Phật pháp đời thường qua lời sa môn Thích Pháp Hòa
Cuộc sống hiện đại đầy áp lực và vội vã, nhiều người trẻ đang tìm đến những phương pháp chữa lành như thiền, chánh niệm hay sống chậm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ thời gian hoặc sự kiên nhẫn để đọc hết những bộ kinh Phật dày hàng trăm trang, hay tham dự một khóa tu trọn vẹn.
Trong bối cảnh đó, Chia sẻ từ trái tim và Con đường chuyển hóa của Sa môn Thích Pháp Hòa trở thành chiếc cầu nối đưa Phật pháp đến gần hơn với đời sống thường nhật một cách mộc mạc, chân thành và dễ tiếp nhận.
Hai cuốn sách là tuyển tập những bài pháp thoại được nhiều người yêu mến của thầy Pháp Hòa, được chọn lọc kỹ lưỡng, giữ nguyên giọng văn mộc mạc nhưng thấm đẫm chiều sâu. Không triết lý cao siêu, không lý thuyết khô cứng, mỗi trang sách như một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng giữa một người thầy và những người đang loay hoay giữa bộn bề cuộc sống: Làm sao để bớt phiền não? Làm sao để hiểu mình, hiểu người, và sống tử tế hơn?...

Bộ sách của Sa môn Thích Pháp Hòa. Ảnh: Huỳnh Quỳnh.
Với lối kể chuyện dung dị, gần gũi, sa môn Pháp Hòa khéo léo gợi mở cách nhìn lại chính mình qua từng tình huống rất đời thường như cách phản ứng khi bị tổn thương, khi bất đồng ý kiến, hoặc khi thấy người khác làm sai….
Một trong những ví dụ thú vị khiến người đọc phải suy ngẫm là khi tác giả nói về các “thừa” trong Phật giáo: “Thừa có nghĩa là xe. Nói về xe là nói về khả năng chuyên chở. Hồi nãy quý vị đi tới đây bằng xe gì? Xe buýt? Xe buýt chở được năm, sáu chục người, vậy là phải đi hai xe. Một số người đi tự túc, tức là xe bốn chỗ hay bảy chỗ. Xe bốn chỗ hay bảy chỗ cũng là xe, phải không? Xe buýt là đại thừa, xe bảy chỗ là trung thừa, xe bốn chỗ là tiểu thừa, còn không đi xe nào hết là đổ thừa. Đổ thừa tại mưa nên tôi không đi. Phật dạy ba thừa thôi, mình tu làm sao mà lại thêm một thừa nữa - thừa của mình là đổ thừa. Người làm biếng luôn có cách để đổ thừa”.
Từ một ví dụ hài hước và gần gũi như thế, sa môn Pháp Hòa không chỉ làm nhẹ đi không khí tu học, mà còn gửi gắm thông điệp sâu sắc: Đừng viện cớ, đừng trì hoãn. Việc tu tập không chờ hoàn cảnh lý tưởng, mà bắt đầu từ chính giây phút hiện tại, từ việc nhận ra và chịu trách nhiệm với chính mình.

Sa môn Thích Pháp Hòa.
Không giáo điều, không triết lý cao siêu, cả hai cuốn sách khơi mở một con đường tu tập không xa rời thực tại, mà thấm vào từng hơi thở, từng lựa chọn, từng cách phản ứng với cuộc sống. Những bài học về chánh niệm, từ bi hay buông xả không chỉ dành cho người đã "thành tâm tu", mà dành cho bất kỳ ai đang loay hoay giữa guồng quay cuộc đời, cần một điểm tựa để sống tử tế và an trú hơn mỗi ngày.
Nếu như Chia sẻ từ trái tim là lời tâm tình nhẹ nhàng về cách sống tỉnh thức giữa đời thường, thì Con đường chuyển hóa giống như một bản đồ thực hành dành cho những ai muốn đi xa hơn trên hành trình tu học.
Như sa môn Thích Pháp Hòa từng nhắn nhủ: “Mình tu không phải để trở thành người an phận, cũng như mình không làm việc nguy hiểm để chứng tỏ mình anh hùng. Quan trọng là mình sống với hiện tại và biết hiện tại mình đang làm gì. Có chánh niệm với hiện tại”.
Và với Chia sẻ từ trái tim cùng Con đường chuyển hóa, mỗi người chúng ta dù đang đi nhanh, đi chậm hay đôi lúc đi lạc đường đều có thể bắt đầu lại. Chỉ cần một điều: đừng đổ thừa.