Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên biển
Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển, đồng thời xác định nhiệm vụ đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang Quách Văn Toàn (ảnh) cho biết: Nghị quyết số 36-NQ/TW đã tạo động lực cho sự phát triển kinh tế biển của Kiên Giang. Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 47-CTr/TU, ngày 21-2-2019 thực hiện nghị quyết, trong đó đề ra nhiều giải pháp để phát huy thế mạnh của các ngành kinh tế biển, tập trung thu hút và triển khai nhiều dự án đầu tư quan trọng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về biển trên các lĩnh vực như du lịch, nuôi biển, đầu tư hạ tầng cảng biển...
Về phát triển du lịch biển, đảo, tỉnh đã phát triển Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc gia và quốc tế với nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi, giải trí như VinWonders, Vinpearl Safari, cáp treo Hòn Thơm… Năm 2024, Kiên Giang đón hơn 9,8 triệu lượt du khách (TP. Phú Quốc gần 6 triệu lượt), trong đó du khách quốc tế hơn 950.000 lượt. Các địa phương như Kiên Lương, TP. Hà Tiên, Kiên Hải cũng đang dần hình thành các dự án du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tạo sinh kế cho người dân.
Theo đề án nuôi biển, Kiên Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển 14.000 lồng nuôi biển, trong đó có 6.600 lồng công nghệ cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp đang được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương thực hiện dự án nuôi biển với tổng diện tích gần 3.000ha; vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng và sản lượng dự kiến đạt hơn 73.000 tấn.
Trong 5 dự án này, có 3 dự án của Công ty Australis Việt Nam, Công ty Nuôi trồng thủy hải sản Phú Quốc và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mavin Nam Du, đầu tư để phát triển nuôi biển theo công nghệ cao. Việc phát triển nuôi biển công nghệ cao giúp giảm áp lực khai thác hải sản gần bờ, góp phần bảo vệ nguồn lợi và tạo điều kiện cho ngư dân chuyển đổi nghề bền vững hơn. Ngoài ra, các mô hình nuôi cá lồng bè trên biển ở các vùng biển Nam Du, Hòn Tre (Kiên Hải) phát triển khá nhanh và đa dạng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho người dân ven biển.
Kinh tế hàng hải tiếp tục có bước phát triển khá. Hệ thống cảng biển được quan tâm quy hoạch, hoàn chỉnh, phát huy hiệu quả. Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc được đầu tư nâng cấp để đón tàu du lịch và tàu hàng lớn, tạo động lực phát triển du lịch, thương mại của tỉnh. Các cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư xây dựng và nâng cấp như cảng cá Tắc Cậu, cảng An Thới… phục vụ tốt hơn hoạt động khai thác và chế biến hải sản. Đặc biệt, Kiên Giang có đội tàu cao tốc lớn nhất cả nước. Những năm qua, vận chuyển hành khách trên các tuyến từ đất liền ra đảo trung bình đạt khoảng 2,6 triệu lượt, tỷ lệ tăng trung bình từ 13 - 15%/năm.
Có thể khẳng định những dự án trên không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao đời sống người dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
- Phóng viên: Theo quy hoạch đến năm 2030, Kiên Giang phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, với tam giác phát triển gồm Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc. Những giải pháp mà tỉnh đang thực hiện để hiện thực hóa mục tiêu này là gì?
- Đồng chí Quách Văn Toàn: Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia vào năm 2030, Kiên Giang được Trung ương giao xây dựng đề án trình Chính phủ phê duyệt với nhiều giải pháp đồng bộ và lộ trình cụ thể với tam giác phát triển Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc. Tỉnh thực hiện lộ trình với nhiều bước đi cụ thể, đặc biệt trong phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển và dịch vụ hậu cần nghề biển.
Tỉnh đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc kết nối Kiên Giang với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long như cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (đang được xúc tiến đầu tư). Đây là các trục huyết mạch giúp giảm thời gian di chuyển, chi phí vận tải hàng hóa và hành khách. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ hiện hữu (quốc lộ 80, 61, 63, N1) và các tuyến đường tỉnh, đường ven biển, đường kết nối đến các cảng biển, khu du lịch, khu công nghiệp, đặc biệt là tuyến đường ven biển kết nối Hà Tiên - Rạch Giá - Châu Thành.

Nuôi cá lồng bè ở xã Thổ Châu (TP. Phú Quốc).
Đối với đường nội địa, tỉnh sẽ đầu tư, nâng cấp các cảng, bến thủy nội địa phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, đặc biệt là các tuyến ra đảo. Đường hàng không thì nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Quốc để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hành khách và hàng hóa, mở thêm các đường bay quốc tế mới. Cùng với đó, tỉnh nghiên cứu, đề xuất nâng cấp Cảng hàng không Rạch Giá để tăng khả năng tiếp nhận các loại máy bay lớn hơn, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển trong khu vực.
Đối với hệ thống cảng biển, Kiên Giang sẽ tập trung phát triển cảng An Thới (TP. Phú Quốc) thành cảng tổng hợp; phát triển cảng Bãi Nò (TP. Hà Tiên) thành cảng tổng hợp, đầu mối cho vùng và giao thương với Campuchia; nâng cấp, mở rộng cảng Rạch Giá. Đồng thời, khuyến khích đầu tư các cảng chuyên dùng phục vụ các khu công nghiệp, nhà máy lớn (xi măng, nhiệt điện...), đảm bảo các tuyến đường bộ, đường thủy kết nối hiệu quả đến các cảng biển.
Để hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản, Kiên Giang chú trọng phát triển các dịch vụ hậu cần nghề biển. Tỉnh sẽ xây dựng và nâng cấp các khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá (Nam Du); quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại tại các cảng cá trọng điểm như Tắc Cậu, An Thới, Hà Tiên, cung cấp đồng bộ các dịch vụ như cung ứng nhiên liệu, nước đá, ngư cụ, sửa chữa tàu, thuyền, thu mua, sơ chế, bảo quản hải sản, thông tin, liên lạc, y tế... Cùng với đó, tỉnh khuyến khích phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần trên biển, cung cấp nhu yếu phẩm, nhiên liệu, thu mua hải sản trực tiếp từ các tàu đánh bắt xa bờ.
- Phóng viên: Việc chuyển đổi nghề nghiệp từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản đang được tỉnh chú trọng nhằm phát triển kinh tế biển bền vững. Vậy tỉnh có chính sách hỗ trợ nào để tạo điều kiện cho ngư dân chuyển đổi nghề, ổn định đời sống, góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu kinh tế biển, thưa đồng chí?
- Đồng chí Quách Văn Toàn: Chuyển đổi nghề từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương xây dựng đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. Trên cơ sở đề án được phê duyệt, Sở tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về việc quy định chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác hải sản sang nghề khác, trọng tâm là hỗ trợ vốn, hỗ trợ lãi suất vay tín dụng, ưu tiên cho thuê đất, thuê mặt nước biển.
Chính phủ đang dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển với công nghệ lồng nuôi hiện đại. Tỉnh đang kiến nghị, đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các tỉnh ven biển kinh phí để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề. Sự đồng bộ các chính sách của Trung ương, của tỉnh sẽ là một trong những giải pháp khả thi cho việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong lĩnh vực thủy sản nói riêng và tái cơ cấu trong kinh tế biển nói chung.
- Phóng viên: Tỉnh đã và đang triển khai những giải pháp nào để vừa thúc đẩy kinh tế biển phát triển nhanh, vừa bảo vệ tốt tài nguyên môi trường biển và ven biển?
- Đồng chí Quách Văn Toàn: Phát triển kinh tế biển bền vững, hài hòa với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu luôn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của tỉnh. Sự phát triển kinh tế biển chỉ có thể bền vững khi dựa trên nền tảng của một môi trường biển và ven biển khỏe mạnh. Để thực hiện mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và Môi trường và các sở, ban, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng như xây dựng quy hoạch sử dụng không gian biển một cách khoa học, phân vùng chức năng rõ ràng cho các hoạt động kinh tế (khai thác, nuôi trồng, du lịch, giao thông, vận tải), khu vực bảo tồn, khu vực phát triển năng lượng tái tạo... Quy hoạch này là cơ sở quan trọng để quản lý và điều phối các hoạt động trên biển, giảm thiểu xung đột lợi ích và tác động tiêu cực đến môi trường.
Song song đó, tỉnh tăng cường thẩm định, đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư ven biển, nhất là các dự án có quy mô lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm; kiên quyết không cấp phép cho các dự án không đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Công tác kiểm soát hoạt động khai thác tài nguyên biển, nhất là tài nguyên khoáng sản biển cũng sẽ được tăng cường. Tỉnh đang tăng cường quản lý, giám sát và thực hiện các chương trình phục hồi các hệ sinh thái quan trọng như rừng ngập mặn, cỏ biển, rạn san hô, tạo môi trường sống cho các loài sinh vật biển và tăng cường khả năng phòng hộ bờ biển. Đồng thời, bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng…
Tôi tin với nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Kiên Giang sẽ đạt được mục tiêu phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững, đồng thời bảo vệ tốt tài nguyên và môi trường biển và ven biển cho các thế hệ mai sau.
- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!