Phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam - Kỳ 3: Ngổn ngang công việc chuẩn bị
Theo các chuyên gia, khi triển khai dự án điện hạt nhân, cùng với quyết tâm chính trị rất cao, từ Chính phủ, các bộ, ngành đến các địa phương phải chạy đua với thời gian để hoàn tất những đầu việc không thể không thực hiện theo thông lệ quốc tế.
Trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh câu chuyện triển khai dự án điện hạt nhân (ĐHN) của Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng, việc tái khởi động chương trình ĐHN và xây dựng 2 dự án ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 là cần thiết và quan trọng. Hiện Việt Nam rất cần điện cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong giai đoạn tăng tốc nền kinh tế để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.
Mặt khác, Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế đóng góp vào giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050.

Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016. Nguồn: Baochinhphu.vn
Theo ông Tuấn, với đặc điểm về địa lý, khí hậu, thủy văn, và hệ thống điện Việt Nam chưa có liên kết với các hệ thống điện láng giềng, trong hàng thập kỷ tới, chúng ta chưa thể trông cậy chỉ vào các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là các loại hình điện mặt trời, điện gió có tính bất định, phụ thuộc nhiều vào ngày, đêm, thời tiết.
Bài toán an ninh cung cấp năng lượng kết hợp với phát triển bền vững đòi hỏi có những nguồn điện chạy nền, ứng phó với những bất thường của thiên nhiên, khí hậu. ĐHN là nguồn điện chạy nền ổn định, không phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết, và không phát thải CO2 trong vận hành. ĐHN kết hợp với các loại nguồn linh hoạt và năng lượng tái tạo sẽ là thành tố thay thế hiệu quả các nguồn điện than, dầu.
Không chỉ có 2 dự án ĐHN Ninh Thuận, trong dài hạn, chúng ta cần tiếp tục xây dựng các nguồn điện hạt nhân khác để thực hiện lộ trình chuyển dịch năng lượng.
Khó huy động vốn
Ông Tuấn cho rằng, Việt Nam cần đối mặt với thách thức trong huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách; chưa làm chủ công nghệ ĐHN, cần đi cùng với những đối tác tin cậy trong phối hợp xây dựng, chuyển giao công nghệ, cung cấp thiết bị và tín dụng; thiếu nguồn nhân lực được đào tạo cho quản lý an toàn và vận hành nhà máy ĐHN…
Ngoài các yếu tố trên, giá thành sản xuất ĐHN sẽ phụ thuộc vào việc huy động, sử dụng vốn hiệu quả; triển khai đầu tư xây dựng đúng tiến độ (càng rút ngắn thời gian xây dựng càng giảm rủi ro về đội vốn); sau đó là việc tuân thủ các quy trình vận hành an toàn và kinh tế nhà máy với các tiêu chí nghiêm ngặt.
“Với dự báo giá cả nhiên liệu Urani cho lò hạt nhân sẽ không tăng đáng kể, dự báo giá thành sản xuất của ĐHN không cao hơn giá thành sản xuất từ nguồn điện than và nguồn điện khí hóa lỏng nhập khẩu”, ông Tuấn nói.

Một nhà máy điện hạt nhân ở Pháp Ảnh: Reuters
Về công nghệ và các yếu tố đảm bảo an toàn khi Việt Nam phát triển ĐHN, ông Tuấn nhấn mạnh, các sự cố ĐHN trong lịch sử đều đã được rút ra những bài học quan trọng. “Các sự cố trong quá khứ xảy ra là đối với công nghệ ĐHN thế hệ 1 và 2.
Hiện nay, thế giới đã có hàng trăm lò phản ứng ĐHN thế hệ 3 và 3+ đang vận hành an toàn và được kiểm chứng về công nghệ, trong đó yếu tố về an toàn được chú trọng nhất. Yếu tố “an toàn chủ động và thụ động” là một đặc điểm công nghệ mới của lò ĐHN thế hệ 3 và 3+.
Một ví dụ đơn giản đối với an toàn thụ động, nếu có sự cố trong lò phản ứng hạt nhân, một khi máy móc và con người không thể can thiệp, công nghệ này tận dụng nguyên lý trọng lực để các thanh hãm tự rơi xuống làm dừng phản ứng hạt nhân, dập tắt sự cố trong lò”, ông chia sẻ.
Ông Tuấn cho rằng, khi chúng ta lựa chọn công nghệ ĐHN với thế hệ tiên tiến nhất, tuân thủ các quy định về xây dựng, vận hành ĐHN theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), sẽ không còn những lo lắng, e dè.
Cần kế hoạch toàn diện
Chia sẻ với PV Tiền Phong, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), việc phát triển ĐHN được triển khai trong bối cảnh được xem là Việt Nam không còn lựa chọn nào khác để phát triển các nguồn điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Chúng ta đã khai thác hết các nguồn thủy điện lớn, chỉ còn những nguồn thủy điện nhỏ và siêu nhỏ có thể khai thác phục vụ nguồn điện cho gia đình và địa phương. Điện gió và điện mặt trời còn có tiềm năng khai thác nhất định nhưng không thể đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Việt Nam đã mua điện của Lào và Trung Quốc để sử dụng. Trong khi đó, công nghệ ĐHN tiếp tục được hoàn thiện về hiệu quả và an toàn. ĐHN đóng góp đến 70% sản lượng điện của Pháp và Đức đình chỉ ĐHN trong những thập kỷ trước nay đã quay về sử dụng ĐHN.
“Trong bối cảnh như vậy, việc Việt Nam xây dựng ĐHN là hợp lý, cần được sự quan tâm của các ngành, các cấp ở T.Ư và địa phương, bảo đảm nguồn tài nguyên đất, nước, nguồn nhân lực, tài chính để xây dựng ĐHN có hiệu quả, an toàn”, ông Doanh nói.
Chuẩn bị 19 vấn đề về cơ sở hạ tầng hạt nhân
Để phát triển dự án điện hạt nhân, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam dẫn IAEA nói rằng, các quốc gia phải thực hiện cũng như có các phương pháp tiếp cận khoa học theo mốc thời gian, toàn diện theo từng giai đoạn để đảm bảo việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân diễn ra đúng kế hoạch.
Theo IAEA, có 19 vấn đề về hạ tầng phải chuẩn bị: Vị thế quốc gia; An toàn hạt nhân; Quản lý; Tài trợ và tài chính; Khung pháp lý; Các biện pháp bảo vệ; Khung pháp lý; Bảo vệ bức xạ; Lưới điện; Phát triển nguồn nhân lực; Sự tham gia của các bên liên quan; Cơ sở và các cơ sở hỗ trợ; Bảo vệ môi trường; Lập kế hoạch khẩn cấp; An ninh hạt nhân; Chu trình nhiên liệu hạt nhân; Quản lý chất thải phóng xạ; Sự tham gia của ngành công nghiệp và Mua sắm.
Thục Quyên
Ông Doanh cho rằng, trước mắt, Nhà nước có thể độc quyền ĐHN vì lý do công nghệ, an toàn, song rất cần sự giám sát hiệu quả của Quốc hội và các cơ quan liên quan.
Trong thời gian khởi đầu, hoàn toàn có thể thu hút các doanh nghiệp tư nhân vào những công đoạn thích hợp. Sau khi vận hành hiệu quả, xây dựng khung pháp luật đầy đủ, các cơ quan nhà nước vận hành có kinh nghiệm cần từng bước mở rộng sự tham gia của các công ty và tập đoàn tư nhân vào đầu tư, xây dựng, vận hành ĐHN giống nhiều nước trên thế giới như Pháp, Đức đã thực hiện.
“Phát triển ĐHN là một quyết định chiến lược của đất nước, rất cần một kế hoạch toàn diện về công nghệ, nguồn nhân lực, an ninh và an toàn, bảo đảm tài nguyên đất, nước, thuyết phục sự ủng hộ và đồng tình của người dân, đồng thời cũng cần phương án xử lý sự cố phóng xạ, rò rỉ… như đã diễn ra trên thế giới. Vì vậy, rất cần sự chỉ đạo của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học…”, ông Doanh nhận định.
Cần bao nhiêu vốn?
Theo Bộ Công Thương, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm hai nhà máy 1 và 2 từng được dự tính xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận với tổng công suất trên 4.000 MW và được triển khai trên diện tích 1.642ha. Tổng mức đầu tư dự toán (hai dự án dự kiến được khởi công xây dựng vào năm 2020, tuy nhiên dự án đã dừng triển khai từ năm 2016) khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2008. Trong đó, Nga đồng ý cho Việt Nam vay 10,5 tỷ USD, Nhật Bản cho vay nguồn vốn ODA làm điện hạt nhân.
Theo Bộ Công Thương, điện hạt nhân có tính liên tục chỉ ngừng phát khi có sự cố và có tuổi thọ dài đến hơn 50 năm, giá điện rất ổn định (80-90% chi phí là chi phí cố định), ít bị ảnh hưởng bởi tình hình ở các quốc gia khác và giá nhiên liệu.
Theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), điện hạt nhân có một số hạn chế do chi phí đầu tư cao (khoảng 6.000 USD/kW) và bổ sung các yêu cầu về an toàn đối với rủi ro như sóng thần, khủng bố... đã làm vốn đầu tư của điện hạt nhân trở nên quá cao và rất khó giảm trong tương lai. Theo kế hoạch được phê duyệt từ năm 2009, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 với tổng công suất 4.000MW. Dựa trên suất đầu tư ước tính, tổng vốn đầu tư có thể lên tới 22 tỷ USD, cao hơn nhiều so với dự tính ban đầu, vốn dao động trong khoảng 10,8-12,2 tỷ USD.
Phạm Tuyên