việt được thăng hạng và những dấu mốc xuất khẩu chứa đầy “vị ngọt” trên thị trường quốc tế, câu chuyện của trái dừa đã và đang làm đổi thay về sinh kế, nâng cao đời sống người dân xứ dừa cũng như góp phần mang lại giá trị kinh tế cho toàn vùng.

“Ngày trước, ngoài trồng dừa, người nông dân xoay xở với đủ loại cây trồng, như trồng lúa, trồng điều, trồng mía, cao su,... để đảm bảo cuộc sống. Ngày nay, khi cây dừa đã trở thành loại cây chủ lực, diện tích trồng dừa chỉ chiếm 20 – 30% trên tổng diện tích đất canh tác nhưng đã góp phần nuôi sống cả gia đình” - ông Khoa phân tích.

Vẫn còn nhiều dư địa

Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho hay, với nhiều thông tin khả quan về giá trị cây dừa cộng thêm việc mở cửa cho trái dừa tươi bước vào các thị trường khó tính, ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh các sản phẩm từ dừa đa dạng hơn, cạnh tranh hơn. Theo nghiên cứu năm 2024, giá trị 1ha dừa nguyên liệu có thu nhập bằng 2,7 lần 1ha lúa.

Điều đặc biệt nữa, theo ông Khoa, đó là hiện nay, ngành dừa đang định hình với 4 nhóm doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực.

Hàng trăm sản phẩm được làm ra từ thân dừa, lá dừa, vỏ quả dừa...

Hàng trăm sản phẩm được làm ra từ thân dừa, lá dừa, vỏ quả dừa...

Nhóm 1, doanh nghiệp và sản phẩm ngành thực phẩm, mỹ phẩm và y dược với hơn 45 loại sản phẩm đa dạng, phong phú, hơn 50 doanh nghiệp sản xuất chế biến sâu, đóng góp khoảng 40% vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Nhóm 2, doanh nghiệp và sản phẩm ngành thủ công mỹ nghệ, gỗ và giá thể nông nghiệp với hơn 30 loại sản phẩm đa dạng gồm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gỗ, mụn dừa giá thể, tham gáo dừa, chất xử lý môi trường từ than và các loại máy móc cơ khí sản xuất chuyên ngành dừa. Ở nhóm này, hầu hết doanh nghiệp, cơ sở nhỏ. Chỉ khoảng 15 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trực tiếp, còn lại là doanh nghiệp thương mại không ổn định, đóng góp khoảng 25% vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ dừa.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ dừa.

Nhóm 3, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nguyên liệu như dầu dừa thô, bột béo từ dừa nước, dừa cấp đông, nước cốt dừa cấp đông… Nhóm này hiện có 5 doanh nghiệp trong nước và 14 doanh nghiệp FDI đã tham gia đầu tư và đang hoạt động ngày càng phát triển trong khoảng 3 năm gần đây. Tuy nhiều cách nhìn chưa thực sự đánh giá cao nhóm ngành này, nhưng thực sự đây là nhóm các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu, sản xuất góp phần gia tăng giá trị trái dừa cho bà con nông dân đáng kể nhất, đóng góp khoảng 20% vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Cuối cùng là nhóm doanh nghiệp và sản phẩm sản xuất, kinh doanh dừa tươi, đóng góp khoảng 15% vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Hiện có 16 chủng loại dừa tươi uống nước được trồng ở Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp và thị trường chỉ mới khai thác 5 loại như dừa xiêm lùn, xừa xiêm xanh, dừa éo, dừa dứa và dừa ta uống nước… để xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu cho các loại dừa uống nước nổi tiếng như dừa Tam Quan, Bình Định; dừa Ninh Đa, Khánh Hòa… đây là tiềm năng còn bỏ ngỏ.

Theo ông Khoa, để đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Cơ quan chức năng có các chính sách điều tiết để xuất khẩu dừa luôn ổn định giữ bình ổn giá, không tăng nóng khi khan hiếm và không mất giá khi dư thừa.

Về lâu dài, để ngành dừa Việt Nam phát triển bền vững thì ngoài việc khai thác kinh tế hiệu quả, cây dừa cũng cần có trách nhiệm trả lại môi trường thiên nhiên hữu cơ hoàn toàn không hóa chất, không thuốc bảo vệ thực vật.

“Với lợi thế và tiềm năng trên, ngành dừa Việt Nam còn nhiều dư địa bỏ ngỏ đang chờ đón các nhà đầu tư nước ngoài. Hiệp hội Dừa Việt Nam sẵn sàng là cầu nối mọi thông tin, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào ngành dừa Việt Nam”, ông Cao Bá Đăng Khoa bày tỏ.

Việt Nam có diện tích và sản lượng dừa đứng thứ 6 thế giới, năng suất đứng hạng 3 và giá trị kim ngạch xuất khẩu đứng hạng 4. Diện tích trồng dừa của Việt Nam khoảng 191.000 ha. Vùng ĐBSCL chiếm 88% diện tích dừa cả nước với diện tích khoảng 171 nghìn hecta. Các tỉnh có diện tích trồng dừa lớn là: Bến Tre 78,0 nghìn hecta, Trà Vinh 26,0 nghìn hecta, Tiền Giang trên 21,6 nghìn hecta, Vĩnh Long trên 10 nghìn hecta.

Kim ngạch xuất khẩu ngành dừa đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/khat-khao-tang-vi-ngot-trai-dua-viet-1104301.html
Zalo