Thương mại Việt Nam - Trung Quốc: Lịch sử, cơ hội và thách thức
Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam bắt đầu và liên tục từ 20 năm nay. Cơ hội đang nhiều hơn, song thách thức cũng lớn hơn.
Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với GDP gần 17.800 tỷ USD và GDP bình quân đầu người hơn 12.614 USD vào năm 2023, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, Trung Quốc không chỉ là thị trường tiêu dùng khổng lồ, giàu tiềm năng cho các sản phẩm Việt Nam mà còn là một bài toán chiến lược phức tạp, đòi hỏi Việt Nam phải có những cách tiếp cận khéo léo và hiệu quả.
Để duy trì và mở rộng vị thế thương mại tại thị trường này, Việt Nam cần xây dựng các chiến lược kinh doanh và sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu cũng như các quy định nhập khẩu ngày càng khắt khe của Trung Quốc.
Trung Quốc, vì thế, vừa là cơ hội lớn vừa là thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải vượt qua nếu muốn khai thác triệt để tiềm năng từ thị trường trọng điểm này.
Trung Quốc - Đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950, hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã trải qua nhiều mốc hợp tác quan trọng.
Đơn cử như năm 1999, hai nước xác định phát triển quan hệ theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, đồng thời ký hiệp ước biên giới trên đất liền.
Đây là cột mốc quan trọng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại song phương, tạo tiền đề để Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam vào năm 2000, chỉ sau Nhật Bản; cũng là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu sang quốc gia này vượt mốc 1 tỷ USD.
Đến năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và duy trì vị thế này cho đến nay.
Cột mốc quan trọng khác là vào năm 2008 khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, giúp mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực và thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng trung bình 17% mỗi năm. Nhờ đó, đến năm 2023, kim ngạch thương mại hai nước đạt gần 172 tỷ USD.
Về xuất khẩu, hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Mỹ, với kim ngạch tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, số liệu được TheLEADER thống kê từ nguồn Tổng cục Hải quan.
Trong cuộc cạnh tranh tại thị trường tỷ dân, hàng hóa Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế, đứng thứ 10 về tổng kim ngạch nhập khẩu vào Trung Quốc, chỉ sau các nền kinh tế Hồng Kông, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Nga, Brazil, Đức và Malaysia.
Top 10 mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam sang Trung Quốc
Hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm điện thoại, máy tính và linh kiện, chiếm 49% tổng kim ngạch. Đặc biệt, xuất khẩu điện thoại từng tăng gấp 8 lần vào năm 2017, song, đến nay Việt Nam vẫn nhập siêu mặt hàng này.
Dư địa để hàng hóa Việt gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn rất lớn. Các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như rau quả, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su hiện chỉ chiếm thị phần khiêm tốn.
Cụ thể, rau quả Việt chiếm gần 15% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này tại Trung Quốc, cao su 14%, gỗ và sản phẩm gỗ 10%, và thủy sản chỉ hơn 4%.
Duy nhất mặt hàng giày dép có lợi thế cạnh tranh lớn khi chiếm tới 43% tổng nhập khẩu của Trung Quốc.
Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết nhiều hiệp định song phương trong các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, như Hiệp định Thương mại biên giới, FTA Việt - Trung, Hiệp định về đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu...
Hai nước cũng tham gia Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, và tăng giá trị hàng hóa.
Với ACFTA, Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt dễ dàng tiếp cận thị trường Trung Quốc, đặc biệt là nông sản và trái cây tươi.
Năm 2023, giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc với C/O ưu đãi đạt 19,4 tỷ USD, chủ yếu là rau quả, xơ sợi dệt, cao su, giày dép, và dệt may.
Tháng 8/2024, hai nước ký thêm Nghị định thư về kiểm dịch sầu riêng đông lạnh và dừa tươi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nghị định thư này đưa số mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam lên 15 loại gồm thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, chanh dây, măng cụt, thạch đen sầu riêng, khoai lang, tổ yến, dừa tươi; kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản trong quý cuối năm.
Top 10 mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam từ Trung Quốc
Ngược lại, Việt Nam cũng là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn thứ năm của Trung Quốc. Tình trạng thâm hụt thương mại của Việt Nam đã kéo dài qua nhiều năm. Vào năm 2022, mức nhập siêu đạt kỷ lục gần 60 tỷ USD.
Trong đó, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất trong nước, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch nhập khẩu. Điều này cho thấy sự phụ thuộc lớn và ngày càng tăng của ngành sản xuất Việt Nam vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc.
Khơi thông hạ tầng giao nhận
Gần đây, Việt Nam và Trung Quốc đang thúc đẩy hợp tác và phát triển mạnh mẽ thông qua việc đầu tư và nâng cấp hạ tầng giao thông liên kết hai nước.
Những dự án này không chỉ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển mà còn giảm chi phí logistics, tạo đà cho hàng hóa Việt tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường Trung Quốc và từ đó lan tỏa ra các quốc gia khác.
Việt Nam và Trung Quốc hiện đã có hệ thống hạ tầng kết nối từ nhiều năm nay, gồm các tuyến đường sắt và đường bộ.
Trong đó, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, do sự khác biệt về khổ đường ray giữa hai nước, hàng hóa vẫn phải chuyển tàu tại biên giới, khiến quá trình vận chuyển trở nên phức tạp và tốn kém.
Ngoài ra, các cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Lào Cai cũng là những điểm trung chuyển lớn cho hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc. Dù có vai trò quan trọng, nhưng các cơ sở hạ tầng phụ trợ và thủ tục thông quan tại cửa khẩu hiện vẫn còn khá hạn chế, ảnh hưởng đến tốc độ giao thương.
Để cải thiện hiệu quả, các dự án hạ tầng mới đang được triển khai. Một trong những dự án quan trọng là tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa hai chiều biên giới - cảng biển.
Cùng với đó, tuyến Lạng Sơn – Hà Nội cũng được nâng cấp lên khổ tiêu chuẩn nhằm tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa nhanh chóng và ổn định.
Tuyến Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng cũng được xây dựng với mục tiêu mở rộng khả năng xuất khẩu từ khu vực Đông Bắc ra thị trường quốc tế.
Bên cạnh các dự án đường sắt, Việt Nam cũng đang triển khai mô hình cửa khẩu thông minh nhằm hiện đại hóa và tối ưu hóa quy trình thông quan.
Các thủ tục được tự động hóa giúp giảm thời gian chờ đợi và tăng hiệu quả vận chuyển hàng hóa. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn đảm bảo hàng hóa được lưu thông liên tục, thuận lợi cho xuất khẩu hàng Việt.
Một yếu tố quan trọng khác trong sự phát triển hạ tầng là trung tâm logistics quốc tế tại Trùng Khánh, Trung Quốc, hiện đã kết nối với Việt Nam thông qua các tuyến đường sắt liên vận.
Sự kết nối này giúp hàng hóa Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường nội địa Trung Quốc và mở rộng xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Âu.
Việc khai thác tối ưu tuyến đường sắt liên vận quốc tế không chỉ mở ra con đường thuận lợi để hàng Việt tiến sâu vào thị trường Trung Quốc, mà còn vươn xa đến nhiều quốc gia khác, trở thành chìa khóa vàng nâng cao sức cạnh tranh và đưa hàng xuất khẩu Việt lên tầm cao mới.
Thách thức cạnh tranh
Song song với tiềm năng là những hạn chế và thách thức lớn mà thị trường Trung Quốc đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chưa bổ sung cao cho nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc.
Trong top 10 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, Việt Nam chỉ chiếm thị phần đáng kể ở hai mặt hàng là máy móc, thiết bị điện và thiết bị cơ khí, nhưng cũng chỉ khoảng 10% tổng nhập khẩu của nước này, theo số liệu của Trade Map.
Các mặt hàng thế mạnh như giày dép, quần áo hay nông sản lại không nằm trong nhóm nhu cầu lớn nhất của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc ngày càng siết chặt các quy định nhập khẩu, từ vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đến tem nhãn và bao bì hàng hóa.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, trong vài năm gần đây, Việt Nam nhiều lần nằm trong top 10 quốc gia có hàng nông sản và thực phẩm bị Trung Quốc cảnh báo nhiều nhất.
Các mặt hàng bị cảnh báo thường là thủy sản, nước trái cây và bánh kẹo, do các lỗi về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (như phụ gia vượt ngưỡng, nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh), sai sót trong hồ sơ hàng hóa (thiếu chứng nhận hoặc không đúng với chứng thư), và tem nhãn bao bì không đáp ứng quy định nhập khẩu.
Thị trường Trung Quốc cũng ngày càng cạnh tranh gay gắt, với sự tham gia mạnh mẽ của các đối thủ lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, và các nước ASEAN. Các nước này có cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam, nên mức độ cạnh tranh còn cao hơn nữa.
Đồng thời, xu hướng tiêu dùng nội địa của Trung Quốc cũng đang thay đổi. Người dân ngày càng ưu tiên hàng nội địa và chuyển sang mua sắm trực tuyến – một lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hiệu quả.
Song, các chính sách mới từ Trung Quốc lại mang đến cả cơ hội lẫn thách thức. Từ năm 2025, Trung Quốc sẽ siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch, chuyển hoàn toàn sang chính ngạch vào năm 2028. Điều này buộc doanh nghiệp Việt phải thích nghi để nâng cao giá trị và sự minh bạch trong thương mại.
Trung Quốc không chỉ là một thị trường mà còn là phép thử lớn cho sự thích ứng và đổi mới của doanh nghiệp Việt Nam. Để thành công, doanh nghiệp cần cải thiện chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng chiến lược truyền thông phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc. Cơ hội lớn vẫn nằm trong tay, nhưng chỉ dành cho những ai chuẩn bị sẵn sàng.