Phát triển kinh tế tư nhân tại vùng dân tộc thiểu số: Bứt phá từ vùng trũng
Phát triển kinh tế tư nhân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không chỉ là con đường tăng trưởng kinh tế mà còn là chìa khóa nâng cao đời sống, phát huy nội lực cộng đồng và bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng.
Nghị quyết số 68 ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được xem là bước ngoặt chiến lược, tạo động lực bứt phá cho vùng trũng kinh tế này. Tuy nhiên, để đạt được thành công bền vững, cần sự phối hợp đồng bộ, bền bỉ giữa chính sách trung ương, chính quyền địa phương và cộng đồng.
Thực trạng phát triển kinh tế tư nhân vùng đồng bào DTTS
Theo điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của Tổng cục Thống kê, vùng DTTS có trên 14,1 triệu người, chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước. Phần lớn các hộ DTTS sống ở khu vực nông thôn, chiếm 83,3%, tương đương với gần 3,1 triệu hộ. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm tới 35,5% dân số (bình quân cả nước 10,2%).
Tỷ lệ lực lượng lao động là người DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên chỉ khoảng 10,3% (mức chung của cả nước 23,1%). Đây là hạn chế của lực lượng lao động người DTTS trong việc tiếp cận thị trường lao động và nâng cao năng suất lao động tạo thu nhập.
Toàn vùng đồng bào DTTS có khoảng 44.400 doanh nghiệp. Theo Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2025 của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, kinh tế tư nhân tại khu vực này chỉ chiếm khoảng 25% tổng thu nhập toàn vùng, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình cả nước (khoảng 40%). Số lượng doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm khoảng 15% tổng số doanh nghiệp trên toàn quốc.
Những con số nêu trên phản ánh rõ thực trạng kinh tế vùng DTTS còn nhiều hạn chế, với mức thu nhập và phát triển doanh nghiệp thấp, khó khăn trong tiếp cận thị trường, vốn và công nghệ hiện đại.
Muốn phát triển kinh tế tư nhân vùng DTTS, cần sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách trung ương, vai trò hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể... Đồng thời cũng cần chú trọng bảo vệ quyền lợi người dân.
Chính quyền địa phương là cầu nối quan trọng trong việc tổ chức thực hiện chính sách, hỗ trợ thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn vốn và đào tạo kỹ năng cho doanh nghiệp và người dân. Liên ngành đảm bảo kiểm soát rủi ro, bảo vệ quyền lợi cộng đồng và bảo vệ môi trường. Các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tuyên truyền, vận động và đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế.
Lãnh đạo xã Ia Pnôn (Gia Lai) chia sẻ: “Sự phối hợp đồng bộ giữa ủy ban nhân dân xã, hội nông dân và các tổ chức đoàn thể đã giúp bà con DTTS tự tin khởi nghiệp, phát triển kinh tế mà vẫn giữ gìn được văn hóa truyền thống”.

Muốn phát triển kinh tế tư nhân vùng DTTS, cần sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách trung ương, vai trò hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức chính trị - xã hội. Ảnh: Cổng Du lịch Lai Châu
Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân vùng DTTS
Phát triển kinh tế nóng, thiếu kiểm soát có thể gây tổn hại tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống và làm gia tăng xung đột xã hội. Việc bảo vệ quyền lợi đồng bào DTTS, đặc biệt là trong phát triển kinh tế tư nhân, là thách thức không nhỏ.
Doanh nghiệp tư nhân vùng DTTS còn yếu về năng lực quản trị, kỹ năng tiếp cận thị trường và ứng dụng khoa học kỹ thuật, dễ dẫn đến rủi ro, thất bại.
Nguy cơ “bỏ lại phía sau” nhóm dân cư yếu thế, cũng như mất đất đai, tài nguyên do phát triển không bền vững cũng là những vấn đề cần được cảnh báo và kiểm soát chặt chẽ.
Để phát triển kinh tế tư nhân vùng DTTS, nên thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường phối hợp liên ngành, phát huy vai trò chủ đạo của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội trong hỗ trợ doanh nghiệp và đồng bào.
Hai là, mở rộng các chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đào tạo nghề phù hợp đặc thù vùng DTTS.
Ba là, hỗ trợ phát triển mạng lưới doanh nhân DTTS, khuyến khích mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp xã hội.
Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng kinh doanh và tiếp cận thị trường hiện đại cho đồng bào.
Năm là, bảo vệ quyền lợi về đất đai, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển.
Sáu là, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh.
Triển khai Nghị quyết số 68 ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị, phát triển kinh tế tư nhân tại vùng đồng bào DTTS không chỉ là giải pháp kinh tế quan trọng, mà còn là chủ trương lớn mang ý nghĩa chính trị – tư tưởng sâu sắc, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào vào Đảng, phát huy ý chí tự lực, khơi dậy khát vọng vươn lên, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong tiến trình phát triển bền vững.