Phát huy tối đa hiệu quả của Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước

Với GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, hai lần tham gia xây dựng, sửa đổi Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước (CMKTNN) đã để lại trong ông nhiều câu chuyện đáng nhớ cùng những bài học kinh nghiệm quý báu. Trao đổi với Báo Kiểm toán, ông đã chia sẻ 6 nhóm giải pháp để Hệ thống CMKTNN năm 2024 phát huy tối đa hiệu quả trong thực tiễn.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hệ thống Chuẩn mực KTNN chỉ đạo tại cuộc họp cho ý kiến đối với Dự thảo Hệ thống CMKTNN sủa đổi, bổ sung ngày 21/3/2024. Ảnh: TL

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hệ thống Chuẩn mực KTNN chỉ đạo tại cuộc họp cho ý kiến đối với Dự thảo Hệ thống CMKTNN sủa đổi, bổ sung ngày 21/3/2024. Ảnh: TL

Thưa ông! Được biết, không chỉ tham gia soạn thảo Hệ thống CMKTNN năm 2024, trước đó, ông còn là Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Hệ thống CMKTNN năm 2016. Đây chắc hẳn là giai đoạn có nhiều bài học và câu chuyện đáng nhớ với ông?

Từ cuối năm 2012, KTNN đã chuẩn bị để đầu năm 2013 tham gia Chương trình Sáng kiến thực hiện các Chuẩn mực kiểm toán quốc tế của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và bắt đầu xây dựng Hệ thống CMKTNN mới với 39 chuẩn mực (ban hành theo Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNN ngày 15/7/2016).

Việc ban hành Hệ thống 39 CMKTNN vào năm 2016 là một quá trình công phu. Thứ nhất,Ban soạn thảo đã rà soát và kế thừa rất nhiều nội dung từ Hệ thống CMKTNN ban hành năm 1999 gồm 14 chuẩn mực - những chuẩn mực đầu tiên tạo nền tảng cho việc tổ chức, quản lý và thực hiện kiểm toán thống nhất; Hệ thống CMKTNN ban hành năm 2010 gồm 21 chuẩn mực.

Thứ hai, Ban soạn thảo nghiên cứu các chuẩn mực kiểm toán quốc tế, đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với xu hướng phát triển của KTNN trên thế giới.

Thứ ba, tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia, các tổ chức và các cơ quan liên quan, tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng kiểm toán.

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên

Từ đó, Hệ thống CMKTNN năm 2016 được xây dựng và cập nhật theo hướng tuân thủ các yêu cầu của Hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế do INTOSAI ban hành (ISSAI), tham khảo hệ thống chuẩn mực kiểm toán độc lập và kết quả đánh giá của Nhóm đánh giá việc tuân thủ ISSAI của KTNN, thực hiện theo Hiến pháp năm 2013, Luật KTNN năm 2015, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và từng bước hội nhập quốc tế.

Trong 3 năm xây dựng Hệ thống Chuẩn mực (từ đầu năm 2013 đến giữa năm 2016), Ban soạn thảo đã nhận được sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của nhiều tổ chức quốc tế. Cùng với đó, những kinh nghiệm từ việc thực hiện các cuộc kiểm toán trước đó cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng chuẩn mực. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất khi xây dựng Hệ thống 39 CMKTNN là việc thống nhất quan điểm về tư duy và nhận thức về yêu cầu đổi mới, tính chuyên nghiệp trong nghề nghiệp, tiếp cận ISSAI. Bên cạnh đó, việc tập hợp nhiều ý kiến từ các bên liên quan đôi khi dẫn đến sự không thống nhất về các chuẩn mực cần thiết.

Trước những vấn đề còn có quan điểm khác nhau, Ban soạn thảo và Tổng Kiểm toán nhà nước đã tổ chức các hội thảo để thảo luận, kiên trì lắng nghe, phân tích, giải thích thêm những nội dung mới, tiếp thu những ý kiến, từ đó hoàn thiện dự thảo cho phù hợp. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng của chuẩn mực mà còn tạo ra mối quan hệ gắn bó và sự đồng thuận trong cộng đồng kiểm toán. Một kỷ niệm đáng nhớ đối với tôi ở giai đoạn này là được Tổng Kiểm toán nhà nước giao nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Soạn thảo, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Hệ thống Chuẩn mực KTNN năm 2016. Theo thời gian, từ khi bắt đầu công tác chuẩn bị (năm 2012) cho đến khi quyết định ban hành (năm 2016), Hệ thống Chuẩn mực đã trải qua 3 thế hệ người đứng đầu KTNN.

Hơn 3 năm nghiên cứu để xây dựng Hệ thống 39 Chuẩn mực KTNN - khoảng thời gian đó đã giúp ông cũng như các thành viên Ban soạn thảo tích lũy được những kinh nghiệm quý báu. Còn đối với giai đoạn rà soát để hoàn thiện 43 Chuẩn mực năm 2024, điều gì để lại ấn tượng nhất đối với ông?

Giai đoạn rà soát và nghiên cứu để hoàn thiện 43 CMKTNN năm 2024 là một quá trình quan trọng, tiếp nối những nỗ lực trước đó. Lúc này, Ban soạn thảo đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý. Cùng với đó, KTNN tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như INTOSAI.

Đặc biệt, Tổng Kiểm toán nhà nước là Trưởng Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo sát sao và đặt ra yêu cầu rất cụ thể, rõ ràng, giúp quy trình xây dựng chuẩn mực đảm bảo công khai, minh bạch, tạo sự tin tưởng trong Ngành; khuyến khích sự tham gia và đóng góp ý kiến từ các chuyên gia, đơn vị liên quan, đảm bảo dự thảo chuẩn mực phản ánh sát thực tiễn. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập dữ liệu, phân tích và xây dựng các chuẩn mực nhanh chóng và hiệu quả.

Quá trình rà soát và hoàn thiện 43 Chuẩn mực năm 2024 không chỉ là một dự án chuyên môn mà còn là một hành trình gắn kết các thành viên trong Ngành, hướng tới mục tiêu chung là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động KTNN.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện 43 chuẩn mực với yêu cầu cao về chất lượng và tính ứng dụng thực tiễn là một thách thức lớn, đòi hỏi Ban soạn thảo phải làm việc rất nghiêm túc. Giống như các giai đoạn trước, việc tập hợp ý kiến từ nhiều bên liên quan vẫn là một thách thức, đặc biệt khi có sự khác biệt trong quan điểm và cách tiếp cận. Cùng với đó, sự thay đổi trong quy định pháp lý có thể gây khó khăn trong việc đảm bảo các chuẩn mực mới phù hợp với bối cảnh pháp lý hiện hành. Để vượt qua những khó khăn, thách thức đó, Ban soạn thảo đã thực hiện đúng định hướng và nguyên tắc của Ban chỉ đạo…

Một trong những điều ấn tượng nhất đối với tôi trong quá trình này là sự cam kết và tinh thần làm việc của các thành viên Ban soạn thảo. Họ không chỉ đơn thuần là những người nghiên cứu và soạn thảo mà còn có tâm huyết với nghề, luôn sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu ý kiến. Trong các buổi làm việc của Tổ soạn thảo, hội thảo, các thành viên chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và cách mà các chuẩn mực có thể giúp họ làm việc hiệu quả hơn. Sự nhiệt tình và cống hiến của họ không chỉ giúp hoàn thiện các chuẩn mực mà còn tạo ra một văn hóa hợp tác trong ngành kiểm toán.

Qua 2 lần tôi tham gia làm chuẩn mực, hầu hết các thành viên Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo đều nói với tôi rằng: Sau mỗi lần làm chuẩn mực, họ lại thấy mình sáng ra nhiều điều, giàu thêm kiến thức, trí tuệ và giá trị bản thân; thêm động lực, thêm yêu công việc, vì mình đã góp phần tạo thêm nhiều giá trị cho Ngành và nghề nghiệp kiểm toán.

Trong câu chuyện vừa chia sẻ, ông có nhắc tới chất lượng và tính ứng dụng thực tiễn của Hệ thống 43 CMKTNN. Theo ông, KTNN cần làm gì để Hệ thống Chuẩn mực này phát huy tối đa hiệu quả trong hoạt động kiểm toán?

Theo tôi, để Hệ thống CMKTNN đi vào cuộc sống và phát huy tối đa hiệu quả trong hoạt động kiểm toán, KTNN cần triển khai 6 nhóm biện pháp sau:

Tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo cho cán bộ, kiểm toán viên (KTV) để họ hiểu rõ về Hệ thống CMKTNN mới và cách áp dụng trong thực tiễn.

Phát triển tài liệu hướng dẫn chi tiết để hỗ trợ việc áp dụng chuẩn mực và xây dựng quy trình rõ ràng cho việc áp dụng Hệ thống CMKTNN trong các cuộc kiểm toán, bao gồm các bước cụ thể và tiêu chí đánh giá, đồng thời đảm bảo quy trình này được cập nhật thường xuyên dựa trên phản hồi và thực tiễn áp dụng.

Tăng cường giám sát và kiểm tra, xây dựng cơ chế giám sát để kiểm tra việc áp dụng chuẩn mực trong các cuộc kiểm toán, thực hiện các cuộc kiểm tra định kỳ để đánh giá hiệu quả và mức độ tuân thủ của các đơn vị và KTV.

Khuyến khích phản hồi và cải tiến, tạo ra kênh thông tin để KTV và các đơn vị có thể phản hồi về những khó khăn trong việc áp dụng chuẩn mực; dựa trên phản hồi này, tiến hành điều chỉnh và cải tiến Hệ thống CMKTNN để phù hợp hơn với thực tiễn.

Tích hợp vào Chiến lược phát triển KTNN, đưa Hệ thống CMKTNN vào Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, đảm bảo rằng mọi hoạt động kiểm toán đều tuân thủ chuẩn mực; phát triển các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả áp dụng Hệ thống CMKTNN trong hoạt động kiểm toán.

Tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức về Hệ thống CMKTNN trong toàn Ngành và với các bên liên quan, chia sẻ các câu chuyện thành công trong việc áp dụng chuẩn mực để khích lệ sự tham gia.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

THÙY ANH (thực hiện)

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/phat-huy-toi-da-hieu-qua-cua-he-thong-chuan-muc-kiem-toan-nha-nuoc-38150.html
Zalo