Bản tin Năng lượng xanh: Tổng thống Mỹ Biden thúc đẩy hơn 100 tỷ USD tài trợ năng lượng sạch trước khi kết thúc nhiệm kỳ
Một quan chức cấp cao cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trao hơn 100 tỷ USD tiền tài trợ cho năng lượng sạch theo Đạo luật Giảm phát (IRA). Chính quyền Biden hy vọng dấu mốc chi tiêu này sẽ giúp tiếp tục triển khai năng lượng sạch ngay cả sau lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump, vị Tổng thống đã cam kết hủy bỏ mọi khoản tiền IRA chưa chi.
Tổng thống Mỹ Biden thúc đẩy hơn 100 tỷ USD tài trợ năng lượng sạch trước khi kết thúc nhiệm kỳ
Quan chức chính quyền cho biết sau khi các khoản tiền được cam kết, chúng sẽ được bảo vệ để không bị cắt giảm. Các khoản tiền tài trợ nằm trong các điều khoản của hợp đồng, vì vậy khi các hợp đồng đó được ký kết và thực hiện, việc tuân thủ các điều khoản là vấn đề của luật hợp đồng hơn là vấn đề chính trị. Quan chức này cũng cho biết chính quyền đang trên đà vượt qua mục tiêu "cam kết" hơn 80% tiền tài trợ IRA vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Biden vào tháng tới.
IRA cũng cung cấp các ưu đãi thuế kéo dài trong một thập kỷ cho các dự án năng lượng sạch, trong đó có cả các cơ sở lắp đặt năng lượng gió và năng lượng mặt trời, và việc chấm dứt các khoản trợ cấp đó có thể sẽ cần đến một đạo luật của Quốc hội.
Các khoản tài trợ và trợ cấp của IRA đã thúc đẩy hàng tỷ đô la cho các dự án năng lượng tái tạo trên khắp cả nước Mỹ, với các bang do Đảng Cộng hòa lãnh đạo nhận được phần lớn các lợi ích.
Trong tháng Tám, 18 thành viên Hạ viện Đảng Cộng hòa đã viết thư cho Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson yêu cầu ông không cắt giảm các ưu đãi của luật vì điều đó sẽ gây nguy hiểm cho các khoản đầu tư lớn. Một số đồng minh thân cận của Tổng thống đắc cử Trump cũng được hưởng lợi từ IRA, đặc biệt là các điều khoản thúc đẩy thu giữ và cô lập carbon, cũng như hydro sạch.
Một số dự án góp phần thúc đẩy nguồn tài trợ vượt mốc 100 tỷ USD là hợp đồng trị giá 119 triệu USD do Tổng cục Dịch vụ Công cộng cấp để cung cấp điện cho năm tòa nhà liên bang ở khu vực D.C.; 147 triệu USD cho Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia để thu thập dữ liệu và khoa học nhằm tính đến tác động của biến đổi khí hậu đối với nghề cá; và thêm 256 triệu USD tiền tài trợ và cho vay của Chương trình Năng lượng Nông thôn từ Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Ủy ban Châu Âu ủng hộ phân bổ nhiều quỹ EU hơn cho ngành xe điện
Hôm thứ Ba (3/12), Ủy ban châu Âu đã kêu gọi cung cấp thêm 1 tỷ Eeuro (1,1 tỷ đô la) tiền quỹ của EU để hỗ trợ sản xuất pin xe điện, vì ngành xe điện đang có dấu hiệu chịu áp lực.
Ủy ban cho biết khoản tiền này sẽ là một phần trong tổng số 4,6 tỷ euro được trích từ Quỹ đổi mới của EU để thúc đẩy các công nghệ phát thải ròng bằng không và hydro tái tạo trong khối.
Các nhà sản xuất xe điện châu Âu phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ châu Á nói riêng và nhu cầu đã chậm hơn kỳ vọng, điều này đã ảnh hưởng đến việc làm trong khu vực.
Ủy viên EU Wopke Hoekstra cho biết: "Chúng tôi đang đầu tư 4,6 tỷ Eeuro để hỗ trợ các dự án tiên tiến của châu Âu về công nghệ phát thải ròng bằng không, pin xe điện và hydro tái tạo".
Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang phải vật lộn với nhu cầu yếu và sự chuyển dịch sang xe điện chậm hơn dự kiến, đồng thời cố gắng chống lại sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Liên minh châu Âu đã đề xuất tăng thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất để chống lại những gì họ cho là trợ cấp không công bằng của Trung Quốc.
Hôm thứ Ba, nhà cung cấp ô tô Thụy Sỹ Feintool cho biết họ sẽ đóng cửa một trong những cơ sở của mình tại Đức và cắt giảm tới 200 nhân viên do nhu cầu về xe điện yếu và sự không chắc chắn về sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo.
Biểu thuế năng lượng mặt trời mới của Mỹ đối với 4 nước Đông Nam Á sẽ làm tăng giá, cắt giảm biên lợi nhuận
Hôm thứ Sáu (29/11), các quan chức thương mại Mỹ đã công bố một đợt thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu tấm pin mặt trời từ bốn quốc gia Đông Nam Á, là Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, sau khi các nhà sản xuất Mỹ phàn nàn rằng các công ty ở đó đang tràn ngập thị trường bằng hàng hóa giá rẻ một cách không công bằng.
Đây là quyết định sơ bộ thứ hai trong số hai quyết định mà Bộ Thương mại của chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra trong năm nay trong một vụ kiện thương mại do Hanwha Qcells của Hàn Quốc, First Solar Inc có trụ sở tại Arizona và một số nhà sản xuất nhỏ hơn đưa ra nhằm bảo vệ hàng tỷ đô la đầu tư vào sản xuất năng lượng mặt trời của Mỹ.
Theo quyết định sơ bộ được đăng trên trang web của Bộ Thương mại Mỹ, cơ quan này đã tính toán mức thuế bán phá giá từ 21,31% đến 271,2%, tùy thuộc vào công ty, đối với các tấm pin mặt trời từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Jinko Solar đã nhận mức thuế 21,31% đối với các sản phẩm được sản xuất tại Malaysia và 56,51% đối với các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.
Trina Solar của Trung Quốc đã nhận được mức biên độ bán phá giá là 77,85% đối với các sản phẩm mà công ty này sản xuất tại Thái Lan và 54,46% đối với các sản phẩm mà công ty này sản xuất tại Việt Nam.
Ngược lại, Bộ Thương mại Mỹ không đưa ra bất kỳ mức biên độ bán phá giá nào đối với các sản phẩm Hanwha Qcells được sản xuất tại Malaysia. Vào tháng 10, Bộ này đã tính toán tỷ lệ trợ cấp là 14,72% cho công ty.
Các quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ sẽ được ấn định vào ngày 18/4/2025, với Cục Quản lý Thương mại Quốc tế sẽ hoàn tất các quyết định của mình vào ngày 2/6/2025 và các lệnh cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày 9/6/2025.
Yana Hryshko, Giám đốc nghiên cứu chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời toàn cầu tại công ty tư vấn WoodMackenzie, cho biết các nhà sản xuất bị ảnh hưởng có thể lấy nguồn pin từ Lào và Indonesia thay thế hoặc cắt giảm biên lợi nhuận của họ. "Họ muốn duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ", Hryshko cho biết. "Chi phí sản xuất thực tế ở Đông Nam Á không quá cao so với giá mà họ bán cho Mỹ"./.