Đưa quan hệ Việt Nam với WEF, Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả

Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc, tham dự Hội nghị thường niên WEF lần thứ 55 tại Davos, Thụy Sĩ (Hội nghị WEF Davos) và làm việc song phương tại Thụy Sĩ từ ngày 15 đến 23-1.

Hội nghị WEF Davos năm nay có chủ đề "Hợp tác vì kỷ nguyên thông minh", bao gồm 5 nội dung trọng tâm: (i) Tái định hình tăng trưởng; (ii) Các ngành công nghiệp trong kỷ nguyên thông minh; (iii) Đầu tư vào nguồn nhân lực; (iv) Bảo vệ hành tinh; (v) Tái thiết lòng tin. Hội nghị dự kiến có sự tham dự của khoảng 2.700 đại biểu, trong đó có khoảng 60 người đứng đầu các chính phủ, nhà nước, tổ chức quốc tế và đại diện hoàng gia các nước, lãnh đạo các tập đoàn lớn, các giáo sư, học giả, đại diện các tổ chức phi chính phủ...

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều sự bất định, với thuận lợi và thách thức đan xen. Trong khi đó, khoa học-công nghệ và xu hướng đổi mới sáng tạo có sự phát triển đột phá, tác động sâu rộng, đa chiều trên phạm vi toàn thế giới, đặt ra nhiều yêu cầu mới trong quản lý, quản trị toàn cầu.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF, ngày 26-6-2023. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF, ngày 26-6-2023. Ảnh: VGP

Thời gian qua, hợp tác giữa Việt Nam và WEF ngày càng được triển khai mạnh mẽ và thực chất. Lãnh đạo hai bên thường xuyên tiếp xúc, thúc đẩy các chương trình hợp tác, triển khai hiệu quả biên bản ghi nhớ được ký kết giữa hai bên giai đoạn 2023-2026. Ngày 25-9-2024, hai bên khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP Hồ Chí Minh, là C4IR thứ hai trong mạng lưới 19 C4IR của WEF trên toàn cầu.

Việc WEF liên tục mời Thủ tướng Chính phủ tham dự hội nghị thường niên toàn cầu cho thấy vai trò, vị thế, uy tín quốc tế ngày càng gia tăng của Việt Nam; đồng thời khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, những nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, phát triển, giải quyết các vấn đề toàn cầu. Đây còn là dịp để Việt Nam chuyển tải thông điệp về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và những tiềm năng, lợi thế, cơ hội của Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh; qua đó khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong tiếp tục đổi mới tư duy, sáng tạo, đột phá; phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, biến ý tưởng thành hành động, kết quả cụ thể.

Song song với đó, quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ cũng phát triển tích cực. Hai bên duy trì thường xuyên tiếp xúc cấp cao, nổi bật gần đây là việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thống Thụy Sĩ nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ (tháng 10-2024). Thụy Sĩ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều 11 tháng đầu năm 2024 đạt 732,7 triệu USD. Tháng 8-2021, Thụy Sĩ đã hỗ trợ Việt Nam 13 tấn thiết bị y tế trị giá 5,5 triệu USD để phòng, chống dịch Covid-19. Gần đây, Thụy Sĩ cử 6 chuyên gia về sạt lở đất đến Việt Nam nghiên cứu, hỗ trợ, giúp khắc phục hậu quả bão Yagi. Hợp tác song phương trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và văn hóa, du lịch còn nhiều tiềm năng phát triển.

Năm 2025, Việt Nam cùng Ba Lan và Séc kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2025). Trong suốt 3/4 thế kỷ qua, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với Ba Lan và Séc đã phát triển tốt đẹp, ngày càng đi vào chiều sâu thông qua duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế.

Trong quan hệ Việt Nam-Ba Lan, hai bên duy trì mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt; thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, nổi bật gần đây là đoàn Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm Ba Lan (tháng 3-2024) và đoàn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan thăm Việt Nam (năm 2023). Về kinh tế-thương mại, Ba Lan là đối tác hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung và Đông Âu; Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Ba Lan tại ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều giai đoạn 2021-2023 đều đạt hơn 2,5 tỷ USD/năm. Kim ngạch trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 3,151 tỷ USD. Ba Lan là một trong những nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ 1,4 triệu liều vaccine và 8 tấn thiết bị y tế trị giá 4 triệu USD giúp Việt Nam đối phó với dịch Covid-19. Hợp tác trong các lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, văn hóa, lao động phát triển tích cực.

Trong quan hệ Việt Nam-Séc, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, nổi bật gần đây là đoàn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm Séc (tháng 6-2023) và đoàn Thủ tướng Séc Petr Fiala thăm Việt Nam (tháng 4-2023). Về kinh tế-thương mại, Séc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Trung và Đông Âu; Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Séc trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 1,8 tỷ USD. Séc là một trong những nước châu Âu phê chuẩn sớm Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA). Hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, khoa học-công nghệ, văn hóa, thể thao phát triển tích cực. Cộng đồng người Việt Nam ở Séc có khoảng 100.000 người, hội nhập tốt với xã hội sở tại, được Séc công nhận là dân tộc thiểu số vào năm 2013, có truyền thống đoàn kết, hướng về quê hương, đóng góp tích cực cho xã hội sở tại và quan hệ hai nước.

Chuyến thăm chính thức Ba Lan và Séc, tham dự Hội nghị WEF Davos 2025 và làm việc song phương tại Thụy Sĩ của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là minh chứng rõ nét cho sự phát triển tích cực, tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt; đồng thời, khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy tin cậy chính trị, đưa quan hệ hợp tác với WEF, Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, phù hợp với tình hình mới.

Chúng ta cùng chúc cho chuyến thăm chính thức Ba Lan, Séc; tham dự Hội nghị WEF Davos 2025 và làm việc song phương tại Thụy Sĩ của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thành công tốt đẹp, góp phần củng cố môi trường quốc tế thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dua-quan-he-viet-nam-voi-wef-ba-lan-sec-va-thuy-si-di-vao-chieu-sau-thuc-chat-hieu-qua-811499
Zalo