Nhìn lại kinh tế Mỹ trong 4 năm Tổng thống Joe Biden cầm quyền
Khi nhậm chức năm 2021, ông Biden kế thừa nền kinh tế đình trệ vì đại dịch Covid-19 và chuẩn bị rời nhiệm sở để lại một nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ...
Nhìn thoáng qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden rời nhiệm sở sau 4 năm với nhiều thành tích kinh tế có vẻ ấn tượng: Thị trường lao động vững chắc, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng và người tiêu dùng chi tiêu mạnh. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, một vấn đề tiêu cực phủ bóng đen lên nhiệm kỳ của ông và làm lu mờ mọi thành tích khác. Đó là lạm phát.
Gánh nặng chi phí sinh hoạt do lạm phát với các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình thu nhập thấp, đã làm lu mờ tất cả những điều tốt đẹp khác xảy ra dưới chính quyền Biden. Kể cả khi tốc độ tăng lạm phát đã chậm lại đáng kể so với mức đỉnh giữa năm 2022, người tiêu dùng, nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp tại Mỹ vẫn xem đây là vấn đề cấp bách nhất của mình.
“Khi nhậm chức, ông Biden kế thừa nền kinh tế đình trệ vì đại dịch Covid-19. Và ông ấy chuẩn bị rời nhiệm sở và để lại một nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ”, ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, nhận xét. “Tuy nhiên, trong tâm trí của nhiều người Mỹ, họ chỉ nhớ tới trải nghiệm giá cả leo thang mà mình trải qua những năm vừa qua”.
Do đó, kể cả khi tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh so với thời điểm ông Biden nhậm chức và tăng trưởng kinh tế khiến phần còn lại của thế giới ganh tị theo lời của một số quan chức Mỹ, câu chuyện kinh tế của nhiệm kỳ Biden vẫn có cái kết không mấy vui vẻ.
“Với tôi, lạm phát là một di sản và là điểm khác biệt giữa hai chính quyền”, ông Joseph LaVorgna, nhà kinh tế trưởng Mỹ tại SMBC Nikko Securities và là nhà kinh tế cấp cao trong chính quyền Trump nhiệm kỳ đầu tiên, nhận xét. “Lạm phát dưới thời ông Biden cao gấp hơn 2,5 lần so với trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Đây chính là một chất xúc tác chính cho sự trở lại của ông Trump, chuẩn bị cho một thời kỳ tăng trưởng tốt, lạm phát thấp và ổn định”.
Ông Biden rời nhiệm sở với tỷ lệ tín nhiệm chung chỉ 36% - con số thấp nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Về vấn đề kinh tế, chỉ 33% cử tri Mỹ trong cuộc thăm dò của hãng tin CNN ủng hộ ông.
Trên thực tế, tỷ lệ lạm phát tích lũy tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump từ năm 2017-2021 là dưới 8%. Trong khi đó, con số này trong nhiệm kỳ của ông Biden là 21%. Do đó, tăng trưởng tích lũy của nền kinh tế đạt 11% dưới thời Biden - so với 8,6% thời Trump - dường như không có nhiều ý nghĩa với người dân nước này.
Lạm phát tại Mỹ lập đỉnh trên 9% vào tháng 6/2022 và duy trì ở trên mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) suốt từ tháng 3/2021. Trong khi giá cả của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ duy trì ở mức cao một thời gian dài, tiền lương không theo kịp. Dù có tăng trong năm 2024, mức tăng 19% của lương theo giờ bình quân dưới thời Biden vẫn thấp hơn so với tỷ lệ lạm phát.
Chênh lệch tiền lương và giá cả đẩy niềm tin của người tiêu dùng xuống thấp trong nhiệm kỳ của ông Biden, với chỉ số niềm tin người tiêu dùng theo khảo sát của Đại học Michigan giảm 6%. Trên thực tế, tâm lý người tiêu dùng vào thời điểm ông Biden nhậm chức tháng 1/2021 vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid, khi nhiều người vẫn phải cách ly và giãn cách khỏi gia đình, bạn bè trong kỳ nghỉ vào cuối năm trước đó.
HỆ QUẢ TỪ CHÍNH SÁCH HẬU ĐẠI DỊCH
Sau 4 năm nhiệm kỳ của ông Biden, tài sản của các hộ gia đình tăng lên và họ vẫn tiếp tục chi tiêu. Dữ liệu từ Fed doanh số bán lẻ tại Mỹ hiện tăng hơn 20% và tài sản của các hộ gia đình tăng 28% so với cuối năm 2020. Đóng góp lớn nhất cho điều này là thị trường chứng khoán khởi sắc và giá trị bất động sản tăng lên.
Kể từ khi ông Biden nhậm chức, giá cổ phiếu của các công ty công nghệ Mỹ tiên phong về công nghệ trí tuệ nhân tạo tăng vọt, tạo động lực cho toàn thị trường tăng lên. Chỉ riêng chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 40%, còn chỉ số Nasdaq gồm các cổ phiếu vốn hóa lớn tại Thung lũng Silicon tăng gần 50%. Trong nhiệm kỳ của ông Biden, giá nhà tại Mỹ tăng 25%, trong khi giá trị bất động sản của các hộ gia đình tăng 42%.
Tuy nhiên, giấc mơ sở hữu nhà ở Mỹ ngày càng xa vời khi giá nhà lẫn lãi suất vay thế chấp mua nhà cùng tăng. Lãi suất vay thế chấp mua nhà bình quân kỳ hạn 30 năm tại Mỹ hiện là khoảng hơn 7%, cao gấp đôi so với thời điểm tháng 1/2021.
Bên cạnh đó, tài sản của các hộ gia đình tăng lên không đồng đều khi chỉ những hộ có nguồn tiền đầu tư chứng khoán mới giàu lên. Theo dữ liệu từ Fed, nhóm 1% giàu nhất hiện nắm giữ 30,8% tổng tài sản của các hộ gia đình, mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Nhóm này nắm giữ gần 50% tổng tài sản liên quan tới thị trường chứng khoán, tăng đáng kể trong vài năm qua. 50% người thu nhập thấp tại Mỹ chỉ nắm giữ 1% tài sản trên thị trường chứng khoán - một con số dù ít nhưng thực tế đã tăng gấp đôi trong nhiệm kỳ của ông Biden.
Nói về nguyên nhân lạm phát trong nhiệm kỳ của ông Biden, các nhà kinh tế và giới hoạch định chính sách cho rằng sự mất cân bằng cung-cầu vào giai đoạn đầu của đại dịch đã đẩy giá hàng hóa lên cao do gián đoạn chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, hàng nghìn tỷ USD được rót vào nền kinh tế thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm ngăn thiệt hại do Covid đã làm trầm trọng thêm vấn đề khi có quá nhiều tiền nhưng quá ít hàng hóa. Cuối cùng, phản ứng chính sách được đánh giá là chậm của Fed là một nguyên nhân khiến lạm phát ở Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục.
Các biện pháp kích thích kinh tế hậu đại dịch, bao gồm chương trình American Rescue Plan trị giá 1,9 nghìn tỷ USD và đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 của ông Biden, vấp phải chỉ trích. Nhiều người cho rằng các chính sách này đã gia tăng gánh nặng lạm phát cho nền kinh tế, dù một số nhà kinh tế cho rằng đây là những chính sách mang lại lợi ích cho nhiều năm sau.
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ
“Tăng trưởng kinh tế rất tốt và thị trường lao động vững chắc. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Cái giá phải trả là gì?”, ông LaVorgna nói.
Cái giá mà ông LaVorgna đề cập là chi tiêu ngân sách liên bang tăng mạnh, trong đó thâm hụt ngân sách năm 2024 là 1,8 nghìn tỷ USD. Nợ công Mỹ gần đây vượt mốc 36 nghìn tỷ USD. Năm 2024, riêng tiền lãi cho các khoản vay nợ công của Chính phủ Mỹ là hơn 1 nghìn tỷ USD. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 1,2 nghìn tỷ USD trong năm nay.
Năm 2023, tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP của Mỹ là hơn 6%. Nếu không tính năm 2020 khi đại dịch ập đến (14%), đây là mức thâm hụt ngân sách/GDP cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008.
Về thị trường lao động, theo các nhà phân tích, phần lớn tăng trưởng việc làm đến từ khu vực chính phủ và y tế - với mối liên hệ chặt chẽ với các chính sách tài khóa của chính phủ. Bên cạnh đó là tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực giải trí, nhà hàng, khách sạn khi lao động mất việc trong đại dịch lấy lại được việc làm.
Chuẩn bị rời Nhà Trắng, ông Biden để lại một loạt câu hỏi về những thứ mà người kế nhiệm có thể làm tốt hơn và những thứ có thể dễ dàng đi theo hướng tồi tệ hơn.
“20 năm tới nhìn lại thời điểm này, các nhà kinh tế có thể sẽ nhận xét nhiệm kỳ của ông Biden để lại những thành tích tuyệt vời. Câu chuyện chưa kết thúc ở đây. Nhưng theo tôi, lịch sử sẽ đánh giá nhiệm kỳ của ông Biden như một giai đoạn chuyển tiếp của các cuộc khủng hoảng trong tương lai”, ông Zandi của Moody’s Analytics phát biểu.