Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn những thách thức

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, việc phát triển đội ngũ nhà giáo còn nhiều khó khăn do điều kiện và môi trường làm việc hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra trong Nghị quyết 51 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hội nhập quốc tế”.

Tuy nhiên, hiện nay điều kiện và môi trường làm việc cho nhà giáo còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Chính vì thế, cần có sự thay đổi toàn diện, đồng bộ để phát triển và giữ chân đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Điều kiện, môi trường làm việc của nhà giáo còn hạn chế

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những rào cản đối với việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Trong đó, một trong những khó khăn lớn nhất là điều kiện làm việc của giáo viên, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, còn nhiều thiếu thốn. Dù Luật Nhà ở được Quốc hội ban hành đã quy định giáo viên đến công tác tại các khu vực đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách về nhà công vụ, nhưng trên thực tế, nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức và chưa có đủ nguồn lực để xây dựng và duy trì hệ thống nhà công vụ cho giáo viên. Do đó, nhiều thầy cô phải rời xa gia đình để giảng dạy, song vẫn phải sống trong điều kiện tạm bợ, thiếu thốn, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và đời sống tinh thần.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ giáo dục ở nhiều nơi vẫn chưa được hoàn thiện. Tại một số địa phương, thiết bị dạy học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn chưa đáp ứng đầy đủ. Điều này dẫn đến tình trạng giáo viên một số môn học phải "dạy chay", không có thiết bị dạy học hay công cụ hỗ trợ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy và cả việc phát triển chuyên môn của giáo viên.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC

Cũng theo bà Nga, việc bổ nhiệm, quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục hiện nay cũng cần cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng nếu muốn đội ngũ này có thể phát triển trong tương lai.

“Thông thường, trong nhiều lĩnh vực, những người có chuyên môn tốt sẽ được xem xét, cân nhắc, quy hoạch để lên làm cán bộ quản lý, nhưng riêng trong giáo dục, chúng ta cần cân nhắc rất kỹ lưỡng bởi công việc quản lý giáo dục với việc dạy học là 2 lĩnh vực khác nhau. Một số trường hợp người thực sự giỏi, xuất sắc về mặt chuyên môn làm cán bộ quản lý lại không phù hợp, thậm chí mắc nhiều sai phạm, dẫn tới việc cơ quan quản lý, trường học mất cả người có chuyên môn giỏi lẫn cán bộ quản lý giáo dục.

Do đó, cán bộ quản lý giáo dục ngoài đặt yêu cầu chuyên môn vững, cần có những tố chất phù hợp cho công việc quản lý. Đồng thời, đối với giáo viên có chuyên môn tốt, chúng ta cũng phải có những ưu đãi, chế độ tôn vinh, khen thưởng nhất định thay vì giỏi chuyên môn được đề bạt lên làm cán bộ quản lý”, bà Nga bày tỏ.

Đại biểu Việt Nga cũng cho rằng, để phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, cần có những ưu đãi nhất định đối với đội ngũ này. Bởi cán bộ quản lý không phải là giáo viên, giảng viên, nên không hưởng những ưu đãi của nhà giáo. Trong đó, có những trường hợp cán bộ quản lý không trực tiếp giảng dạy được như lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo hay phòng giáo dục và đào tạo. Vì vậy, cần phải có những chế độ ưu đãi dành riêng để ghi nhận và khuyến khích đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục yên tâm cống hiến.

Đồng ý kiến với quan điểm trên, bà Tăng Thị Ngọc Mai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa XIV (đoàn Trà Vinh) cho rằng, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đóng vai trò chủ lực trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, đội ngũ này còn tồn tại tình trạng không đồng đều về năng lực, chuyên môn, đặc biệt, một số giáo viên có tính tự học chưa cao.

Theo bà Mai, bên cạnh các chương trình bồi dưỡng thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, việc giáo viên tự học, tự nghiên cứu là yếu tố quan trọng, giúp nâng cao kỹ năng và phương pháp sư phạm. Tuy nhiên, khả năng tự học, tự bồi dưỡng của nhiều giáo viên hiện còn yếu, còn thiếu và chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến việc giáo viên chưa đáp ứng kịp thời những kiến thức, kỹ năng giảng dạy mới, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy.

 Bà Tăng Thị Ngọc Mai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa XIV (đoàn Trà Vinh). Ảnh: NVCC.

Bà Tăng Thị Ngọc Mai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa XIV (đoàn Trà Vinh). Ảnh: NVCC.

Bà Mai cũng cho rằng, việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là yếu tố quyết định trực tiếp tới việc nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, ngoài cải thiện tiền lương, cần có thêm những giáo trình đào tạo linh hoạt và phù hợp để phát triển đội ngũ này.

Đối với nhà giáo, ngoài giáo trình phục vụ cho việc giảng dạy, cần giáo trình để bồi dưỡng đào tạo thường xuyên cùng chế độ nhằm khuyến khích nhà giáo được học và tự học. Với nhà giáo phát huy được năng lực và cống hiến tốt, ngoài việc vinh danh, thì chế độ đãi ngộ, tiền lương phải dựa theo năng lực, sự cống hiến xứng đáng cho giáo viên. Từ đó, tạo nên sự cạnh tranh công bằng, giúp giáo viên không ngừng nâng cao trình độ.

Đối với cán bộ quản lý giáo dục, cần tính toán chế độ tiền lương phù hợp với năng lực cụ thể. Đồng thời, người làm cán bộ quản lý cũng phải có tiêu chuẩn ngay từ đầu vào rõ ràng.

“Hiện nay, yếu tố chuyên môn được chú trọng đối với lãnh đạo quản lý trường học. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ này cần nâng cao phẩm chất đạo đức, khả năng quy tụ, dẫn đầu và định hướng trong quản lý giáo dục. Do đó, ngoài việc cần xem lại về chế độ tiền lương cho cán bộ quản lý giáo dục, khi được quy hoạch, bổ nhiệm thì cán bộ quản lý phải được học, được bồi dưỡng và kiểm tra để đảm bảo về năng lực chuyên môn”, bà Mai bày tỏ.

 Cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa giáo viên có chuyên môn tốt lên làm cán bộ quản lý. Ảnh minh họa: Lã Tiến

Cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa giáo viên có chuyên môn tốt lên làm cán bộ quản lý. Ảnh minh họa: Lã Tiến

Giữ chân giáo viên vùng cao cần gắn với cải thiện cơ sở vật chất trường học và nơi ở cho giáo viên

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII cũng cho rằng, việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiện vẫn còn những thách thức.

“Hiện nay, mặc dù chính sách, chế độ cho giáo viên đã được cải thiện, nhưng chưa đủ mạnh để thu hút, hỗ trợ đối với những giáo viên làm việc tại vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện làm việc và sinh hoạt còn nhiều khó khăn. Trong đó, công tác thi đua, khen thưởng cho giáo viên lâu năm gắn bó với vùng khó khăn vẫn còn hạn chế. Không ít thầy cô dù có nhiều cống hiến nhưng chưa được ghi nhận xứng đáng với nỗ lực của mình.

Bên cạnh đó, có trường hợp đánh giá hay tuyển dụng giáo viên không được công khai, minh bạch dẫn tới chưa thực sự thu hút được người giỏi", ông Tiến cho hay.

 Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. Ảnh: Thành An.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. Ảnh: Thành An.

Cũng theo ông Tiến, ngành giáo dục có thể nghiên cứu việc mở rộng phạm vi và tiêu chí trao tặng các danh hiệu, kỷ niệm chương, bằng khen, hoặc thậm chí là huân chương lao động cho những giáo viên có thành tích nổi bật, không nên giới hạn những phần thưởng cao quý này dành riêng cho cán bộ cấp cao.

Đặc biệt, để phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, cần chú trọng đầu tư và phát triển cho các cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm, bởi đó chính là “cái nôi” để tạo ra các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục giỏi, tài năng.

Ông Tiến cũng nhấn mạnh, việc có thêm chính sách ưu tiên với giáo viên là điều cần thiết. Tuy nhiên, những chính sách này cần cụ thể, có tính căn cơ, bài bản và đủ sức hút. Trong đó, ngoài chính sách về tiền lương, thì chính sách, quy định đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục một cách công bằng, minh bạch là hết sức quan trọng.

Ngoài ra, chính sách đãi ngộ để giữ chân giáo viên gắn bó với những vùng khó khăn cần đặc biệt chú ý đến việc cải thiện cơ sở vật chất trường học và nơi ở cho giáo viên. Trong đó, chính quyền địa phương ở các khu vực có giáo viên tự nguyện lên công tác cần chủ động hỗ trợ, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, đồng thời hỗ trợ họ phương tiện đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên sinh hoạt và làm việc. Từ đó, giáo viên không chỉ yên tâm giảng dạy, sẵn sàng gắn bó lâu dài với các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn, mà còn góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo.

Mạnh Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/phat-trien-doi-ngu-nha-giao-can-bo-quan-ly-giao-duc-van-con-nhung-thach-thuc-post251006.gd
Zalo