Học sinh không cần ôn luyện riêng khi tham dự kỳ thi đánh giá năng lực độc lập
GS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh các điểm nổi bật của kỳ thi đánh giá năng lực độc lập (SPT) năm 2025 và việc học sinh không cần ôn luyện riêng.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực độc lập do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận 2 điểm nổi bật của Kỳ thi SPT 2025 là: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã thiết kế kỳ thi bám sát Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tác động tích cực đến quá trình dạy, học tại phổ thông, học sinh không cần ôn luyện riêng mà vẫn yên tâm tham dự kỳ thi với kiến thức được học chính khóa; kỳ thi SPT tổ chức theo từng môn, phù hợp với định hướng học, thi theo môn.
Thời gian tới, việc thiết kế đề thi, chấm điểm và trả điểm nên “hồi quy theo từng môn”, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường đối tác khi sử dụng kết quả thi để xét tuyển theo những cách thức linh hoạt, phù hợp với mục tiêu đào tạo riêng của từng đơn vị.
Theo báo cáo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đến nay, Trường đã hoàn thiện hệ thống dữ liệu chia sẻ, cấp tài khoản truy cập riêng cho từng trường, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo mật trong việc tra cứu, thống kê và xét tuyển. Các trường có thể theo dõi hồ sơ thí sinh theo thời gian thực, truy cập dữ liệu kết quả thi SPT và điểm quy đổi phục vụ xét tuyển nội bộ.
Căn cứ Quy chế tuyển sinh đại học 2025, Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ gửi kết quả thi SPT (điểm từng bài thi) và điểm xét tuyển theo thang điểm 30 cho tất cả các tổ hợp môn mà thí sinh đã đăng ký, đến các trường đối tác. Trong đó, điểm gốc của thí sinh là tổng điểm các môn thi SPT trong tổ hợp xét tuyển sẽ được quy đổi sang Điểm xét 3 theo thang điểm 30, căn cứ trên dữ liệu đối sánh với điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia và kết quả học tập của các khóa tuyển sinh trước đó.
Việc quy đổi điểm tuân thủ 3 nguyên tắc: Dựa trên tương quan so sánh dữ liệu điểm thi của tổ hợp tương ứng giữa hai kỳ thi SPT và Tốt nghiệp THPT; không làm thay đổi thứ tự xếp hạng theo SPT giữa các thí sinh; có tính đến tương quan kết quả học tập của sinh viên đã trúng tuyển bằng hai phương thức thi SPT và thi Tốt nghiệp THPT những năm trước đây.
Hội đồng tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ thiết lập hàm quy đổi điểm liên tục, đơn điệu, trên cơ sở các mốc điểm đã được đối sánh thống kê giữa hai kỳ thi. Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, Trường sẽ công bố điểm chuẩn trúng tuyển tương ứng theo từng phương thức, trong đó điểm chuẩn theo SPT được xác định dựa trên điểm gốc ứng với mức điểm xét tuyển tối ưu thấp nhất của ngành.
Đến nay, cả nước có hơn 24 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước chính thức công nhận kết quả kỳ thi SPT trong xét tuyển, bao gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế; Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Quy Nhơn; Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh; Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; Trường Đại học Y Dược Thái Bình; Học viện Quản lý Giáo dục; Học viện Phụ nữ Việt Nam; Học viện Dân tộc; Trường Đại học Thể dục Thể thao Hà Nội; Trường Đại học Tây Bắc; Trường Đại học Hải Phòng; Trường Đại học Hạ Long; Trường Đại học Hoa Lư; Trường Đại học Hồng Đức; Trường Đại học Tây Nguyên; Trường Đại học Thủ Dầu Một; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định; Trường Đại học Thăng Long.