Phạt nặng - Ý thức cao? - Bài cuối: Để việc tuân thủ luật giao thông trở thành thói quen

Các chuyên gia cho rằng, muốn giảm thiểu vi phạm giao thông cần chuyển hóa việc chấp hành quy định của pháp luật về giao thông thành nếp sống, nét văn hóa. Khi đó, việc thực hiện không phải do bắt buộc mà như một lẽ tự nhiên.

 Một trường hợp vi phạm lỗi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông bị lực lượng cán bộ, chiến sỹ đội Cảnh sát giao thông số 7 dừng xe, kiểm tra và xử lý. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Một trường hợp vi phạm lỗi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông bị lực lượng cán bộ, chiến sỹ đội Cảnh sát giao thông số 7 dừng xe, kiểm tra và xử lý. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Những tiền lệ

Trong quản lý trật tự hành chính, kinh nghiệm cho thấy, việc tăng mức xử phạt sẽ tác động mạnh đến ý thức chấp hành của người dân. Thực tế đã chứng minh điều này. Trước khi có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên mô tô, xe gắn máy, rất hiếm người đội mũ bảo hiểm dù hầu hết đều biết, khi xảy ra tai nạn giao thông, mũ bảo hiểm hạn chế được rất nhiều vụ chấn thương sọ não.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, quy định kể từ ngày 15/12/2007, người đi môtô, xe máy trên tất cả các tuyến đường đều bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.

Vào thời điểm đó, đã có nhiều ý kiến trái chiều quanh chủ trương này. Những lý do trì hoãn việc thực hiện quy định được đưa ra như: Mỗi cơ quan phải có một chỗ để mũ bảo hiểm, đi đâu cũng phải kè kè ôm cái mũ vì sợ mất cắp, tốn kém không cần thiết...

Nhưng sau khi áp dụng quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm và xử phạt người không chấp hành, đến thời điểm hiện tại, số người không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông chỉ còn một tỷ lệ rất thấp. Và điều quan trọng là những lợi ích đã có thể được nhận thấy ngay lập tức.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, lần đầu tiên trong 11 tháng năm 2008, tai nạn giao thông đều giảm cả 3 mặt (về số vụ, số người chết và số người bị thương) so với các tháng tương ứng của năm 2007.

Theo thời gian, tỷ lệ những trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã giảm rõ rệt. Cục Cảnh sát giao thông cho biết, trong quý I/2024, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 275.130 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 26,8% tổng số vụ vi phạm). Tính chung cho cả 9 tháng năm 2024 (tính từ ngày 15/12/2023 đến 14/9/2024), tỷ lệ vi phạm nồng độ cồn chỉ còn chiếm 19,14% các hành vi vi phạm.

Riêng tai nạn giao thông đường bộ giảm 1.486 người chết (giảm 12,86%); giảm 2.435 người bị thương (giảm 25,45%); số bệnh nhân do tai nạn giao thông giảm 17,2%; số người bị chấn thương sọ não giảm 24,8%, số bệnh nhân bị tử vong tại bệnh viện vì tai nạn giao thông giảm 5,9%.

Tương tự là quy định về xử phạt người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu. Dư luận cũng từng tranh luận về vấn đề này, thậm chí ngay trên diễn đàn Quốc hội cũng đã có nhiều ý kiến.

Khi thảo luận về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, với quy định về cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với tài xế, nhiều đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Có đại biểu viện dẫn công bố của Tổ chức Y tế thế giới năm 2018 ở 194 quốc gia, vùng lãnh thổ, theo đó, chỉ có 2 quốc gia, vùng lãnh thổ có quy định tỷ lệ nồng độ cồn trong máu là 0. Còn lại 90% quốc gia quy định mức 0,03% mới là ngưỡng vi phạm.

Từ hình ảnh của hệ thống camera giám sát, Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vượt đèn đỏ - Ảnh: TTXVN

Từ hình ảnh của hệ thống camera giám sát, Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vượt đèn đỏ - Ảnh: TTXVN

Tăng mức phạt cần đi đôi với đẩy mạnh tuyên truyền

Trở lại với quy định tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm giao thông, hiện nay ý thức tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam còn chưa cao. Việc vi phạm không chỉ ở những người tham gia giao thông mà còn ở cả những người... không tham gia giao thông nhưng chiếm dụng công trình giao thông.

Muốn giảm thiểu vi phạm giao thông cần chuyển hóa hành vi tham gia giao thông thành văn hóa. Một khi thành văn hóa thì mọi người thực hiện không bởi sự bắt buộc mà như một lẽ tự nhiên. Muốn đạt tới điều này, rõ ràng phải thường xuyên, liên tục, chứ không phải câu chuyện phạt nặng hay nhẹ. Bởi tất cả các hình phạt sinh ra không phải để cố đạt đến chỉ số phạt làm sao được nhiều tiền nhất, phạt sao được nhiều người nhất mà là để người ta không vi phạm nữa. Điều này tôi nghĩ không dễ gì có ngay được. Nhưng rõ ràng, đích của chúng ta là phải đạt đến câu chuyện đó”.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học

Phơi nông sản trên đường quốc lộ, bắc rạp đám cưới trên đường quốc lộ, dừng xe ăn nhậu trên đường cao tốc... là những ví dụ. Nói như vậy để thấy việc vi phạm pháp luật giao thông khá đa dạng và mặc nhiên được một bộ phận không nhỏ người dân thừa nhận. Chính vì thế, rất cần có những hình thức xử lý nghiêm khắc để lập lại trật tự giao thông.

Xét cho đến cùng, mức phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, dù cao nhưng chắc chắn không đẩy con người đến chỗ phá sản, "triệt đường sống" của ai cả. Bên cạnh đó, nhiều hành vi vi phạm là lỗi cố ý. Đồng nghĩa với việc người vi phạm hoàn toàn ý thức được nguy cơ bị phạt nhưng họ đã lựa chọn hành vi vi phạm.

Cùng với tăng mức xử phạt thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật, tạo sự đồng thuận trong đông đảo người dân là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Trong những ngày đầu thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, trên nhiều tài khoản mạng xã hội đã đăng tải những bức ảnh mà ở đó các phương tiện giao thông xếp thành hàng thẳng tắp trước... vạch vôi ngã tư đường, chờ đèn đỏ.

Nhiều "điểm nóng", "điểm đen" vi phạm giao thông đã có dấu hiệu "chuyển mình" chỉ sau một đêm. Suy cho cùng, một chủ trương đúng nhằm phục vụ lợi ích chung thì dù khó khăn đến mấy cũng cần thực hiện bằng được...

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý hơn 4,3 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; phạt tiền gần 7,9 nghìn tỷ đồng. So với năm 2023, xử lý tăng gần 27%, tiền phạt tăng gần 20%.

Đánh giá về tình hình trật tự an toàn giao thông sau những ngày đầu triển khai Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, những kết quả tích cực đã được ghi nhận khi phần lớn người dân nghiêm túc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn giao thông. Đa số người tham gia giao thông chấp hành việc dừng đèn đỏ, dừng đúng vạch, không vượt đèn đỏ. Đây được coi là bước khởi đầu quan trọng trong việc nâng cao ý thức của người dân, từ đó góp phần xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu nguy cơ tai nạn, mang đến sự an toàn cho người tham gia giao thông.

Luật sư Lê Văn, Công ty TNHH Luật Gia An - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phat-nang-y-thuc-cao-bai-cuoi-de-y-thuc-tuan-thu-luat-giao-thong-tro-thanh-thoi-quen-20250114175305971.htm
Zalo