Chi tiền tỷ du học, về nước vẫn vật lộn tìm việc
Du học sinh về nước dễ có sự chênh lệch giữa kỳ vọng và thực tế, thiếu hụt mạng lưới kết nối và vấp phải cạnh tranh từ lực lượng lao động trong nước.

Nhiều du học sinh Việt gặp khó trong quá trình tìm việc trong nước. Ảnh: Phương Lâm.
- “Mình tốt nghiệp ở nước ngoài rồi đòi về Việt Nam cho bằng được vì nghe nói về nước dễ kiếm việc, một phần cũng vì chán cuộc sống ở nước ngoài. Nhưng mình về được 4 tháng rồi giờ hối hận quá. Công việc không có, mối quan hệ cũng không, giờ đang tìm cách quay lại nước ngoài”.
- “Tôi cũng mới du học về nước ít lâu và đang thất nghiệp, cũng đã thử việc ở 1-2 công ty nhưng thấy không hợp”.
- "Mình cũng luôn suy nghĩ muốn về Việt Nam, nhưng nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, xa quê lâu rồi mà gen Z bây giờ giỏi thực sự. Nếu về, mình không thể cạnh tranh nổi nên vẫn chấp nhận ở lại”.
Đó là ba trong số nhiều chia sẻ của du học sinh trên mạng xã hội khi trở về Việt Nam làm việc.
Dù có thể chỉ là một phần nổi, nó cho thấy thực tế mà không ít du học sinh đang phải đối mặt - tấm bằng quốc tế không phải lúc nào cũng là tấm vé thông hành thuận lợi trên thị trường lao động trong nước.
"Điểm yếu" của du học sinh khi về nước tìm việc
Trao đổi với Tri Thức - Znews, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), chuyên gia cao cấp từ Tổ chức Giáo dục MAX Education Lê Đình Hiếu nhận định trong khoảng 5-6 năm gần đây, tỷ lệ du học sinh sau khi tốt nghiệp nước ngoài và quyết định trở về Việt Nam ngày càng nhiều.
Điều này đến từ nhiều lý do, như cơ hội ở lại nước ngoài ngày càng siết chặt, cơ hội việc làm ở Việt Nam cao, số lượng du học sinh nhiều hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, thực tế là một bộ phận du học sinh về nước gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm.
Theo anh Hiếu, du học sinh về nước khó tìm việc không phải vì các bạn kém. Điều này có thể xuất phát từ một số lý do, ở cả hai phía du học sinh và nhà tuyển dụng.

Anh Lê Đình Hiếu nhận định có một số lý do, ở cả hai phía du học sinh và nhà tuyển dụng, khiến sinh vien du học về nước khó tìm việc. Ảnh: NVCC.
Nguyên nhân thứ nhất là chênh lệch giữa kỳ vọng và thực tế. Sau ít nhất 4 năm học cử nhân hoặc 2 năm thạc sĩ ở nước ngoài, họ đã quen với phong cách làm việc, mức lương, thưởng, đãi ngộ và môi trường làm việc quốc tế.
Do đó, khi trở về Việt Nam, dù làm việc tại các doanh nghiệp lớn, họ vẫn không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng. Môi trường văn hóa Á Đông, cùng với mức lương và đãi ngộ, vẫn có những khác biệt nhất định so với những gì họ đã trải nghiệm.
Sự chênh lệch kỳ vọng này ngày càng lớn vì trước khi du học, có rất nhiều hội thảo chuẩn bị cho hành trình du học. Trong khi đó lại có rất ít chương trình hướng dẫn sinh viên về nước, đó là khoảng trống lớn.
Lý do thứ hai là sự thiếu hụt mạng lưới kết nối, tồn tại ở cả hai phía. Bản thân các doanh nghiệp muốn thu hút du học sinh, nhưng lại thiếu nguồn thông tin và kênh tiếp cận để tìm kiếm những ứng viên tiềm năng.
Ngược lại, nhiều du học sinh Việt cũng khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp.
Hiện nay đã xuất hiện các công ty tuyển dụng (headhunter) tập trung vào việc tìm kiếm lực lượng tri thức Việt ở nước ngoài hay những người đã về nước, tuy nhiên, mạng lưới này vẫn còn hạn chế.
Một khó khăn nữa mà du học sinh gặp phải khi trở về là sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động trong nước. Một tín hiệu đáng mừng là năng lực của sinh viên trong nước đã tăng lên rất nhiều, nhất là những sinh viên học tại trường quốc tế hoặc chương trình liên kết với nước ngoài ngay tại Việt Nam.
Khoảng cách giữa sinh viên giỏi nhất trong nước và du học sinh không còn quá lớn. Do đó, khi trở về, du học sinh phải đối mặt với sự cạnh mạnh mẽ.
Ngược lại, về phía nhà tuyển dụng, việc chi trả mức lương cao hơn cho du học sinh có thể dẫn đến những kỳ vọng không thực tế.
Chẳng hạn, họ có thể ngạc nhiên khi du học sinh không nắm vững một kiến thức hoặc kỹ năng cụ thể, thể hiện qua câu hỏi như "Em đi Mỹ về mà không biết cái này à?".
Theo anh Hiếu, thực tế, việc du học không đồng nghĩa với việc sinh viên tốt nghiệp có thể biết và làm mọi thứ. Họ vẫn là những người trẻ mới ra trường, có những kinh nghiệm đã tích lũy nhưng cũng có những lĩnh vực còn hạn chế.
Do đó, khi bước vào môi trường doanh nghiệp, họ cũng sẽ gặp những bỡ ngỡ và những vấn đề chưa thể giải quyết ngay lập tức. Kỳ vọng quá cao vào du học sinh là điều cần xem xét lại.
Thứ hai, một hạn chế lớn là các nhà tuyển dụng Việt Nam chưa có đầy đủ thông tin về hệ thống giáo dục đại học quốc tế. Họ thường chỉ biết đến những trường phổ biến hoặc có nhiều sinh viên Việt theo học.
Điều này dẫn đến việc họ không nắm rõ điểm mạnh, chương trình đào tạo đặc thù của từng trường. Do đó, khi tuyển dụng du học sinh, họ khó đánh giá toàn diện năng lực thực tế và có xu hướng “đặt” du học sinh ở những vị trí việc làm không đúng năng lực.
Sự đánh giá lệch lạc này dẫn đến việc tuyển dụng không phù hợp với năng lực thực sự của du học sinh.
Thứ ba, một số doanh nghiệp lo ngại việc tuyển dụng du học sinh sẽ phá vỡ khung lương hiện tại của họ. Họ thiếu cơ chế linh hoạt để trả lương vượt khung hoặc không có quy trình đánh giá và đãi ngộ đặc biệt cho nhân tài. Điều này khiến họ e ngại tuyển dụng du học sinh.
Trong khi đó, du học sinh cũng khó chấp nhận mức lương cố định, không tương xứng với năng lực và kỳ vọng của họ. Từ đó, hai bên thiếu tiếng nói chung.

Du học sinh về nước có nhiều lợi thế, song cần thời gian để thích nghi. Ảnh: Phương Lâm.
Làm sao để du học về nước không thất nghiệp?
Anh Lê Đình Hiếu đánh giá du học sinh Việt về nước có nhiều lợi thế. Nổi bật nằm ở các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, phong cách làm việc quốc tế và khả năng ngoại ngữ vượt trội.
Bên cạnh đó, du học sinh còn mang về nước những "best practice" - những phương pháp và cách làm việc tiên tiến, cập nhật nhất.
Theo đó, do có sự khác biệt nhất định giữa chương trình học và thực tiễn làm việc ở các quốc gia phát triển, du học sinh được tiếp cận với công nghệ và quy trình hiện đại mà nhiều công ty lớn trên thế giới đang áp dụng.
Khi trở về nước, họ có thể mang theo những tri thức và cách làm mới này, đóng góp vào sự phát triển của các tổ chức trong nước.
Ngoài ra, theo quan sát cá nhân, anh Hiếu nhìn nhận du học sinh không còn tâm lý tự ti, e dè. Trong khi đó, sinh viên trong nước khi đối diện với các công ty nước ngoài hoặc những tình huống mới có thể mang nặng tâm lý đến từ môi trường nhỏ ở Việt Nam, dẫn đến sự e dè nhất định.
Cuối cùng, một lợi thế quan trọng của du học sinh khi trở về nước là mạng lưới quốc tế, giúp họ có thể đóng góp nhiều hơn cho các doanh nghiệp.
Từ những lợi thế trên, anh Hiếu có ba lời khuyên dành cho du học sinh đang có ý định về nước hoặc đang tìm việc tại Việt Na,
Thứ nhất chính là tôn trọng sự khác biệt. Anh Hiếu từng gặp rất nhiều du học sinh mang tâm lý rằng mình đã học tập tại các trường hàng đầu thế giới, có kinh nghiệm làm việc quốc tế nên có những yêu cầu, chuẩn mực riêng.
Khi trở về Việt Nam và thấy cách làm việc của các tổ chức khác với những gì họ đã học, họ thường ngay lập tức cho rằng các đồng nghiệp ở Việt Nam sai lầm, lạc hậu, làm việc không đúng chuẩn của họ. Họ tin rằng chỉ những tiêu chuẩn mà họ mang về mới là đúng đắn.
Tuy nhiên, thực tế là các tập đoàn Việt Nam hiểu rõ bối cảnh doanh nghiệp, thực trạng lực lượng lao động Việt Nam, cũng như nhu cầu và sở thích của khách hàng trong nước.
Cách làm việc của họ không phải là sai, mà đơn giản là khác so với những gì các bạn du học sinh đã trải nghiệm.
Thứ hai, nhiều người nghĩ rằng có học hàm học vị cao, tốt nghiệp trường danh tiếng nước ngoài, từng làm việc ở những môi trường tốt là một lợi thế lớn. Tuy nhiên, họ thường thiếu một yếu tố quan trọng so với những nhân sự trong nước chính là kinh nghiệm thực tiễn về thị trường và cuộc sống ở Việt Nam.
“Điều này không thể học được qua sách vở hay công thức mà chỉ có thể tích lũy qua quá trình làm việc thực tế”, anh Hiếu nói.
Thứ ba, với những lợi thế sẵn có như ngoại ngữ, kiến thức, mạng lưới và kinh nghiệm, các bạn nên nỗ lực duy trì chúng trong môi trường Việt Nam. Ngay cả khi làm việc cho một công ty thuần Việt, việc phát triển những “tài sản” này là cần thiết, bởi đó chính là cách thiết thực nhất để bạn đóng góp giá trị.
Ngược lại, về phía doanh nghiệp, anh Hiếu cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tôn trọng sự khác biệt của du học sinh.
Các công ty cần hiểu rằng dù là sinh viên trong nước hay du học sinh, quá trình học hỏi là một hành trình không ngừng. Không có du học sinh nào là "siêu nhân", có thể đảm đương mọi việc.
Dù mang theo kỳ vọng của công ty và cấp trên, các bạn trẻ này vẫn cần thời gian để thích nghi, học hỏi.
Ngược lại, chính doanh nghiệp cũng cần thời gian để học hỏi kiến thức và kinh nghiệm mà các bạn mang lại.
Quá trình học hỏi lẫn nhau một cách liên tục sẽ tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp tiếp nhận tinh hoa từ du học sinh, và ngược lại, giúp du học sinh dễ dàng hòa nhập lại với môi trường làm việc trong nước sau khi trở về.