Phát huy vai trò lao động di cư trong nước với phát triển kinh tế Đông Nam Bộ
Lao động di cư trong nước đóng góp lớn vào phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, tuy nhiên cũng đặt ra những thách thức cần giải quyết.
![Không khí lao động tại tỉnh Bình Dương - thủ phủ công nghiệp hàng đầu cả nước - đã sôi động trở lại ngay từ những ngày đầu năm. (Ảnh: TTXVN phát)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_293_51446905/6fead7f1e3bf0ae153ae.jpg)
Không khí lao động tại tỉnh Bình Dương - thủ phủ công nghiệp hàng đầu cả nước - đã sôi động trở lại ngay từ những ngày đầu năm. (Ảnh: TTXVN phát)
Đông Nam Bộ gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh. Đây là khu vực định hướng trở thành vùng phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.
Vì vậy, nhiều địa phương thuộc vùng có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Đồng thời, Đông Nam Bộ cũng thu hút nhiều lao động đến từ các địa phương trong nước, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội vùng.
Thu hút nhiều lao động
Báo cáo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, về tình hình lao động di cư trong nước đến Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn trước và sau COVID-19 cho thấy: Người lao động từ nhiều địa phương trong cả nước chọn đến Thành phố lao động vì đây là nơi có kinh tế phát triển, nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ đa dạng, nhiều cơ hội việc làm. Đây là đội ngũ có đóng góp vào nền kinh tế Thành phố, đồng thời góp phần cải thiện kinh tế địa phương - quê nhà của người lao động.
Giai đoạn trước đại dịch COVID-19 (năm 2017-2019), tỷ lệ lao động di cư đến Thành phố Hồ Chí Minh làm việc chiếm khoảng 52% tổng số lao động đang làm việc trên địa bàn toàn thành phố. Giai đoạn sau đại dịch COVID -19 ( năm 2022-2024) tỷ lệ này là khoảng 50%.
Chuyên gia Nguyễn Thành Sơn và Phạm Thị Linh (Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: Thành phố có quy mô dân số đông, trình độ phát triển kinh tế-xã hội ở mức cao, bên cạnh đó còn là trung tâm khoa học, công nghệ, văn hóa, chính trị, đầu mối giao thương nội địa và quốc tế lớn của đất nước. Những yếu tố đó thu hút lượng lớn người từ các vùng, khu vực trong nước tự do đến Thành phố lao động, học tập và sinh sống. Đây là một tất yếu khách quan, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bổ sung nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động của Thành phố Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, từ năm 2021 đến năm 2024, mỗi năm trung bình Thành phố có 141.000 lao động được tạo việc làm mới, trong đó có nhiều lao động đến từ các địa phương trong cả nước. Tỷ lệ thất nghiệp của người lao động tại khu vực đô thị của Thành phố giảm qua từng năm, cụ thể năm 2021 là 4,29%, đến năm 2024 giảm còn 3,81%.
![Chế biến thực phẩm xuất khẩu trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_293_51446905/dc82659951d7b889e1c6.jpg)
Chế biến thực phẩm xuất khẩu trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Tương tự, Bình Dương cũng là địa phương ở Đông Nam Bộ thu hút nhiều lao động di cư trong nước đến làm việc. Hiện nay, tỉnh có 29 khu công nghiệp, 10 cụm công nghiệp và hàng nghìn nhà máy hoạt động nằm xen kẽ trong các khu dân cư với khoảng 1,3 triệu lao động, trong đó trên 70% là người lao động nhập cư, chung tay phát triển kinh tế địa phương.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Nhung (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) và cộng sự nhận định: những lao động đến Bình Dương đã tạo ra sự thay đổi và đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng kinh tế-xã hội, chỉ số giá cả và cân đối nguồn nhân lực... đặc biệt là đáp ứng nhu cầu lao động cho doanh nghiệp tại tỉnh. Đây là cơ sở để chính quyền có các chính sách dịch chuyển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống người lao động, cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội.
Giải quyết các thách thức
Cùng với lực lượng lao động tại chỗ, lao động đến từ các địa phương trong cả nước đang có nhiều đóng góp tích cực vào phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế địa phương, vùng và cả nước. Tuy nhiên, thực tế này cũng làm nảy sinh nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi các cấp, ngành địa phương tiếp tục có biện pháp quan tâm, hỗ trợ người lao động phù hợp. Đồng thời, bản thân người lao động cần nỗ lực khắc phục khó khăn, trau dồi nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu thị trường lao động nơi mình chọn đến làm việc.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Hương, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phân tích: khách quan nhìn nhận, lực lượng lao động ngoại tỉnh có đóng góp rất lớn về nguồn nhân lực, cơ cấu lao động trẻ, tăng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, họ đến Thành phố làm việc, mưu sinh cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề liên quan cần các cấp, ngành của Thành phố hỗ trợ, giải quyết như: quá tải giao thông, trường học, dịch vụ hành chính công gia tăng do dân số cơ học tăng. Vì thế, lao động ngoại tỉnh không chỉ có ý thức, trách nhiệm lao động mưu sinh lo cho bản thân, gia đình mà cần có trách nhiệm công dân tại địa bàn cư trú và trong hoạt động, sinh hoạt tại Thành phố.
Ngoài ra, nhiều lao động ngoại tỉnh đến Thành phố không ổn định trong việc làm, thu nhập và thường xuyên thay đổi nơi cư trú... Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, tình trạng tạm trú của người lao động, đảm bảo tuân thủ các quy định về lao động, an sinh xã hội và tình trạng cư trú, các vấn đề liên quan, làm cơ sở cho việc quản lý hành chính và quản lý xã hội tại địa bàn, từ đó tiếp tục có các chính sách quản lý, hỗ trợ phù hợp.
Đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: nhà ở và điều kiện sống cũng là một trong những trăn trở của các cấp chính quyền và người lao động cần được tiếp tục quan tâm theo hướng ngày càng có nhiều hỗ trợ.
Các cấp, ngành tiếp tục tăng cường triển khai hiệu quả các chính sách dành cho người lao động trong đó có lao động di cư trong nước, thiết lập các cơ chế và thực hành tạo thuận lợi cho liên kết giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề để kết nối cung-cầu lao động.
![Xưởng chế tạo sản phẩm trong khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_293_51446905/c1477a5c4e12a74cfe03.jpg)
Xưởng chế tạo sản phẩm trong khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Đối với doanh nghiệp cần tăng cường tổ chức đối thoại tại nơi làm việc để hiểu rõ hơn mong muốn của người lao động liên quan đến chế độ tiền lương, phúc lợi, cải thiện điều kiện sống và làm việc của người lao động. Cùng với đó, doanh nghiệp phối hợp với cơ quan Nhà nước cải thiện cơ sở hạ tầng, phúc lợi cho người lao động, ví dụ giới thiệu nhà trọ giá rẻ, nhà trẻ, đảm bảo điều kiện sống tốt hơn cho người lao động và gia đình ở các đô thị, khu vực có nhiều khu công nghiệp.
Tại Bình Dương, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh dự báo: trong năm 2025, đối với nhóm lao động phổ thông, nhu cầu lao động các ngành dệt may, chế biến thực phẩm, lắp ráp điện tử tiếp tục tạo nhiều cơ hội việc làm. Với nhóm lao động có trình độ chuyên môn cao dự báo các vị trí việc làm liên quan đến công nghệ thông tin, kỹ thuật, quản lý chuỗi cung ứng sẽ ngày càng được ưu tiên. Như vậy cơ hội việc làm cho người lao động, trong đó có các lao động đến từ các địa phương khác trong cả nước tới Bình Dương làm việc đang tiếp tục rộng mở.
Để tiếp tục tạo thuận lợi thu hút lao động trong đó có lao động di cư trong nước đến Bình Dương gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyên gia Lê Thế Vững, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho rằng: tỉnh cần tăng cường đầu tư có trọng điểm một số trường đào tạo nghề đạt chuẩn khu vực và quốc tế để đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa hệ thống các trường nghề với các trường phổ thông trong phân luồng học sinh, hướng nghiệp, mở rộng nguồn tuyển sinh cho các trường đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh liên kết vùng trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực, liên kết đào tạo nhân lực phục vụ các ngành kinh tế, nhất là các ngành nghề mới gắn với công nghệ và các lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên phát triển.
Ngoài ra, Bình Dương tiếp tục thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt phục vụ cho các chương trình, kế hoạch, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội của địa phương và vùng Đông Nam Bộ./.