Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế
Sau gần 35 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục cùng cả nước thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa cùng sức mạnh của con người Hà Tĩnh.
Thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII, từ tháng 8/1991, Hà Tĩnh được tái lập. Sau ngày tái lập, Hà Tĩnh đứng trước những khó khăn về KT-XH: cơ sở hạ tầng thấp kém, sản xuất hàng hóa chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp (69 USD); nhiều vấn đề xã hội đặt ra cần được tập trung giải quyết.
Trong 5 năm 1991-1995, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIII, với tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cùng với sự giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã giành được nhiều thành quả quan trọng. Nhịp độ tăng trưởng (GDP) bình quân hằng năm đạt 11,3%, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 149 USD (1995).
Trong 5 năm 1996-2000, tốc động tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 7,05%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 1,5 lần; tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP từ 63,5% xuống còn 51%, tăng giá trị công nghiệp, xây dựng từ 10,7% lên 14%, dịch vụ từ 25,8% lên 35%; sản xuất lương thực đạt 46 vạn tấn, bình quân đầu người 370 kg, mức cao nhất trong 6 tỉnh Khu IV.
Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (2006-2010), Hà Tĩnh thực sự chuyển mình, mục tiêu “xây dựng Hà Tĩnh từ một tỉnh nông nghiệp sớm trở thành tỉnh có công nghiệp - dịch vụ phát triển” đạt nhiều kết quả tích cực, kinh tế phát triển nhanh; văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; QP-AN được đảm bảo; quan hệ hợp tác đối ngoại ngày càng mở rộng, phát huy hiệu quả; công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị được tăng cường.
Nhờ thu hút đầu tư đột phá trong lĩnh vực công nghiệp đã tạo “cú hích” đưa kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm, riêng giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng bình quân trên 18%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH-HĐH.
Nhiệm kỳ 2015-2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã giành được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 6,75% (thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (tỷ trọng nông nghiệp còn 12,2%, công nghiệp - xây dựng 45,5%, dịch vụ 42,3%).
Toàn tỉnh có trên 7.500 doanh nghiệp, gần 6 vạn hộ kinh doanh; thu hút được trên 1.300 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký trên 370.000 tỷ đồng, tương đương trên 16 tỷ USD; là tỉnh đứng thứ 9 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với trên 70 dự án có tổng vốn đầu tư gần 13 tỷ USD. Hà Tĩnh có 17 nước và vùng lãnh thổ vào đầu tư. Tỉnh có 2 KKT (KKT Vũng Áng, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo); 25 khu, cụm công nghiệp; có cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương với 59 cầu cảng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là một trong 3 đầu mối giao thương biển quốc tế của Việt Nam thiết kế cho tàu có tải trọng lên đến 20-30 vạn tấn. Theo định hướng phát triển, KKT Vũng Áng được quy hoạch xây dựng trung tâm logistics tại Vũng Áng - Sơn Dương là trung tâm logistics hạng I cấp quốc gia và quốc tế.
Trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, đô thị văn minh Hà Tĩnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, đạt được những kết quả tích cực, trở thành phong trào sâu rộng, bền vững của toàn dân.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển toàn diện. GD-ĐT đạt kết quả nổi bật, nhất là tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia. Thể thao đạt nhiều thành tích cao trong các giải đấu trong nước, quốc tế. Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được tăng cường. Công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội đạt được kết quả rõ nét; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,53%, gần bằng bình quân cả nước. Hợp tác đối ngoại tiếp tục phát huy hiệu quả. QP-AN, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị được tăng cường và đi vào chiều sâu. Tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Đến hết năm 2019, tỉnh đã hoàn thành việc sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã (theo tinh thần Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị), hình thành 34 xã mới, giảm 46 xã. Toàn tỉnh có 216 xã; các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập hoạt động ổn định và đã tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX...
Nhiệm kỳ 2020-2025, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động, phức tạp, khó lường với nhiều diễn biến mới chưa có tiền lệ. Trong nước, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, bất ổn do tác động kéo dài của dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas, các cuộc xung đột quân sự - chính trị ở Bắc Phi, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu suy giảm, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu và yếu tố đầu vào sản xuất tăng, an ninh năng lượng bất ổn... Trong tỉnh, cả hệ thống chính trị vừa tập trung khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển năm 2016, thiên tai, lũ lụt năm 2020, phòng chống dịch COVID-19; vừa phục hồi và phát triển kinh tế, triển khai khối lượng lớn các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Hà Tĩnh, tỉnh đã thực hiện khá hiệu quả “mục tiêu kép”, khắc phục khó khăn, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, từng bước phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng, văn hóa - xã hội đạt kết quả toàn diện, QP-AN được giữ vững, hoạt động đối ngoại được tăng cường, công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực.
Giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng kinh tế ước đạt gần 6%/năm. Tổng thu ngân sách ước đạt 88.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần giai đoạn 2016-2020, tăng bình quân 8%, tăng tỷ trọng thu từ hoạt động SXKD trong cơ cấu thu nội địa. Quy mô nền kinh tế (GRDP) tăng gấp 1,5 lần, GRDP bình quân đầu người tăng từ 63,6 triệu đồng lên 91 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 38,8 triệu đồng lên 53 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp còn 13,4%, công nghiệp - xây dựng 41,9%, dịch vụ 44,7%. Cơ cấu lao động chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.
Năm 2024, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 20 dự án có tổng vốn gần 15.300 tỷ đồng; khởi công dự án VSIP tại huyện Thạch Hà giai đoạn 1 với số vốn đầu tư 65 triệu USD; khởi động dự án Nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast có số vốn đầu tư 7.300 tỷ đồng; dự án Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng quy mô sử dụng đất 965 ha với tổng vốn đầu tư hơn 13.200 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thành lập mới 1.250 doanh nghiệp (DN), nâng tổng số DN toàn tỉnh lên gần 12.500. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang dần được “lấp đầy” với nhiều nhà máy được xây dựng và đi vào hoạt động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Chương trình xây dựng NTM, đô thị văn minh đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn NTM, có 65 xã NTM nâng cao, 17 xã NTM kiểu mẫu; 9/12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.
Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, dữ liệu số tiếp tục được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện theo hướng hiện đại, đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và phục vụ tốt cho người dân, DN. Kết cấu hạ tầng giao thông được triển khai thực hiện đồng bộ; các dự án trọng điểm của cả nước đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo và vượt tiến độ Trung ương giao như dự án: đường điện 500 kV mạch 3 (đoạn Quảng Trạch - Phố Nối đi qua 9 tỉnh, trong đó đoạn đi qua Hà Tĩnh có quy mô lớn nhất trong các tỉnh) bàn giao đúng tiến độ; tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh dài 107,28 km dần được hoàn thành.
Chủ động, đi trước trong xây dựng và triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư các công trình, dự án trọng điểm theo định hướng Quy hoạch tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Lĩnh vực văn hóa, thể thao đạt thành tích nổi bật. Công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm; có thêm 6 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, Mộ và Nhà thờ Lê Hữu Trác được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đã tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng, 10 năm dân ca ví, giặm được UNESCO ghi danh; tổ chức kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và lễ đón nhận bằng vinh danh của UNESCO. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh đạt kết quả tốt. Thể thao thành tích cao tiếp tục được đầu tư, giành nhiều huy chương; thể thao quần chúng phát triển mạnh.
GD-ĐT đạt kết quả khá toàn diện. Tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Chất lượng giáo dục đại trà chuyển biến tích cực; giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao. Phổ cập giáo dục được duy trì vững chắc.
Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả đại dịch trong điều kiện nguy cơ bùng phát dịch cao. Huy động tốt nguồn lực xã hội hóa phòng chống dịch. Hoàn thành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp y tế theo Kết luận số 98-KL/TU của BTV Tỉnh ủy. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các tuyến; tiếp cận được nhiều dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu, dịch vụ tuyến Trung ương, nhiều kỹ thuật mới và hiện đại được chuyển giao cho các bệnh viện, góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên.
Các chính sách an sinh xã hội được triển khai hiệu quả. Quan tâm chính sách người có công, hằng năm chi trả gần 1.000 tỷ đồng cho các đối tượng, xử lý dứt điểm hồ sơ tồn đọng. Ban hành chính sách hỗ trợ thu nhập cho người có công thuộc hộ nghèo; hoàn thành mục tiêu không còn người có công thuộc hộ nghèo. Đến nay, tỉnh đã huy động xã hội hóa xây dựng 105 nhà văn hóa cộng đồng và hơn 8.000 nhà ở kiên cố cho hộ nghèo và gia đình chính sách; hoàn thành chương trình hỗ trợ 1.000 nhà ở của Bộ Công an và tiếp nhận hỗ trợ gần 700 nhà ở của Bộ Quốc phòng và các DN cho chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Quỹ khuyến học nhận hỗ trợ thêm 63 em hoàn cảnh khó khăn học đại học, nâng tổng hỗ trợ lên 426 em học đại học, trong đó, tỉnh hỗ trợ 275 em, các huyện hỗ trợ 151 em, với mức hỗ trợ 100-150 triệu đồng/em trong suốt 4-5 năm học đại học.
Chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số. Triển khai tốt các nhiệm vụ, dự án khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp tỉnh. Phát triển 6 nhãn hiệu cộng đồng cho các sản phẩm địa phương; hướng dẫn 125 tổ chức, cá nhân về trình tự, thủ tục xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp; xây dựng phương án, lộ trình phát triển sản phẩm nhung hươu Hương Sơn. Nghiên cứu đầu tư Trung tâm điều hành, giám sát an toàn, an ninh mạng; hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh; hoàn thiện tốt các hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối quốc gia.
Tích cực, chủ động nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại. Thắt chặt mối quan hệ hữu nghị truyền thống với các tỉnh của nước bạn Lào. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước tại Việt Nam và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng hợp tác quốc tế, kêu gọi, thu hút đầu tư.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy nghiêm túc, kịp thời, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân được quan tâm đổi mới theo hướng sát nhiệm vụ chính trị và xu thế phát triển. Tổ chức các sự kiện chính trị trọng đại của quê hương, đất nước, tạo ấn tượng tốt đẹp về văn hóa và con người Hà Tĩnh với bạn bè trong nước, quốc tế.
Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, khóa XIII, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của BCH Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" được quan tâm.
Việc tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18 của BCH Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay được chỉ đạo thực hiện quyết liệt theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các bước theo quy trình quy định, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân. Sau sắp xếp, Hà Tĩnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 1 thành phố (Hà Tĩnh), 2 thị xã (Hồng Lĩnh, Kỳ Anh) và 9 huyện, giảm 1 huyện (Lộc Hà). Đối với cấp xã, thực hiện sắp xếp 24 đơn vị hành chính gồm 17 xã, 5 phường, 2 thị trấn; trong đó có 11 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 5 đơn vị khuyến khích, 8 đơn vị liền kề, giảm 7 đơn vị.
Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Nêu cao vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đối với việc củng cố, xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; khắc phục tình trạng hình thức, chiếu lệ, tăng sự chủ động, khách quan, độc lập, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Công tác dân vận được chú trọng; hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân được tăng cường.
Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.
Những thành tựu đạt được; những bài học kinh nghiệm được rút ra của Đảng bộ, Nhân dân Hà Tĩnh trong 95 năm qua đã tiếp tục khẳng định: các thế hệ cán bộ, đảng viên, Nhân dân Hà Tĩnh luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đoàn kết, thống nhất, và phát huy ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa cùng sức mạnh của con người Hà Tĩnh. Với niềm tin vững chắc bước vào giai đoạn phát triển mới, Đảng bộ và quê hương Hà Tĩnh quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”.