'Chìa khóa' để Bình Dương tăng trưởng hai con số - Bài 2
Bài 2: Đột phá hạ tầng, đón đầu cơ hội phát triển
Những đột phá về hạ tầng giao thông, đô thị của Bình Dương trong thời gian qua là một lợi thế cạnh tranh quan trọng của tỉnh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình lớn sẽ là động lực cho nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng mạnh trong năm 2025 và thời gian tới.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_413_51445869/a72c04283066d9388077.jpg)
Việc đẩy nhanh thực hiện các công trình trọng điểm từ đầu năm sẽ góp phần giúp tỉnh đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2025. Trong ảnh: Thi công công trình đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh
Tăng tốc các dự án giao thông kết nối
Ngày 1-2 (nhằm ngày 4 tháng giêng âm lịch) vừa qua, Bình Dương đã long trọng tổ chức khởi công dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên kết nối TP.Hồ Chí Minh với Bình Dương, Bình Phước và Tây nguyên. Theo lãnh đạo tỉnh, việc khởi công dự án là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, minh chứng cho sự phát triển bền vững của tỉnh, sự hợp tác tốt đẹp giữa chính quyền tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Phát biểu tại lễ khởi công dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá Bình Dương mừng xuân, mừng Đảng bằng việc khởi công dự án đã thể hiện tinh thần làm việc khẩn trương, hiệu quả ngay từ đầu năm. Theo Thủ tướng, Bình Dương giữ một vị trí quan trọng trong việc phát triển hạ tầng kết nối vùng Đông Nam bộ. Bình Dương cần tiên phong trong việc thực hiện quy hoạch vùng, phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng. Riêng đối với dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đường cao tốc này không chỉ có ý nghĩa với Bình Dương, mà còn rất quan trọng với tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên, giúp phát triển kinh tế - xã hội cả vùng.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định những nỗ lực trong thúc đẩy liên kết vùng của Bình Dương thời gian qua được xem là giải pháp tổng thể và được kỳ vọng sẽ giúp tỉnh phát huy lợi thế, tiếp đà phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ phát triển.
Với khát vọng chuyển mình, cùng với những dự án trọng điểm mới được khánh thành, gồm cầu Bạch Đằng 2 (nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Đồng Nai), đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, thì việc khởi công dự án trọng điểm đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành ngay từ đầu năm tiếp thêm động lực để Bình Dương nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2025.
Bình Dương đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối; nỗ lực hoàn thiện các thủ tục để sớm khởi công đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh; phấn đấu hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, thông xe kỹ thuật đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-2025). Đây vừa là điều kiện, động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, vừa là tiền đề để địa phương bứt phá trong tương lai.
Thực hiện hiệu quả đầu tư công
Có thể thấy bằng quyết sách đúng đắn, Bình Dương đã huy động được một nguồn lực to lớn từ xã hội để phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật tốt, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh. Năm 2025, Bình Dương vẫn xác định tiếp tục mục tiêu “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2025 của Bình Dương là 36.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ được phân bổ đầu tư cho những dự án động lực, trọng điểm có tính chất kích thích, khơi thông nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. Bình Dương đang tiếp tục bố trí sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để kích thích, khơi thông, dẫn dắt, vốn “mồi” thu hút vốn từ các thành phần kinh tế khác đầu tư lan tỏa trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, cho biết kế hoạch tăng trưởng hai con số trong năm nay của Bình Dương là khả thi nhờ dòng vốn đầu tư công năm 2025 dự kiến là 36.000 tỷ đồng. Dòng vốn này sẽ kích cầu toàn thị trường và thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, dịch vụ và bất động sản phát triển. Khi dòng vốn đầu tư được giải ngân mạnh sẽ kích cầu những nguồn lực khác tăng trưởng, từ đó đóng góp tích cực vào kế hoạch tăng trưởng hai con số của tỉnh.
Với mục tiêu đạt tăng trưởng hai con số trong năm 2025, Bình Dương đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp chiến lược. Trong đó, Bình Dương tập trung thực hiện 3 đột phá theo Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 6-12-2024 của Tỉnh ủy, gồm: Đột phá về huy động mọi nguồn lực đầu tư với phương châm đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; đột phá về đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, giao thông nội vùng để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các tuyến đường cao tốc, vành đai, tạo kết nối thông suốt với TP.Hồ Chí Minh và hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế; đột phá về khâu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra theo hướng rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện, rõ kết quả và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2025, Bình Dương cần tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý trong các dự án đầu tư để hấp thu nhanh vốn vào nền kinh tế, trong đó có các dự án bất động sản. Khôi phục nhanh thị trường bất động sản sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GRDP cả trực tiếp và gián tiếp. Cũng theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, tổng đầu tư xã hội của Bình Dương trong 4 năm qua còn thấp so với mục tiêu tăng GRDP (năm 2021 tăng 1%, năm 2022 tăng 3%, năm 2023 tăng 8,5%, năm 2024 tăng 11%), nên việc sử dụng “vốn mồi” đầu tư công để thu hút vốn đầu tư tư nhân cần được chú ý đặc biệt trong bố trí vốn đầu tư. Năm 2025, giải ngân vốn đầu tư công phải tăng 20% trở lên mới đóng góp đáng kể cho tăng trưởng GRDP và tạo đà tăng trưởng mạnh cho những năm tiếp theo.
Thực hiện kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng hai con số trong năm 2025, đối với nhóm nhiệm vụ về đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, UBND tỉnh yêu cầu các ngành xây dựng các giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn nữa để tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hạ tầng trọng điểm, mang tính chất lan tỏa, kết nối vùng như đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, mở rộng Quốc lộ 13... nhằm thực hiện mục tiêu có 3.000km đường cao tốc vào cuối năm 2025 và 5.000km đường cao tốc vào cuối năm 2030 của cả nước. UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng, các dự án đường sắt đô thị nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 (còn tiếp).