Phát triển cây quế theo hướng bền vững

Hơn 20 năm trước, những cây quế đầu tiên ở Thái Nguyên đã bén rễ trên vùng đất Định Hóa, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, có thời điểm người dân không tìm được đầu ra cho sản phẩm quế, giá bán xuống thấp nên diện tích bị thu hẹp lại. Vậy nhưng, khoảng 4 năm trở lại đây, diện tích trồng quế trên địa bàn tỉnh tăng khá mạnh khi các địa phương định hướng người dân phát triển cây trồng này theo hướng sản xuất hàng hóa. Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh đã có trên 5.000ha quế.

Bắt đầu trồng quế từ năm 2020, đến nay, gia đình anh Nông Thanh Oai (Giám đốc HTX dược liệu Sảng Mộc, ở xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai) đã có 12ha quế. Ảnh: H.H

Bắt đầu trồng quế từ năm 2020, đến nay, gia đình anh Nông Thanh Oai (Giám đốc HTX dược liệu Sảng Mộc, ở xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai) đã có 12ha quế. Ảnh: H.H

Loại cây trồng nhiều triển vọng

Trong số các loại cây thân gỗ, quế được xem là cây trồng có nhiều triển vọng, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân trong tỉnh, nhất là ở huyện Định Hóa - nơi đã có hàng nghìn hộ vươn lên thoát nghèo nhờ đầu tư phát triển loại cây trồng này.

Nhờ có chính sách hỗ trợ cây giống của Nhà nước (những hộ trồng quế trong rừng phòng hộ còn được hỗ trợ thêm phân bón) nên diện tích trồng quế ở Định Hóa phát triển khá nhanh.Theo ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện, cây quế rất hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương nên phát triển khá tốt.

Tại một số huyện như Phú Lương và Võ Nhai, cây quế cũng có nhiều triển vọng để phát triển khi điều kiện khí hậu, đất đai khá tương đồng. Ông Nguyễn Văn Hoạt (ở xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh Phú, Phú Lương) cho hay: Cách đây 4 năm, gia đình tôi trồng thử một số cây quế trong vườn nhà. Điều khiến tôi bất ngờ là cây lớn nhanh, thân to khỏe, đến nay đã khép tán, lá xanh tốt, vỏ cây khá dày… Qua trồng thử nghiệm tôi thấy Phú Lương hoàn toàn có thể mở rộng diện tích trồng quế ở những khu rừng sản xuất…

Sống lâu năm, cây quế trưởng thành có thể cao trên 15m. Bộ rễ của cây phát triển mạnh, rễ cọc cắm sâu vào lòng đất, rễ bàng lan rộng, đan chéo nhau nên quế có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt ở vùng đồi núi dốc. Quế cũng được xem là loại cây có sức chống chịu sâu bệnh khá.

Những diện tích quế trồng nhiều năm nay ở Thái Nguyên hầu như không xuất hiện sâu bệnh. Đáng nói, toàn bộ thân, cành, rễ và lá của cây quế đều có thể chưng cất tinh dầu, làm thuốc, làm gia vị. Vỏ quế là nguồn đặc sản xuất khẩu có giá trị. Gỗ quế có màu nâu nhạt, thớ thẳng, mịn, có thể dùng đóng đồ gia dụng, làm nhà…

Để cây quế mang lại nguồn thu nhập cao, hiện nay, người dân trồng quế với mật độ dầy hơn (từ 5.000-6.000 cây/ha). Đẩy mạnh đầu tư thâm canh, từ năm thứ 5, cây bắt đầu cho thu hoạch từ tỉa cành và lá để bán. Với giá bán trên thị trường hiện nay khoảng 1.400 đồng/kg lá, người trồng quế ở Thái Nguyên sẽ có nguồn thu nhập sớm, giúp bà con lấy ngắn, nuôi dài.

Khi cây quế được 6 đến 7 tuổi, người dân có thể bóc vỏ để bán (vỏ quế khô hiện có giá bán khoảng 50.000 đồng/kg). Thân cây sau khi bóc vỏ có giá 1.000 đồng/kg. Hiện tại, thị trường tiêu thụ khá tốt, từ khi cây quế được tỉa cành, bán lá, bóc vỏ đến năm thứ 17 được bán cây, giá trị đạt khoảng 1,3 tỷ đồng/ha.

Cây quế là một trong những loại cây chủ lực để phát triển kinh tế rừng ở huyện Định Hóa. Trong ảnh: Người dân xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng, kiểm tra rừng quế. Ảnh: T.L

Cây quế là một trong những loại cây chủ lực để phát triển kinh tế rừng ở huyện Định Hóa. Trong ảnh: Người dân xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng, kiểm tra rừng quế. Ảnh: T.L

Hình thành vùng sản xuất tập trung

Với mục tiêu phát triển cây quế theo hướng sản xuất hàng hóa, Thái Nguyên đã quy hoạch và định hướng các địa phương hình thành vùng trồng quế tập trung. Từ đó sẽ nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững khi tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu quế và các sản phẩm chế biến từ quế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Định hướng vùng sản xuất quế tập trung của tỉnh thuộc các xã: Bộc Nhiêu, Lam Vỹ, Trung Lương, Phúc Chu, Phú Tiến, Trung Hội, Phượng Tiến, Bảo Linh, Bảo Cường, Kim Phượng, Quy Kỳ, Bình Thành... của huyện Định Hóa. Tại Võ Nhai có các xã Vũ Chấn, Cúc Đường, Nghinh Tường, Sảng Mộc… Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản phẩm quế thu trên 1 chu kỳ đạt 1 tỷ đồng/ha trở lên (15 đến 20 năm).

Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng và thâm canh cây quế cho người dân. Cùng với đó là khuyến khích các địa phương phát triển cây quế theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giống cây và sản phẩm thu được.

Đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến tinh dầu, nhà máy chế biến các sản phẩm từ quế, đảm bảo đầu ra cho người dân. Đồng thời tìm kiếm thị trường, hình thành các chuỗi liên kết từ việc sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm và từng bước xây dựng thương hiệu để sản phẩm quế của Thái Nguyên có chỗ đứng ở thị trường trong, ngoài nước…

Phát triển cây quế một cách bền vững là mục tiêu khá dài hơi của Thái Nguyên. Ngoài những giải pháp nêu trên, thời gian tới tỉnh cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ về giống, phân bón… cho người dân. Bên cạnh đó là chính sách thu hút những doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung, đầu tư chế biến sâu cho sản phẩm quế trên địa bàn tỉnh nói riêng…

Theo mục tiêu Đề án phát triển cây trồng chủ lực của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, cây quế được xác định là 1 trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 có 6.500ha quế, đến năm 2030 có 11.500ha.

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202501/phat-trien-cay-que-theo-huong-ben-vung-6af2da3/
Zalo