Đi 65km từ quê lên Hà Nội bằng thời gian di chuyển 2km khi ùn tắc

'Ùn tắc ở Hà Nội ghê quá. Tôi di chuyển từ huyện Gia Bình, Bắc Ninh lên cầu Vĩnh Tuy khoảng 65km hết 1h15p. Tuy nhiên, từ cầu Vĩnh Tuy đến Lò Đúc chỉ khoảng 2km nhưng cũng di chuyển hết 1 tiếng', anh Nguyễn Văn Kha chia sẻ.

Không còn dám đi xe trên vỉa hè

Nhà chị Thoa ở trong ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Trãi, thuộc phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân). Từ nhà chị đến cơ quan làm việc tại quận Hoàn Kiếm khoảng 10km. Đoạn đường chị đi làm thường ùn tắc vào giờ cao điểm. Vì thế, chị chọn di chuyển bằng xe máy để đi làm.

Người dân di chuyển trên đường Nguyễn Trãi

Người dân di chuyển trên đường Nguyễn Trãi

Hằng ngày, chị đi làm lúc 7h20, đến cơ quan chừng 7h55 hoặc đúng 8h. Chị bảo, nhiều hôm đoạn đường Nguyễn Trãi ùn tắc, chị leo lên vỉa hè để di chuyển theo hướng Ngã Tư Sở- Xã Đàn- Đại Cồ Việt- phố Huế. Thậm chí, hôm nào tắc quá, chị đi ngược đường đoạn từ Cự Lộc đến Vũ Tông Phan để ra Yên Lãng - Xã Đàn để đến cơ quan. Hoặc khi di chuyển đến các nút giao, nếu đèn tín hiệu vừa chuyển sang màu vàng, chị sẽ “cố vượt”. Do đó, chị ít khi đi làm muộn.

Thế nhưng, từ ngày 1/1, khi Nghị định 168 có hiệu lực, thời gian di chuyển của chị tăng thêm ít nhất 30 phút mỗi chiều. Bởi lẽ, tuyến đường Nguyễn Trãi thường xuyên ùn tắc nhưng chị không dám “liều” leo lên vỉa hè hay đi ngược chiều như trước nữa. Để đến cơ quan đúng giờ, chị phải đi làm từ lúc 7h, sớm hơn trước đây 30 phút nhưng nhiều hôm vẫn đến cơ quan muộn.

Ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi

Ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi

Không chỉ lúc đi làm mà khi về chị Thoa cũng phải mất thêm nhiều thời gian di chuyển. Khoảng 17h15 chị bắt đầu về nhưng hôm nào sớm thì 18h30 hoặc hơn 19h chị mới đến nhà do ùn tắc kéo dài.

Vợ chồng chị có 1 con mới 4 tuổi. Thuận lợi là con học trường gần nhà và ở gần ông bà. Vì thế, trước đây, chị chỉ nhờ ông bà đón cháu, nhưng bây giờ chị phải nhờ ông bà cho con ăn uống, tắm giặt thậm chí nấu cơm luôn cho cả vợ chồng chị. Về đến nhà bố mẹ, chị ăn vội bát cơm rồi đón con về nhà, tắm giặt, dọn dẹp rồi cho con đi ngủ. "Chỉ cần bị phạt một lần bằng thu nhập cả tháng nên tôi không dám liều. Đành cố gắng đi làm sớm và nhờ bố mẹ hỗ trợ thêm", chị Thoa chia sẻ.

Đường Nguyễn Trãi thường xuyên ùn tắc nhưng người dân không dám leo lên vỉa hè vì sợ bị phạt

Đường Nguyễn Trãi thường xuyên ùn tắc nhưng người dân không dám leo lên vỉa hè vì sợ bị phạt

Tình trạng ùn tắc giao thông những ngày cuối năm đã ảnh hưởng đến nhiều người lao động. Trong đó, có những người hành nghề tài xế. Anh Nguyễn Văn Thắng (quê Thanh Hóa) là tài xế công nghệ. Anh cho biết, trước đây mỗi ngày nhận được khoảng 15 chuyến xe, thu nhập trung bình khoảng 400.000 đồng/ngày sau khi trừ chi phí.

Người đàn ông này cho biết, cánh tài xế xe ôm nói chung mỗi khi đường đông hoặc ùn tắc thường luồn lách, leo lên vỉa hè thậm chí vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Thế nhưng, sau khi Nghị định 168 tăng mức phạt, có tài xế vượt đèn đỏ bị phạt 5 triệu, trong khi cuốc xe có 30.000 đồng nên anh không dám vi phạm nữa. “Đường ùn tắc suốt cả ngày, di chuyển thì nhích từng tí một, vừa lâu, vừa xót tiền xăng nhưng cũng không dám liều", anh Thắng chia sẻ.

Anh Thắng cũng cho biết, hiện nay tài xế công nghệ chịu nhiều áp lực, nhất là những tài xế giao đồ ăn. Nếu tài xế tới quán lấy đồ ăn muộn thì bị quán trách chậm chạp. Sau khi tài xế nhận đồ ăn để đi giao nhưng ùn tắc không di chuyển nhanh được cũng bị khách hàng ý kiến, thậm chí đánh giá 1 sao.

Tài xế xe đường dài xin nghỉ

Anh Nguyễn Văn Kha - Phó Giám đốc một công ty xây dựng tại Bắc Ninh cho biết, cách đây vài hôm có lên Hà Nội công tác. Anh di chuyển từ huyện Gia Bình (Bắc Ninh) đến cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) khoảng 65 km hết 1h15 phút. Thế nhưng, từ cầu Vĩnh Tuy đến Lò Đúc, chưa đầy 2km nhưng do ùn tắc anh di chuyển mất đúng 1h tiếng. Nguyên nhân bởi đường nhỏ, phương tiện tham gia giao thông đông, cùng với đó không ai dám cố đi khi đèn tín hiệu giao thông chuẩn bị chuyển màu. "Ùn tắc ở Hà Nội ghê quá. Thời gian di chuyển 65km từ quê lên Thủ đô bằng thời gian di chuyển 2km tại Hà Nội", anh Kha chia sẻ.

Những ngày cuối năm, nhiều tuyến đường tại Hà Nội thường xuyên ùn tắc.

Những ngày cuối năm, nhiều tuyến đường tại Hà Nội thường xuyên ùn tắc.

Trong khi đó, anh Phong - Giám đốc một công ty vận tải tại Hà Nội đang lo đối mặt với "làn sóng" tài xế nghỉ việc. Anh cho biết, công ty có khoảng 20 xe tải chở hàng chạy đường dài với khoảng 30 tài xế. Nhưng vài ngày gần đây, nhiều tài xế cho biết, sau Tết Nguyên đán sẽ xin nghỉ tìm việc khác, bởi mức phạt cho một số lỗi vi phạm "thường gặp" quá lớn. “Thu nhập của tài xế trung bình từ 12- 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chỉ cần một lỗi như vượt đèn đỏ là "bay" cả tháng lương, thậm chí còn âm. Chẳng có ai dám chắc chạy cả nghìn km mà không mắc lỗi nào”, anh Phong chia sẻ.

Đại diện Phòng CSGT cho biết, những ngày gần đây tình trạng tắc đường diễn ra không chỉ giờ cao điểm mà cả trưa và tối. Nguyên nhân một phần do Nghị định 168 có hiệu lực, người dân đã dừng đúng vạch khi đèn đỏ, không lấn làn hay đi trên vỉa hè. Bên cạnh đó, gần đến Tết, lượng phương tiện từ các tỉnh đổ về Thủ đô cũng tăng mạnh và người dân cũng đi sắm Tết nhiều hơn.

Những ngày qua, Công an thành phố, Phòng CSGT đã tăng cường lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương để phân luồng, giảm ùn tắc giao thông.

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/di-65km-tu-que-len-ha-noi-bang-thoi-gian-di-chuyen-2km-khi-un-tac-post1709399.tpo
Zalo