Phát triển công nghiệp xanh tạo điểm sáng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

Công nghiệp xanh đang trở thành xu hướng toàn cầu và là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, công nghiệp xanh được xem như một sự chuyển mình tất yếu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, xét trong chiến lược dài hạn.

Theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2030, khoảng 40-50% các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ có kế hoạch chuyển đổi khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp sinh thái; trong đó, 8-10% các tỉnh, thành phố sẽ có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới.

Khảo sát của Công ty Savills Việt Nam cho thấy, nước ta hiện có hơn 400 khu công nghiệp sinh thái. Số lượng tuy vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng. Việc phát triển các khu công nghiệp xanh hiện đang ở thời kỳ đầu và sẽ là câu chuyện dài hạn. Dẫn đầu về xu hướng công nghiệp xanh ở Việt Nam là các Khu công nghiệp VSIP và DEEP C. Những đơn vị này đang sử dụng hệ thống năng lượng điện mặt trời áp mái để cung cấp điện cho một phần khu công nghiệp.

Deep C hướng tới mục tiêu trở thành Tổ hợp khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Internet

Deep C hướng tới mục tiêu trở thành Tổ hợp khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Internet

Dựa trên dữ liệu sơ cấp trong quá trình Công ty Savills Việt Nam làm việc với khách hàng, khoảng 80-85% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có yêu cầu cao về các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) khi lựa chọn địa điểm thuê nhà máy, ưu tiên yếu tố bền vững.

Cũng theo Công ty Savills, vốn FDI vào Việt Nam liên tục gia tăng, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhu cầu cao về không gian, kho bãi để phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh. Do đó, bất động sản công nghiệp vẫn được dự báo là một điểm sáng thu hút các nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam.

Trong một khảo sát của Công ty kiểm toán KPMG với sự tham gia của 200 doanh nghiệp FDI, ghi nhận bên cạnh các yếu tố vị trí, nguồn lao động hay hạ tầng logistics thì khu công nghiệp đáp ứng tiêu chí xanh đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều công ty FDI khi chọn địa điểm đầu tư tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Các khu công nghiệp xanh ở Việt Nam có lợi thế hơn so với khu công nghiệp truyền thống nhờ được ưu tiên hỗ trợ về công nghệ, xuất khẩu, thương hiệu, chuỗi giá trị và vay ưu đãi theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Tại Việt Nam, mô hình khu công nghiệp sinh thái đã được hình thành từ năm 2014 với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Giai đoạn 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai chuyển đổi 4 khu công nghiệp thí điểm sang khu công nghiệp sinh thái.

Từ năm 2020-2024, mô hình này được nhân rộng tại Hải Phòng, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần tăng trưởng GDP và giảm khí thải. Các chuyên gia nhận định hiện doanh nghiệp toàn cầu ngày càng chú trọng đến ESG trong việc phát triển kinh doanh và đưa ra quyết định; trong đó ngành công nghiệp cũng tích cực chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, công nghiệp xanh được xem như một sự chuyển mình tất yếu để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, xét trong chiến lược dài hạn. Công nghiệp xanh đang trở thành xu hướng toàn cầu và là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp vì những yếu tố này không chỉ phản ánh cam kết trách nhiệm xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của mỗi tổ chức. Việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh tích cực, nâng cao uy tín.

Công nghiệp xanh là sự chuyển mình tất yếu để thu hút đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Công nghiệp xanh là sự chuyển mình tất yếu để thu hút đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Hiện các quy định pháp lý ngày càng chặt chẽ về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội buộc doanh nghiệp phải tuân thủ để tránh rủi ro pháp lý và các khoản phạt. Đơn cử như trong Báo cáo Tính Bền vững Doanh nghiệp (CSRD), Liên minh châu Âu đã yêu cầu khoảng 50.000 công ty đang hoạt động tại trong thị trường này phải công bố chi tiết các biện pháp bền vững, Savills dẫn chứng.

Từ thực tế này, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao Bộ phận Bất động sản công nghiệp của Savills Hà Nội nhận xét rằng người tiêu dùng hiện đại cũng có xu hướng ủng hộ các thương hiệu có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng. Từ đó, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho những doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu ESG.

Đồng thời, ESG cũng giúp các công ty quản lý rủi ro tốt hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, sự cố môi trường và bất ổn xã hội, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài. Theo “làn sóng” ESG toàn cầu, các chủ đầu tư cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chú trọng đến các yếu tố phát triển bền vững. Công nghiệp xanh với mục tiêu giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên ngày càng được chú ý.

Những khu công nghiệp này được thiết kế giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng công nghệ tiên tiến. Phát triển khu công nghiệp xanh đồng nghĩa với việc tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường với mục tiêu giảm lượng phát thải carbon về 0.

Ông Thomas Rooney nhấn mạnh trong bối cảnh công nghiệp xanh ngày càng được chú ý, các chứng chỉ khu công nghiệp xanh như LEED, EDGE, Green Mark... sẽ giúp doanh nghiệp có định hướng rõ ràng hơn trong quá trình chuyển đổi. Chứng chỉ đánh giá các khu công nghiệp dựa trên nhiều tiêu chí, từ hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm nước, cho đến giảm thiểu chất thải và khí thải.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/phat-trien-cong-nghiep-xanh-tao-diem-sang-thu-hut-cac-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-93365.html
Zalo