Phát triển du lịch đường thủy: Không thể thiếu vai trò kinh tế tư nhân

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, TS. Trần Hữu Hiệp, du lịch đường thủy đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành sản phẩm chủ lực, gắn với bản sắc sông nước, thúc đẩy kinh tế xanh và tăng cường kết nối cộng đồng. Để làm được điều đó, cần khơi thông các 'dòng chảy chính sách', thúc đẩy liên kết vùng, ngành, doanh nghiệp; phát huy vai trò của kinh tế tư nhân...

Hành trình trải nghiệm đặc sắc

- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển du lịch đường thủy của nước ta?

Ảnh: HN

Ảnh: HN

- Nước ta có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt cùng đường bờ biển dài hơn 3.260km. Khí hậu và thời tiết thuận lợi cho giao thông thủy, sinh kế nghề cá. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch đường thủy, một loại hình du lịch đặc thù, đậm đà bản sắc văn hóa, sinh thái, cộng đồng và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Du lịch đường thủy không chỉ đơn thuần là phương tiện vận chuyển, mà còn là không gian văn hóa, lịch sử, đời sống và cảnh quan. Nếu được khai thác hợp lý, loại hình này có thể tạo nên những hành trình khám phá độc đáo, góp phần làm phong phú hệ sinh thái sản phẩm du lịch quốc gia, đặc biệt trong chiến lược phát triển du lịch xanh và bền vững.

- Một số địa phương đã phát triển loại hình du lịch đường thủy rất thành công, ông ấn tượng với những mô hình nào?

- TP. Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong trong phát triển du lịch đường thủy với các tuyến buýt sông, du thuyền trên sông Sài Gòn kết hợp ẩm thực, ngắm cảnh đêm và biểu diễn nghệ thuật. Các tuyến kết nối từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ, Bến Tre, Tiền Giang đang từng bước mở ra tiềm năng liên kết vùng hiệu quả.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ nổi bật với chợ nổi Cái Răng, cồn Sơn - nơi phát triển mô hình du lịch cộng đồng ven sông gắn với trải nghiệm ẩm thực, nông nghiệp và đờn ca tài tử. Các địa phương như Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre cũng đã tổ chức nhiều tour khám phá sông nước, thăm cồn, làng nghề truyền thống và vườn cây ăn trái.

Ở miền Trung, Hội An là điểm sáng với các tour du lịch trên sông Thu Bồn kết hợp tham quan phố cổ, ngắm đèn lồng và thưởng thức ẩm thực đặc sắc, tạo nên thương hiệu riêng biệt. Còn tại miền Bắc, Hà Nội đang từng bước phát triển du lịch sông Hồng, kết nối các làng cổ, đình chùa ven sông, hình thành không gian khám phá di sản đặc trưng của vùng đất nghìn năm văn hiến.

- Tuy vậy, du lịch đường thủy vẫn được đánh giá phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Theo ông, đâu là những nguyên nhân “kìm hãm” loại hình du lịch này?

- Có nhiều nguyên nhân khiến du lịch đường sông chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Trước hết là sự thiếu hụt về quy hoạch tổng thể và thiếu phối hợp liên vùng. Nhiều địa phương triển khai hoạt động riêng lẻ, dẫn đến việc đứt gãy tuyến hành trình, không tạo được chuỗi sản phẩm liên kết đồng bộ. Hạ tầng bến tàu, cảng du lịch còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn phục vụ du khách, nhất là khách quốc tế. Các dịch vụ hỗ trợ như trung tâm đón khách, nhà chờ, trạm thông tin, điểm dừng chân… chưa được đầu tư đồng bộ. Trong khi đó, các sản phẩm tour du lịch chủ yếu đơn tuyến, thiếu tính sáng tạo và chiều sâu trải nghiệm.

Ngoài ra, thể chế quản lý còn chồng chéo giữa các ngành như giao thông thủy, du lịch, bảo vệ môi trường, văn hóa... khiến doanh nghiệp gặp nhiều rào cản trong việc triển khai sản phẩm mới. Tính liên thông giữa các cấp, các ngành và các địa phương vẫn là điểm nghẽn cần được tháo gỡ.

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển loại du lịch bằng đường thủy. Nguồn: ITN

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển loại du lịch bằng đường thủy. Nguồn: ITN

Cần xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển du lịch đường thủy

- Kinh nghiệm phát triển du lịch đường thủy của các nước như thế nào, thưa ông?

- Thái Lan là một điển hình gần gũi. Sông Chao Phraya đã trở thành trục du lịch chính của Bangkok, nhờ được đầu tư bài bản cả về hạ tầng, dịch vụ và văn hóa. Quốc gia này tổ chức các lễ hội nước, phát triển du thuyền đêm, tour tham quan chợ nổi, kết hợp ghé thăm hoàng cung và chùa cổ, vừa phục vụ khách du lịch, vừa tôn vinh bản sắc văn hóa Thái.

Pháp biến sông Seine và sông Loire thành “sân khấu du lịch” với các loại hình du thuyền nghệ thuật, trình diễn rượu vang, âm nhạc cổ điển, kết nối các di tích và khu phố cổ ven sông. Trong khi đó, Trung Quốc tích hợp phát triển du lịch đường thủy với phát triển đô thị, thương mại và sinh thái ven sông, như ở sông Dương Tử hay khu vực Tây Hồ tại Hàng Châu - tất cả đều được triển khai bài bản và chuyên nghiệp.

Những kinh nghiệm này cho thấy, để phát triển du lịch đường thủy hiệu quả, cần có tư duy hệ thống, đầu tư hạ tầng đồng bộ, sáng tạo sản phẩm, hoàn thiện chính sách và đặt con người làm trung tâm. Việt Nam có tiềm năng không thua kém. Vấn đề còn lại là quyết tâm chính trị và hành động cụ thể, dứt khoát hơn từ Trung ương đến địa phương.

- Cụ thể, Việt Nam cần làm gì để phát triển hiệu quả du lịch đường thủy?

- Trước hết, cần xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển du lịch đường thủy, xác định rõ các hành lang ưu tiên như: hành lang du lịch sông Hồng ở phía Bắc, hành lang sông Sài Gòn - Đồng Nai ở phía Nam, và đặc biệt là hành lang du lịch sông Tiền - sông Hậu - Mekong tại đồng bằng sông Cửu Long. Chiến lược này phải gắn liền với quy hoạch hạ tầng, bảo vệ môi trường, phát triển sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời cần tích hợp với định hướng phát triển của các tỉnh sau khi sắp xếp, sáp nhập, khai thác tổng thể lợi thế từ hệ sinh thái sông, biển, đồng bằng, trung du đến miền núi.

Song song đó, cần nâng cấp hệ thống hạ tầng cảng, bến tàu du lịch theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đội tàu du lịch hiện đại, thân thiện với môi trường; đồng thời phát triển các điểm dừng chân tích hợp dịch vụ như lưu trú, ẩm thực, trình diễn văn hóa ven sông.

Phát triển sản phẩm du lịch cần theo chuỗi, kết hợp hài hòa giữa di sản, sinh thái, ẩm thực, văn hóa và trải nghiệm cộng đồng. Cần ứng dụng công nghệ số trong đặt tour, quản lý hành trình và nâng cao trải nghiệm du khách. Nhà nước cần cải cách mạnh mẽ thể chế, tạo cơ chế phối hợp liên ngành, hỗ trợ thủ tục đầu tư, xúc tiến thương mại và đào tạo nhân lực.

Đặc biệt, cần huy động và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Kinh tế tư nhân phải trở thành lực lượng chủ lực trong đầu tư hạ tầng du lịch thủy, phát triển sản phẩm, tổ chức vận hành và cung cấp dịch vụ. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, khuyến khích hợp tác công - tư (PPP), hỗ trợ tín dụng xanh, giảm thuế và tạo điều kiện tiếp cận đất đai, bến bãi cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, cần phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch đường thủy. Hiện nay, lực lượng lao động trong lĩnh vực này còn yếu về chuyên môn, kỹ năng phục vụ, ngoại ngữ, kiến thức văn hóa và an toàn giao thông thủy. Sớm xây dựng bộ chuẩn nghề nghiệp cho du lịch thủy nội địa, tổ chức các chương trình đào tạo chuyên biệt, gắn kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và chính quyền địa phương; cho phép doanh nghiệp được khấu trừ chi phí đào tạo vào chi phí hợp lý.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Nhung thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phat-trien-du-lich-duong-thuy-khong-the-thieu-vai-tro-kinh-te-tu-nhan-10371935.html
Zalo