Năm học 2025-2026: ba trường đại học phía Nam bổ sung các tổ hợp xét tuyển đa dạng
Năm nay, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) bổ sung thêm một số tổ hợp mới có môn Tin học, còn Trường Đại học Công thương TP.HCM bổ sung tổ hợp khối C vào danh mục xét tuyển...
Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) công bố phương án tuyển sinh năm 2025-2026 với 3 phương thức cụ thể.
Phương thức 1: tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Nhà trường tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thí sinh giỏi, tài năng được hiệu trưởng trường trung học phổ thông (THPT) giới thiệu đáp ứng các tiêu chí cụ thể như học lực giỏi, hạnh kiểm tốt và các thành tích nổi bật trong học tập.
Thí sinh thuộc danh sách 149 trường THPT ưu tiên xét tuyển vào Đại học Quốc gia TP.HCM (từ năm 2026 chỉ ưu tiên xét tuyển học sinh chuyên, năng khiếu); thí sinh đạt giải cao trong các kỳ thi uy tín (Olympic Tin học, Đường lên đỉnh Olympia, ICPC, SEA Games, ASIAD,...); thí sinh có chứng chỉ quốc tế uy tín (SAT, ACT, A level, IB) với kết quả đạt yêu cầu.
Phương thức 2: xét tuyển dựa trên điểm Kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2025. Điểm xét tuyển = Điểm thi đánh giá năng lực + Điểm ưu tiên (nếu có). Trong đó, điểm ưu tiên bao gồm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS, TOEFL iBT, JLPT,…) và ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điểm xét tuyển tính trên thang điểm 1.200.
Phương thức 3: xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Điểm xét tuyển = Điểm thi tốt nghiệp THPT tổ hợp môn xét tuyển + Điểm ưu tiên (nếu có). Trong đó điểm ưu tiên bao gồm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS, TOEFL iBT, JLPT) và ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điểm xét tuyển tính trên thang 30.
Ngoài các tổ hợp xét tuyển như năm 2024, nhà trường bổ sung thêm một số tổ hợp mới có môn Tin học như Toán – Tiếng Anh – Tin học, Toán – Vật lý – Tin học, phù hợp với chương trình THPT mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường Đại học Công Thương TP. HCM công bố phương án tuyển sinh đại học dự kiến với nhiều phương thức xét tuyển linh hoạt và tổ hợp môn đa dạng, tạo cơ hội rộng mở cho thí sinh.
Một trong những điểm nổi bật là việc bổ sung tổ hợp xét tuyển khối C vào danh mục xét tuyển, bao gồm C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), C01 (Ngữ văn, Toán học, Vật lý), C02 (Ngữ văn, Toán học, Hóa học), C03 (Ngữ văn, Toán học, Lịch sử) và C14 (Toán học, Ngữ văn, Giáo dục kinh tế và pháp luật) cho một số ngành học, giúp mở rộng khả năng lựa chọn cho thí sinh có thế mạnh về các môn khoa học xã hội.
Bên cạnh đó, để đảm bảo sự phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường bổ sung các môn Toán học, Anh văn, Tin học, Giáo dục kinh tế và pháp luật vào một số tổ hợp xét tuyển.
Năm nay, Trường Đại học Công thương TP.HCM chính thức áp dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TP. HCM.
Trường Đại học Công Thương TP. HCM áp dụng 5 phương thức xét tuyển: sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025; sử dụng kết quả học tập THPT; sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. HCM năm 2025; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo đề án; xét tuyển theo kết quả điểm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TP. HCM kết hợp kết quả học tập THPT theo tổ hợp môn tương ứng với từng ngành.
Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM dự kiển xét tuyển thêm các phương thức gồm: tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức (không áp dụng cho ngành giáo dục mầm non); xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Ngành giáo dục mầm non xét dựa vào kết quả thi tốt nghiệp hai môn ngữ văn, toán và điểm thi năng khiếu; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT bổ sung hoặc thay thế một môn trong tổ hợp xét tuyển bằng học bạ; xét tuyển học bạ.