Phát triển công nghiệp bán dẫn, động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội
Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần chuyển dịch sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nguyên liệu phong phú, nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào.
Sáng 3/12, trong khuôn khổ hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam - Châu Á 2024, đã diễn ra Hội thảo chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn: Động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội.
Công nghiệp bán dẫn được biết đến là ngành công nghiệp chiến lược quan trọng trên toàn cầu, và Việt Nam đang tham gia một cách mạnh mẽ hơn vào hệ thống sinh thái bán dẫn khu vực và toàn cầu.
Cùng với chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, vị thế của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang dần được cải thiện và phát triển. Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam bộc lộ tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ với sự gia nhập của các tập đoàn hàng đầu thế giới và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước.
Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần chuyển dịch sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nguyên liệu phong phú, nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào.
Ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết Việt Nam nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng có nhiều tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng như thành phố Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức như: Hạn chế về cơ sở hạ tầng và logistic, quy định thủ tục hành chính còn phức tạp nhất định, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng,…
Để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp. Chia sẻ rõ hơn về các nhiệm vụ, giải pháp của Việt Nam trong chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết sau quá trình nghiên cứu, dựa trên tính thực tiễn của Việt Nam cũng như toàn cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam theo công thức: C = SET +1 (C: chip bán dẫn; S: chip chuyên dụng; E: công nghiệp điện tử; T: nhân tài, nhân lực; +1: Việt Nam).
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (2024 - 2030), thu hút FDI có chọn lọc, giai đoạn 1 đặt mục tiêu có 100 doanh nghiệp thiết kế, 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử, ít nhất 1 nhà máy chế tạo, sản xuất chip. Doanh thu công nghiệp bán dẫn >25 tỷ USD/năm; doanh thu công nghiệp điện tử >225 tỷ USD/năm.
Giai đoạn 2 (2030 - 2040), phát triển công nghiệp bán dẫn điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI, giai đoạn này hướng đến mục tiêu có 200 doanh nghiệp thiết kế, 2 nhà máy chế tạo, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử, doanh thu công nghiệp bán dẫn >50 tỷ USD/năm; doanh thu công nghiệp điện tử >485 tỷ USD/năm.
Giai đoạn 3 (2040 - 2050), làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử, hướng đến mục tiêu có 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử. Doanh thu công nghiệp bán dẫn >100 tỷ USD/năm, doanh thu công nghiệp điện tử >1.045 tỷ USD/năm.
Việt Nam đã và đang triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp bán dẫn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư để giảm thiểu ảnh hưởng của thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu, thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2025; Đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng đột phá thế hệ mới đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam thành lập một số trung tâm, viện nghiên cứu về công nghiệp bán dẫn.
Đề án đầu tư xây dựng một nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nhu cầu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip bán dân, đây là nhiệm vụ đột phá Việt Nam đang đặt ra (thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2025). Để xây dựng nhà máy cần xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tài chính đặt biệt của nhà nước cho dự án xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao.
Ngoài ra, Việt Nam có những giải pháp trực tiếp như phát triển chip chuyên dụng; phát triển công nghiệp điện tử; phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài trong lĩnh vực bán đẫn (đây là điểm quan trọng do đó, cần cơ chế thu hút các nhân tài chất lượng cao, chuyên gia cao cấp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn).